Tối 29/8, nhóm 11 doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ thuộc nhóm các ngành nghề vận tải, bất động sản, tư vấn chính sách thuế phí, quản trị DN… tại TP.HCM đã soạn một bản kiến nghị đề nghị Chính phủ “khẩn cấp ban hành quyết sách cứu DN”, khi đa số DN nhóm vừa và nhỏ đã buộc phải ngừng hẳn hoặc hạn chế hoạt động.
Các DN soạn thảo bản kiến nghị đang kêu gọi 5.000 chữ ký để tạo đồng thuận. Tại thời điểm này, TP.HCM đã qua 7 ngày tăng cường giãn cách, song số ca nhiễm vẫn tăng cao (xấp xỉ 5.000 ca trong ngày 29/8), chuỗi sản xuất đứt gãy, chuỗi cung ứng tắc nghẽn,…
Dẫn con số thống kê DN vừa và nhỏ chiếm 97,8% số DN cả nước, trong đơn kiến nghị tập thể, các DN chỉ ra hàng loạt khó khăn đang gặp phải như ngừng hẳn hoạt động hoặc phải hạn chế hoạt động; chi phí “3 tại chỗ” tăng cao (xét nghiệm 3 ngày 1 lần, ăn ở); tạm ngừng hoạt động nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội, trả lương cho người lao động; nhiều doanh nghiệp có doanh thu 0%…
“Chúng tôi tha thiết đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo và định hướng các cơ quan ban ngành trực thuộc, khẩn cấp ban hành quyết sách cứu doanh nghiệp, để doanh nghiệp yên tâm đồng hành cùng Chính phủ vượt qua đại dịch”, các DN nêu.
Các DN đề nghị Chính phủ hỗ trợ 3 nhóm chính sách liên quan đến người lao động, thuế – chi phí và tài chính – ngân hàng.
Về chính sách thuế và tài chính, các DN kiến nghị miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch.
Đồng thời, các DN đề nghị Chính phủ chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà DN phải bỏ ra: xét nghiệm, chi phí chống dịch và “3 tại chỗ”.
Về chính sách tài chính, các DN mong muốn nhận được gói hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.
Các DN đề nghị Chính phủ cho phép khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) các DN phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài; các DN còn lại được khoanh nợ gốc và giảm lãi suất 2-3% kể từ ngày 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch.
Đối với những chính sách liên quan đến người lao động, DN kiến nghị cho tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch; không áp dụng phạt đối với các DN không có khả năng đóng BHXH trong thời kỳ đại dịch.
Miễn giảm 100% phí BHXH của DN và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội, đồng thời có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.
Đề xuất lộ trình để DN tái hoạt độngTrong bản kiến nghị, các DN nêu: “Để giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ, DN khẩn thiết kêu gọi xây dựng lộ trình từng bước để mở lối đi cho các DN hoạt động trở lại từng phần, trong bối cảnh người lao động đã bắt đầu được tiêm vắc-xin đầy đủ. DN xin đề xuất người lao động được phép đến văn phòng, công ty, nhà máy … để làm việc khi đã tiêm đủ một mũi và phải thực hiện nghiêm túc 5K. Người lao động và đại diện DN được phép di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ hai mũi và phải thực hiện nghiêm túc 5K”. |
Nhóm 11 lãnh đạo DN đứng tên bản kiến nghị:
|
Bạn đọc có thể tham khảo đầy đủ nội dung kiến nghị tại đây.
Đầu tháng 8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết theo kết quả điều tra gần 12.000 DN tại 63 tỉnh thành mà VCCI tiến hành cuối năm 2020, các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các DN.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng với đợt dịch thứ 4 đang gây suy kiệt nguồn lực, sớm nhất phải đến quý 1/2022, các hoạt động kinh doanh mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, DN mới dần khôi phục được tình hình sản xuất, kinh doanh.
Do đó, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6/2022, thay vì chỉ giới hạn hỗ trợ trong năm 2021; đồng thời bổ sung các giải pháp hỗ trợ DN chi phí về phòng chống dịch bệnh (chi phí xét nghiệm định kỳ, chi phí tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “2 địa điểm-1 cung đường”…), ít nhất là tại các khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 thành các khoản được hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.
Khảo sát nhanh (trực tuyến) hơn 100 DN, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 4 (hiện chưa kết thúc), có đến 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, 40% DN thiếu vốn kinh doanh; 80% DN có thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp; 52% DN phải cắt giảm lao động; 14% DN bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu; trên 50% DN bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch… |
Trong khi đó, đưa ra báo cáo về tình hình doanh nghiệp tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê dẫn số liệu cho thấy trong cả hai thời gian thống kê, số DN rút khỏi thị trường vượt hơn số DN thành lập mới.
Tính trong tháng 8, cả nước có 5.761 DN thành lập mới, nhưng giảm 57% về số DN, giảm 57% về số DN, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020.
Số DN rút khỏi thị trường là 6.441, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020. Số DN quay trở lại hoạt động là 3.865, giảm 19,1%.
Tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 DN đăng ký thành lập mới, giảm 8% về số DN, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể lên tới 85.500, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trung bình mỗi tháng có khoảng 4.050 DN quay trở lại hoạt động, trong khi gần 10.700 DN rút khỏi thị trường.
Minh Sơn
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…