Categories: Kinh Tế

PMI trên 50 điểm nhưng Việt Nam vẫn đứng gần cuối trong nhóm ASEAN-6

Mặc dù ngành sản xuất của Việt Nam có sự phục hồi song còn thiếu bền vững, đứng gần cuối so với nhóm nước ASEAN-6 và Myanmar. Hiện đơn hàng đã quay trở lại nhưng còn nhiều rủi ro, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều đã có sự hồi phục song sức cầu còn yếu.

Sự hồi phục còn yếu

Theo báo cáo từ S&P Global, mặc dù giữ được chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index™ (PMI) trên 50 điểm song Việt Nam vẫn là quốc gia có điểm số PMI gần thấp nhất trong nhóm nước ASEAN-6 gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.

So với Myanmar, PMI của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều khi quốc gia này liên tục tăng trưởng rất mạnh từ cuối năm 2023 và đạt tới 52,1 điểm trong tháng 5.

Cụ thể, Việt Nam ghi nhận PMI đạt 50,3 điểm trong tháng 5, tương đương với Thái Lan (50,3 điểm) song thấp hơn Phillipines (51,9 điểm), Myanmar (52,1 điểm), Indonesia (52,1 điểm), Singapore (54,2 điểm). Quốc gia duy nhất trong ASEAN-6 có điểm số PMI thấp hơn Việt Nam là Malaysia (50,2 điểm) nhưng khoảng cách 0,1 điểm cũng không đáng kể.

PMI các nước Asean. Nguồn S&P Global.

Đánh giá về ngành sản xuất Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng tuy PMI của Việt Nam ở mức thấp hơn trung bình ASEAN song việc có 4/5 tháng PMI trên 50 điểm đã là yếu tố tích cực với Việt Nam. Bởi lẽ, năm ngoái, PMI nhiều tháng giảm sâu dưới 50 điểm cho thấy tín hiệu rất tiêu cực của ngành sản xuất.

Năm nay, PMI vươn lên trên 50 điểm ngay từ đầu năm và chỉ bị ngắt quãng ở tháng 3. Mặc dù vậy, PMI chỉ khoảng 50,3 – 50,4 điểm cho thấy sự hồi phục còn rất yếu. Đơn hàng đã quay trở lại nhưng còn nhiều rủi ro, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều đã có sự hồi phục song sức cầu còn yếu.

Các nước đều phải dựa vào thị trường nội địa để “chống đỡ” ngành sản xuất khi xuất khẩu yếu đi thì Việt Nam với một nền kinh tế rất mở sẽ dễ bị tổn thương hơn.

“Ở trong nước, tiêu dùng của chúng ta phục hồi tăng khoảng 8,7% trên danh nghĩa trong 5 tháng đầu năm nhưng so với năm 2019 thì mức độ tăng trưởng vẫn thấp hơn cho thấy sức cầu có hồi phục nhưng còn yếu khi người tiêu dùng thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn”, ông Lực nói.

Dù vậy, chuyên gia đánh giá rằng sản xuất công nghiệp sẽ sớm phục hồi do xuất khẩu đang tích cực dần lên. Cần thêm thời gian để tăng trưởng xuất khẩu bền vững hơn khi các thị trường nước ngoài hồi phục.

Chi phí tăng nhanh do yếu tố tỷ giá

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhấn mạnh, PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global có sự thiếu ổn định.

Ở khía cạnh tích cực, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khi có các dấu hiệu cho thấy nhu cầu duy trì tăng, từ đó khiến sản lượng tăng mạnh hơn trong tháng 5. Ở khía cạnh khác, có những lo ngại về số lượng việc làm và áp lực lạm phát. Việc làm tiếp tục giảm mạnh, từ đó có thể khiến năng lực sản xuất của các công ty bị hạn chế.

Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí tháng 5 cũng nhanh nhất trong thời gian gần hai năm, từ đó khiến giá cả đầu ra tăng. Điều này có thể có tác động hạn chế nhu cầu trong những tháng tới.

“Nhìn chung, các công ty lạc quan về tương lai khi thành công trong việc thu hút số lượng đơn đặt hàng mới hy vọng có thể khắc phục những tác động ngược chiều đang ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của hoạt động kinh doanh”, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói.

Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến ngành sản xuất là tỷ giá, những doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết tình trạng đồng tiền yếu đã góp phần đẩy giá nguyên vật liệu trong bối cảnh giá dầu và nhiên liệu tăng.

Khoảng một phần tư số người trả lời cho biết chi phí đầu vào tăng và chỉ có 5% cho biết chi phí giảm. Các công ty mua hàng hóa đầu vào trong tháng đã phải đối mặt với tình trạng tăng giá mạnh. Trên thực tế, tốc độ tăng giá đã nhanh hơn đáng kể và là nhanh nhất kể từ tháng 6/2022.

Chi phí đầu vào tăng mạnh đã khiến giá bán hàng tăng, và đây là lần tăng đầu tiên trong ba tháng. Tốc độ tăng giá lần này là một trong hai tốc độ nhanh nhất trong 15 tháng, ngang với mức được ghi nhận trong tháng 10/2023.

Sau khi không thay đổi trong tháng 4, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã bị kéo dài một chút trong tháng 5. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết nguyên nhân chậm giao hàng là do thiếu hụt hàng hóa và những khó khăn về những vấn đề địa chính trị.

Trong khi đó, tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều tiếp tục giảm, và các thời kỳ giảm tương ứng kéo dài thành lần lượt là 9 và 5 tháng. Các kế hoạch mở rộng nhà máy, việc đưa ra các sản phẩm mới và triển vọng tiếp tục tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã hỗ trợ cho niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới. Tâm lý kinh doanh hầu như không thay đổi so với tháng 4 khi vẫn thấp hơn mức trung bình của chỉ số, cho thấy mức độ lạc quan tương đối thấp.

Phan Vũ (Theo vietnambiz)

Phan Vũ

Published by
Phan Vũ
Tags: PMI

Recent Posts

Ăn ít carbohydrate cải thiện việc kiểm soát bệnh tiểu đường mà không cần dùng thuốc

Không có loại thuốc thông thường nào cho bệnh tiểu đường loại 2 được chứng…

28 phút ago

Vấn đề hợp pháp hóa cần sa trong bầu cử Tổng thống Mỹ 2024

Với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, cả Phó Tổng thống Harris và…

59 phút ago

Lũ lụt ở Tây Ban Nha: 205 người thiệt mạng, thành lập nhà xác tạm thời ở Valencia

Trận lũ lụt tồi tệ nhất ở châu Âu trong nửa thế kỷ mà Tây…

1 giờ ago

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị cáo buộc gây thất thoát hơn 308 tỷ đồng

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng 16 bị can bị…

1 giờ ago

Thêm 6 hiện tượng bất thường ở Thượng Hải cho thấy tình hình kinh tế khó khăn

Từ đầu năm nay, những hiện tượng bất thường khác xưa nhiều lần xuất hiện…

1 giờ ago

Sinh viên Trung Quốc đối mặt với cáo buộc hình sự vì đã bỏ phiếu ở Michigan

Một sinh viên Đại học Michigan đến từ Trung Quốc và không phải là công…

2 giờ ago