GS Nguyễn Mại cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là tầm nhìn, rất nhiều dự án luôn trong trạng thái “mở rộng”, mặc dù luôn có tầm nhìn tới năm 2030.
Đó là thông tin được ông chia sẻ tại buổi tọa đàm “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam” diễn ra hôm 13/11.
Theo đó, một trong những hạn chế lớn nhất của các dự án hạ tầng giao thông Việt Nam được GS Nguyễn Mại chỉ ra đó là tầm nhìn, rất nhiều lĩnh vực chưa có tầm nhìn dài hạn.
Chẳng hạn, TP.HCM luôn trong trạng thái mở rộng, sân bay Tân Sơn Nhất cũng mở rộng, Long Thành đang quy hoạch… Chưa kể nhiều dự án đường bộ phải bảo trì, sửa chữa liên tục sau thời gian ngắn đưa vào vận hành.
“Tầm nhìn vẫn thiếu dù luôn có tầm nhìn tới năm 2030”, GS Mại cho hay.
Một bất cập khác được ông đề cập là tình trạng đội vốn và chậm tiến độ xảy ra tại các dự án hạ tầng GTVT, gây nhiều lãng phí.
Ông Mại cho biết ngoại trừ hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầu như không có công trình nào là không đội vốn lên 50%, 100%, 200%, 300%… Ví dụ, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 12km, vay từ Trung Quốc bị đội vốn tới 3 lần.
Ngoài bị đội vốn, hầu như cũng không có con đường nào ở Việt Nam được làm đúng tiến độ, ít nhất là chậm 1-2 năm, thậm chí còn nhiều hơn, ông Mại nhận xét.
GS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định chất lượng công trình, cho rằng đầu tư hiện nay quá dàn trải là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án bị chậm và thiếu hiệu quả.
Điều quan trọng nữa, theo ông Chủng, là năng lực nhà thầu thi công và vai trò của đơn vị tư vấn giám sát cần tách bạch, quy định rõ người chịu trách nhiệm. Một khi xuất hiện sự cố, sai sót về chất lượng công trình thì trách nhiệm chính là thuộc về nhà thầu, thứ hai là tư vấn giám sát.
Bên cạnh đó, ông Chủng cho biết Việt Nam còn rất coi trọng giá bỏ thầu, mà bỏ qua về đánh giá năng lực nhà thầu. Điều này dẫn đến tình trạng là trong nhiều năm dự án đấu thầu đều theo một cách: “giá ông nào thấp nhất thắng, đây là một cách làm không đúng”, ông chỉ ra.
Bởi nhà thầu có trình độ kỹ thuật cao thì sẽ có mức giá cao tương ứng, trong khi đơn vị năng lực thấp sẽ đưa ra mức giá bỏ thầu thấp. Như vậy nếu chọn giá thấp thì đương nhiên chất lượng công trình sẽ không đảm bảo, còn khi chọn giá cao thì các đơn vị khác đến thanh tra, kiểm tra tại sao giá thấp không chọn… Đó là bất cập tồn tại bấy lâu tại các dự án đầu tư công được GS.TS Chủng chỉ ra.
Theo Bộ GTVT, nhu cầu về sử dụng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng luôn vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020, vì vậy việc huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách là xu hướng tất yếu, khách quan.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết hiện Bộ GTVT đang triển khai cao tốc Bắc Nam 55.000 tỷ đồng. Trong đó huy động vốn từ nhà đầu tư 51.000 tỷ đồng. 3 dự án đầu tư bằng ngân sách được dự kiến khởi công trong quý 2/2019; và 8 dự án BOT sẽ bắt đầu trong quý 3/2019.
Tú Mỹ
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…