Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố về kế hoạch “lưu thông kép” với sự tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa trong bối cảnh căng thẳng của thương chiến Mỹ – Trung cũng như nguy cơ “tách rời” kinh tế từ Mỹ. Liệu chiến lược này có thành công hay không vẫn là câu hỏi mở đối với các nhà nghiên cứu.
Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển trực thuộc chính phủ Trung Quốc phát hành trong tháng này đã dự đoán tổng sản phẩm quốc nội bình quân trên đầu người sẽ đạt mức 14.000 USD vào năm 2024, và thị trường Trung Quốc sẽ lớn hơn thị trường Hoa Kỳ vào năm 2025, với ít nhất 560 triệu người tiêu dùng “có thu nhập trung bình”.
Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ rằng liệu Trung Quốc có thể thực sự chuyển đổi bộ máy tăng trưởng của mình từ mô hình đầu tư do nhà nước lãnh đạo và mô hình xuất khẩu sang mô hình chi tiêu tiêu dùng mà không cần đến những cải cách triệt để về chiến lược tăng trưởng và hệ thống phân phối tài sản hay không.
Ông Michael Pettis, giáo sư tài chính của Đại học Bắc Kinh và là một nhà quan sát lâu năm về nền kinh tế Trung Quốc, cho biết hồi tháng 8 rằng chiến lược mới thật ra chỉ là một kế hoạch cũ nhằm tái cân bằng nền kinh tế hướng về tiêu dùng, nhưng kế hoạch này yêu cầu phải chuyển đổi tài sản quy mô lớn từ nhà nước sang các hộ gia đình, và đó là tiến trình sẽ không dễ dàng thực hiện.
Theo SCMP, năm nay doanh số bán hàng tại các tỉnh thành nội địa đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Sức mua của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang yếu đi, đặc biệt những người tiêu dùng có thu nhập thấp của Trung Quốc đang cắt giảm chi phí sinh hoạt đến tận xương tủy.
Các số liệu chính thức cho thấy doanh số bán lẻ hàng hóa của Trung Quốc, vốn thường được dùng để đánh giá tổng chi tiêu tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ, đã giảm khoảng 10% trong bảy tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự sụt giảm thực sự về chi tiêu tiêu dùng thậm chí có thể lớn hơn nhiều bởi vì số liệu bán lẻ bao gồm luôn cả chi tiêu của chính phủ tại các cửa hàng và nhà hàng.
Nguyên nhân phía sau vấn đề sức mua yếu của Trung Quốc là do hệ thống phân phối tài sản quốc gia giành ưu tiên cho nhà nước và những người giàu có thay vì các hộ gia đình trung bình, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, SCMP nhận định.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết tại một buổi họp báo tháng trước rằng 600 triệu người dân Trung Quốc trong tổng số 1,4 tỷ cư dân đang sống với mức thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ (146 USD).
Tờ báo đã dẫn ví dụ về nhiều thương nhân kinh doanh các mặt hàng xa xỉ lẫn bình dân, đều đang chứng kiến sức mua nội địa èo uột trong nhiều tháng qua.
Ông Xu Fa, quản lý một cửa hàng vàng bạc đá quý tại thành phố Quảng Châu, cho biết chi tiêu tại chuỗi cửa hàng trên toàn quốc đã giảm đáng kể trong năm nay. Ông Xu cho biết công ty đã phải chọn phương án giảm giá sâu các mặt hàng nhằm giảm lượng hàng tồn kho và có đủ dòng tiền mặt. “Các mặt hàng có giá 9.000 nhân dân tệ vào năm ngoái hiện đang được bán với giá khoảng 5.000 nhân dân tệ. Không chỉ có chúng tôi, tất cả các nhà bán lẻ tại các trung tâm mua sắm trên toàn quốc cũng đang làm điều tương tự,” ông nói.
Trong khi đó, ông Luo Zhaoliu, người sản xuất đậu hũ lên men ở một làng nông thôn tại tỉnh Giang Tây, cũng đang lo lắng cho triển vọng kinh doanh của mình. Nếu như năm ngoái, ông đã bán được 160.000 hộp đậu hũ với giá 12 nhân dân tệ mỗi hộp trong tám tháng đầu năm ngoái, thì ông chỉ bán được 100.000 hộp trong cùng kỳ năm nay.
Ông nói: “Nếu đến bất kỳ cửa hàng bán ngũ cốc và dầu nào ở vùng thôn quê, ta sẽ thấy sự sụt giảm doanh số đáng kể đối với tất cả các mặt hàng, ngoại trừ những mặt hàng thiết yếu như gạo và dầu ăn.”
Vì vậy, ông Luo cho biết hiện giờ ông đang cố gắng chia đồ hũ lên men của ông thành những phần nhỏ hơn để bán với giá 1 nhân dân tệ một phần. Ông cho biết bằng cách này, có thể sẽ có nhiều người muốn mua hơn nếu họ không muốn mua nguyên một hũ với giá 12 nhân dân tệ.
Theo nhận định của SCMP, nếu nhu cầu trong nước của Trung Quốc không đủ, nước này sẽ phải dựa vào nhu cầu ở nước ngoài để duy trì các nhà máy của họ hoạt động bình thường.
Tờ Securities Times gần đây đã trích dẫn lời của ông Teng Tai, giám đốc một tổ chức tư vấn tư nhân đặt ở Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc không thể chỉ dựa vào thị trường nội địa để duy trì bộ máy sản xuất khổng lồ của mình.
Ông Teng cho biết có một bộ số liệu để tham khảo: “Trung Quốc sản xuất 10 tỷ cái mũ, 10 tỷ đôi giày, 30 tỷ chiếc quần áo, và 200 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay mỗi năm. Không thể nào bán tất cả chúng trong thị trường nội địa.”
Các doanh nhân gặp khó khăn tại Trung Quốc đang tận mắt chứng kiến tầm nhìn của lãnh đạo Bắc Kinh và thực tế ngoài đời khác xa nhau như thế nào.
Gia Huy (theo SCMP)
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…