Nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 5/2022

Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng vừa tăng từ 0,1-0,4% (tùy kỳ hạn) vào những ngày đầu tháng 5. Nguyên nhân được cho là các ngân hàng có nhu cầu huy động vốn để đáp ứng sự tăng trưởng tín dụng và do áp lực lạm phát.

Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,4% vào đầu tháng 5, tùy kỳ hạn và hình thức gửi tại quầy hay trực tuyến. (Ảnh minh họa: Trí Thức VN)

Theo đó, hàng loạt các ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới, với kỳ hạn từ 3 tháng đến 12 tháng có sự gia tăng phần trăm lãi suất từ 0,1-0,4%.

Theo trang Zing, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đã tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,2-0,4%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng khi gửi tại quầy, lãi suất tăng 0,4%/năm lên mức 6,5-6,6%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động của SHB tăng từ 5,7-5,8%/năm lên 6,1-6,2%/năm.

Đáng chú ý, ngoài kênh huy động vốn thông thường, ngân hàng SHB còn đang huy động vốn thông qua kênh chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm với kỳ hạn 6 năm.

Cũng trong đợt này, Ngân hàng Quân đội (MBBank) điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng này đã được điều chỉnh tăng từ 5,12%/năm lên 5,39%/năm với hình thức trả lãi trước và tăng từ 5,4%/năm lên 5,7%/năm với hình thức trả lãi sau.

Bên cạnh đó, các kỳ hạn từ 18-60 tháng đều được ngân hàng MBBank tăng thêm 0,2-0,4 điểm % so với tháng trước, hiện lần lượt áp dụng mức 6,1%/năm với kỳ hạn 18 tháng; 6,6%/năm với kỳ hạn 36 tháng và 6,4%/năm với kỳ hạn từ 48-60 tháng.

Ngược lại, các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng lại được ngân hàng MBBank điều chỉnh giảm khoảng 0,1-0,2%.

Tại Ngân hàng Nam Á, biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 9/5, mức lãi suất huy động tiền gửi tại quầy kỳ hạn 3 tháng ở mức 3,95%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng lần lượt ở mức 5,60%/năm và 5,9%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng lãi suất là 6,4%/năm và cao nhất là 6,7%/năm ở kỳ hạn từ 18 đến 23 tháng, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Tương tự, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ hôm 4/5/2022, lãi suất kỳ hạn 3 tháng, khách hàng được tăng lãi suất lên mức 3,7%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên mức 4,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng lên mức 5,8% và cao nhất là kỳ hạn 36 tháng với mức lãi suất là 6,3%.

Đối với kênh gửi tiết kiệm trực tuyến (online), nhiều ngân hàng cũng tăng lãi suất huy động. Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (Eximbank) đã tăng lãi suất tiền gửi online từ 6,3% lên 6,5%/năm, tăng khoảng 0,2%/năm so với trước, áp dụng cho khách hàng gửi từ 15 tháng trở lên.

Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) vừa tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất là 7%/năm ở kỳ hạn 24 tháng theo hình thức trực tuyến. Nếu gửi tại quầy, mức lãi suất ở kỳ hạn 24 tháng là 6,8%/năm.

Trước đó, giữa tháng 4, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từng tăng lãi suất huy động thêm từ 0,3-0,6%/năm. Ngân hàng An Bình (ABBank) tăng lãi thêm 0,4-0,5%/năm cho các kỳ 6, 9 và 12 tháng.

Có nhiều lý do khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Theo phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng trở lại. Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh nhiều hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 tăng 0,18% so với tháng trước; tăng 2,09% so với tháng 12/2021 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty VnDirect nhận định lãi suất huy động dự kiến tăng từ 0,3-0,5% năm nay. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, nhưng mức này vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, những tháng đầu năm nay, chỉ tiêu huy động vốn đang tăng chậm hơn cho vay. Tính đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tín dụng tại TP.HCM đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ở TP.HCM chỉ ước tăng 2,74% so với cuối năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tín dụng cải thiện khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay, do vậy lãi suất huy động đã nhích lên.

Kiến Minh (t/h)

Kiến Minh

Published by
Kiến Minh

Recent Posts

Đại học Wollongong (Úc) bác thông tin không nhận hồ sơ học sinh 5 tỉnh, thành Việt Nam

Liên quan việc trường Đại học Wollongong (Úc) không nhận hồ sơ từ 5 tỉnh,…

2 giờ ago

Bão Trami sắp vào biển Đông, gây đợt mưa rất lớn dọc miền Trung

Bão Trami (bão số 6) sẽ vào biển Đông trong tuần này, có khả năng…

2 giờ ago

Nga phản ứng về việc ông Trump nói ông đã từng đe dọa tấn công Moskva

Ông Peskov lưu ý rằng “hiện tại có rất nhiều tuyên bố gay gắt, rất…

3 giờ ago

Bộ GD&ĐT yêu cầu thu hồi bằng cấp của ông Vương Tấn Việt

Ông Vương Tấn Việt  (Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang) bị thu…

4 giờ ago

Tiêm kích Nhật Bản xuất kích chặn máy bay trinh sát H-6, Y-9 của Trung Quốc

ĐCSTQ điều động một máy bay ném bom và máy bay trinh sát bay qua…

5 giờ ago

Năm chủ điểm thách thức lớn nhất đe dọa liêm chính bầu cử Hoa Kỳ 2024

Hoa Kỳ đang gặp phải rất nhiều thách nghiêm trọng liên quan đến tính liêm…

5 giờ ago