Đã từng có thời gian siêu lạm phát xảy ra ở Đức, một người Đức bình dân có hàng tỷ mark trong túi nhưng cũng không thể mua được gì.
Một ổ bánh mỳ giá 200 tỷ mark. Tiền lương hưu một tuần không mua nổi một cốc cà phê. Đồng mark rơi tự do và mất giá từng phút. Các nhà hàng không dám in thực đơn mới vì lúc thức ăn được mang ra thì giá đã tăng lên rồi. Có người uống cốc cà phê đầu tiên với giá 5000 marks, nhưng khi anh ta gọi cốc thứ hai thì giá đã là 9000 marks. Những câu chuyện thời đó nghe vừa buồn cười lại vừa đáng sợ.
Có cậu bé được mẹ sai đi mua hai cái bánh mỳ. Cậu bé đi chơi đá bóng rồi mới đi mua. Khi cậu bé quay lại cửa hàng, thì giá đã tăng lên và cậu chỉ mua được một cái. Một người đàn ông đến Berlin mua giày, khi ông đến nơi, ông chỉ mua nổi một cốc cà phê và vé xe buýt để quay về.
Chuyện buồn cười này bắt đầu vào khoảng giữa chiến tranh thế giới thứ nhất, khi chỉnh phủ Đức quyết định không dùng tiền thuế thu được để cung cấp cho chiến tranh mà chỉ mượn tiền từ các quốc gia khác. Họ tự tin rằng có thể trả nợ sau khi chiến thắng vì họ sẽ chiếm được những vùng công nghiệp giàu tài nguyên và bắt những nước thua cuộc phải trả tiền bồi thường chiến tranh.
Nhưng kế hoạch hoàn toàn phá sản. Đức bị thua và phải ôm một cục nợ khổng lồ. Thêm vào đó, hòa ước Véc-xây (Versailles) đã phạt Đức một khoản nặng 132 tỷ marks (31,4 tỷ USD) tiền bồi thường chiến tranh do đã gây ra nhiều tổn thất cho các nước phe Hiệp Ước.
Để trả nợ, chính phủ Đức đã giở trò lừa dối, họ bắt đầu in thêm tiền và mua ngoại tệ trả tiền bồi thường chiến tranh. Chẳng mấy chốc, hàng hóa thì ít mà tiền thì lại có quá nhiều, khiến lạm phát tăng vọt, tuột khỏi kiểm soát.
Lúc đầu, lạm phát tăng chậm chạp từ 4,2 mark/USD trước chiến tranh lên 48 mark/USD khi hòa ước được ký kết. Sau đó nó tăng với tốc độ tên lửa. Trong nửa đầu năm 1922, tỷ giá là 320 mark/USD. Cuối năm, nó đã là 7400 mark/USD. Cuối cùng lạm phát đã tăng lên đến mức ngoài sức tưởng tượng là 4.200 tỷ mark/USD.
Nhân viên các công ty mang vali và balô đi làm để nhận tiền lương, rồi sau đó kiếm ngay cửa hàng gần nhất để tiêu ngay kẻo tỷ giá lại tăng lên. Giấy bạc ngân hàng có mệnh giá tăng nhanh hàng tuần. Khi đồng 1000 tỷ mark ra đời, người ta chẳng buồn nhận tiền trả lại nữa. Siêu lạm phát lên đến đỉnh điểm vào tháng 10 năm 1923 khi mệnh giá tiền lên tới 100 nghìn tỷ mark. Đồng tiền đã trở nên vô nghĩa.
Người ta ngừng dùng tiền mặt mà chuyển sang trao đổi hàng hóa. Nhiều bác sĩ mong được trả bằng xúc xích, trứng, than đá v.v. Người ta đổi một đôi giày lấy áo phông và bát đĩa lấy cà phê. Nỗi lo và sự ngờ vực về nền kinh tế lan rộng khắp nơi. Người ta sống như thể không còn ngày mai. Vũ trường và các quán bar thoát y mở khắp thành phố, còn lượng tiêu thụ cô-ca-in thì tăng vọt.
Điều kỳ lạ là hàng hóa không hề thiếu, chỉ là không có đồng tiền ổn định để giao dịch. Chỉ có những tài sản hữu hình là có giá trị thật như kim cương, vàng, đồ cổ hay các tác phẩm nghệ thuật. Hiện tượng ăn cắp vặt lan tràn khắp cả nước. Người ta ăn trộm bất kỳ cái gì, từ xà phòng, kẹp tóc, cho đến xăng dầu…
Rõ ràng là cần phải có một sự thay đổi tiền tệ để hãm lại sự sụt giá này và đưa đất nước ổn định trở lại. Cuối năm 1923, đồng mark được thay thế bởi một đồng tiền mới – Rentenmark, định giá dựa trên các khoản thế chấp bằng đất công nghiệp và nông nghiệp. Giá trị của đồng Rentenmark được cố định ở mức tỷ giá cũ là 4,2 Rentenmark/USD.
Nước Đức đã “lê lết” được về trạng thái bình thường nhưng đất nước đã không còn như cũ nữa. Những khoản tiền tiết kiệm bị mất sẽ không bao giờ lấy lại được, “và cả những giá trị lao động vất vả để tạo ra những khoản tiết kiệm đó.” George J.W.Goodman, một nhà kinh tế viết. “Có một sự bất mãn khác trong đất nước này và Hitler đã lợi dụng điều đó với tài năng ma quỷ của ông ta.”
>> Nhìn lại thủ đoạn tẩy não trẻ em của Hitler để hiểu về các chế độ cực quyền
Pearl S.Buck, một nhà văn Mỹ từng ở Đức năm 1923 viết:
Các thành phố vẫn còn đó, những ngôi nhà cũng không hề bị trúng bom hay bị phá hủy gì cả, nhưng hàng triệu người đã trở thành nạn nhân. Họ mất đi gia tài, mất đi khoản tiết kiệm; họ sửng sốt và sốc vì lạm phát, không hiểu vì sao chuyện này lại xảy ra với họ, và ai là kẻ địch nào đã đánh bại họ. Trên hết họ mất đi sự tự tin – cảm giác rằng bản thân họ có thể làm chủ cuộc đời, chỉ cần làm việc đủ chăm chỉ. Ngoài ra còn có những mất mát khác như các giá trị đạo đức truyền thống, nhân cách và lễ nghi.
Lạm phát là hình thức chuyển gánh nặng nợ sang người dân dựa trên sự trượt giá của đồng tiền. Ví dụ, bạn có 10 đồng mua được 1 món hàng, nhưng vì đồng tiền mất giá, lúc này bạn phải cần đến 15 đồng để mua được cùng món hàng như trước đây. 5 đồng đó đó là do lạm phát gây ra, và thiệt hại đó là do bạn chi trả.
Chỉ có Chính phủ (tức các chính trị gia) mới có thể gây ra lạm phát, bởi quyền lực mà họ được trao cho: “vay tiền, in tiền và tiêu tiền”.
Và khi in tiền để chi tiêu vô tội vạ, đồng tiền mất giá, người dân là những người hứng chịu và trở thành những con nợ bất đắc dĩ thông qua sự trượt giá của đồng tiền. Họ phải chi trả nhiều hơn để có được cùng 1 món hàng trong quá khứ. Nhưng, ít ai trong số họ lại nghĩ mình là con cừu đang bị xén lông cả, họ trở thành những người đi “nhổ cọc” ngoan ngoãn, đây là điểm mà Chính phủ vô cùng tâm đắc!
Do đó, có thể nói Lạm phát là hình thức “thu thuế gián tiếp” thông qua sự trượt giá của đồng tiền.
Xâu chuỗi lại, sự tan vỡ của Liên Xô, sự sụt giá của đồng rúp, cuộc khủng hoảng tài chính của các con rồng châu Á hay vụ phá sản tài chính ở Nhật Bản… đều là nạn nhân của các cuộc lạm phát phi mã do chính phủ vay tiền để chi tiêu sau đó in thêm tiền để trả nợ, nói chính xác là món nợ đã được chia đều cho mỗi người dân dưới tỷ lệ lạm phát.
Người dân có thể bảo vệ mình khỏi lạm phát nhờ chuyển sang dùng vàng làm nơi cất giữ tài sản:
“Trong tình huống không có bản vị vàng, sẽ không có bất cứ biện pháp nào để bảo hộ sự tích luỹ của dân chúng khỏi sự thống soái của nạn lạm phát, và điều này cũng có nghĩa là nguồn tài sản của dân chúng sẽ không có được nơi cất giữ an toàn.”
“Nói một cách đơn giản, bội chi tài chính chính là âm mưu tước đoạt tài sản, và vàng đã chặn đứng quá trình nguy hiểm này và đóng vai trò bảo hộ tài sản của dân chúng. Nếu nắm được điểm quan trọng có tính chất then chốt này thì người ta không cảm thấy khó khăn để lý giải vì sao có không ít người đã phỉ báng bản vị vàng một cách đầy ác ý”
(Alan Greenspan, Vàng và tự do kinh tế (Gold and Economic Freedom), 1966.)
Chân Hồ, Thành Đô tổng hợp
Xem thêm:
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…