Vay ODA vượt gấp đôi trần, lên 600.000 tỷ đồng do dự án đội vốn
- Tường Văn
- •
Vốn vay ODA giai đoạn 2016 – 2020 đã vượt gấp đôi mức trần cho phép là 300.000 tỷ đồng, lên mức 600.000 tỷ đồng. Trong đó nguyên nhân, theo Kiểm toán Nhà nước, chủ yếu là do các khoản giải ngân cao hơn gấp nhiều lần so với dự toán.
Ngày 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về tình hình quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, tổng mức đầu tư vốn từ nguồn ngân sách tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó vốn vay nước ngoài ODA không được quá 300.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng số vốn vay ODA tính đến cuối năm 2017 đã lên tới con số 600.000 tỷ đồng, vượt gấp đôi mức trần Quốc hội cho phép (300.000 tỷ đồng).
Chưa dừng lại ở đó, Kiểm toán Nhà nước mới đây dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhu cầu vốn vay nước ngoài cần bổ sung thêm tính đến tháng 5/2018 là gần 110.000 tỷ đồng, trong đó khoản phát sinh thêm không nằm trong kế hoạch là hơn 72.000 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, chính các khoản giải ngân vượt dự toán gần 40.000 tỷ đồng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm hạn mức vốn vay ODA 300.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 – 2020 đã được Quốc hội thông qua.
Trong đó, một số dự án có mức độ giải ngân vốn cao hơn gấp nhiều lần kế hoạch vốn. Chẳng hạn, dự án Quản lý thiên tai tại Quảng Bình có kế hoạch bố trí vốn là 13,6 tỷ đồng, trong khi giải ngân lên tới 113,1 tỷ đồng, cao gấp 8 lần dự toán; dự án Phục hồi và Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Trị (JICA) kế hoạch bố trí 57 tỷ đồng, trong khi giải ngân là 116,3 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần dự toán…
Theo đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc giải ngân thực tế vượt gấp nhiều lần dự toán đã khiến bội chi ngân sách giai đoạn 2011 – 2015 cao hơn mức cho phép của Quốc hội.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Tài chính, nếu giải ngân đủ cho các dự án và hiệp định vay đã ký kết đến 31/12/2016 thì nguồn vốn cần bổ sung thêm đã lên đến 60.000 – 90.000 tỷ đồng, chưa kể những dự án, hiệp định ký kết từ sau ngày 31/12/2016.
Cũng trong giai đoạn 2011 – 2016, có 319 hiệp định ký kết vay vốn nước ngoài với tổng giá trị vốn vay khoảng hơn 33,6 tỷ USD (tương đương gần 673.000 tỷ đồng), cao hơn 59% so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Điều này đã khiến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của chính phủ trong giai đoạn 2011 – 2016 khoảng 226.000 tỷ đồng, chiếm 17% – 18% tổng nghĩa vụ trả nợ của chính phủ. Trong đó, trả nợ gốc là khoảng 158.200 tỷ, trả lãi và phí là 67.800 tỷ đồng.
Xác định trách nhiệm để xảy ra vượt trần nợ vay ODA, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính chưa làm tròn trách nhiệm quản lý, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa báo cáo kịp thời khi vốn vay ODA bị vượt trần.
Tường Văn
Xem thêm:
Từ khóa vốn ODA chính phủ vay nợ vay nợ nước ngoài nợ nước ngoài