Kinh Tế

Reuters: ĐCSTQ có kế hoạch cho phép đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh

Reuters dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này hôm thứ Tư (11/12) cho biết, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang xem xét cho phép đồng nhân dân tệ mất giá vào năm 2025, nhằm đáp trả việc tăng thuế quan đáng kể sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Đồng nhân dân tệ sau đó giảm giá so với đồng đô la. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc đồng nhân dân tệ mất giá không những không giúp giải quyết các vấn đề cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc, mà còn có thể khiến các nước khác hạn chế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, và Mỹ có thể liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ.

(Ảnh minh họa: viphotos/Shutterstock)

Sau khi báo cáo của Reuters được công bố, tỷ giá đồng Nhân dân tệ (RMB) đã giảm khoảng 0,3% so với đồng đô la Mỹ, có lúc giảm xuống mức 7,2803 tệ/ 1 đô la Mỹ. Tính đến 0:30 ngày 12/12, giờ Bắc Kinh, đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài được giao dịch ở mức 7,2782 tệ đổi 1 đô la Mỹ.

Trung Quốc có kế hoạch để đồng nhân dân tệ trượt giá nhằm giảm rủi ro ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ

Reuters đã phỏng vấn 3 người quen thuộc với cuộc thảo luận về việc phá giá đồng nhân dân tệ, một người nói rằng mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc khó có thể nói rằng họ sẽ không hỗ trợ đồng nhân dân tệ nữa, nhưng họ sẽ nhấn mạnh việc trao cho thị trường nhiều quyền lực hơn trong việc xác định tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ.

Một người khác cho biết, để bù đắp tác động từ thuế quan của Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương) đã xem xét hạ tỷ giá Nhân dân tệ xuống 7,5 tệ so với đồng đô la Mỹ (7,5 RMB/1 USD), tức là giảm khoảng 3,5% so với mức hiện tại khoảng 7,25.

Hiện nay, đồng Nhân dân tệ đang được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Ngân hàng trung ương đã công bố vào năm 2014 rằng tỷ giá hối đoái của Nhân dân tệ sẽ được phép thả nổi trong phạm vi cao hơn hoặc thấp hơn 2% so với tỷ giá ngang giá trung tâm hàng ngày. Tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp hơn giúp xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế.

Ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, và đồng nhân dân tệ mất giá hơn 12% so với đồng đô la Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 3/2018 đến tháng 5/2020. Kể từ cuối tháng 9 năm nay, tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD đã giảm gần 4%.

Tại cuộc họp Bộ Chính trị tổ chức hôm thứ Hai (9/1), các nhà chức trách Trung Quốc hứa sẽ áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng ở mức độ thích hợp” vào năm tới. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nới lỏng lập trường chính sách tiền tệ sau 14 năm, nhưng không nói rằng “đồng nhân dân tệ về cơ bản là ổn định” theo thông lệ. Lần cuối cùng ĐCSTQ nói điều này là vào tháng 7 năm nay, nhưng khi đưa ra một loạt biện pháp kích thích vào tháng 9, những lời như vậy đã không còn thấy nữa.

Trong một bài viết được xuất bản vào tuần trước bởi tổ chức tư vấn “China Finance40 Forum”, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc nên tạm thời chốt tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ từ đồng đô la sang một rổ tiền tệ không phải đô la (đặc biệt là đồng euro), để đảm bảo tỷ giá hối đoái linh hoạt trong thời gian căng thẳng thương mại.

Đồng nhân dân tệ mất giá là nhận định đồng thuận của các nhà phân tích tại Nomura Securities và Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG).

Báo cáo dẫn lời ông Craig Chan, người đứng đầu toàn cầu về chiến lược ngoại hối của Nomura Securities: “Quan điểm của tôi là chiến lược ngoại hối của Trung Quốc sẽ tăng thêm sự linh hoạt.” Nomura Securities dự đoán đến cuối tháng 5 năm sau, tỷ giá hối đoái của Nhân dân tệ so với đô la Mỹ sẽ đạt 7,6 RMB/ 1 USD.

Dự báo của Tập đoàn tài chính MUFG là 7,5 RMB/ 1 USD dựa trên giả định mức thuế trung bình là 40% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ông Rong Ren Goh, nhà quản lý danh mục đầu tư trong nhóm thu nhập cố định tại Eastspring Investments, cho biết ông dự đoán Trung Quốc sẽ thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ một cách có kiểm soát và dần dần, nhưng “các đồng tiền châu Á, đặc biệt là tiền tệ ở các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, có thể điều chỉnh đồng thời với xu hướng giảm giá đồng nhân dân tệ trên cơ sở trọng số thương mại.”

Phá giá đồng nhân dân tệ là con dao hai lưỡi

Mặc dù việc đồng Nhân dân tệ mất giá có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc nhưng nó cũng sẽ khiến các nước khác hạn chế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc và Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ.

Bà Charu Chanana, người đứng đầu chiến lược tiền tệ tại Ngân hàng Saxo ở Singapore, cho biết: “Thông báo hôm thứ Hai về gói kích thích và các báo cáo về việc đồng nhân dân tệ mất giá hôm nay cho thấy, Trung Quốc dường như ngày càng lo lắng về nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump. Tuy nhiên, những biện pháp này sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản của Trung Quốc là nợ và sự thiếu niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.”

“Trên thực tế, sự mất giá của đồng nhân dân tệ đã làm trầm trọng thêm những vấn đề này, và có thể dẫn đến việc Trung Quốc bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào nước thao túng tiền tệ.”

Ông Fred Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC, cho biết việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái là một lựa chọn chính sách đã được đưa ra bàn thảo. Việc đồng nhân dân tệ mất giá mạnh sẽ gây ra sự phản ứng từ các đối tác thương mại khác, điều này sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc.

“Nếu Trung Quốc phá giá đáng kể đồng nhân dân tệ, điều đó có thể gây ra phản ứng dây chuyền về thuế quan, và các nước khác sẽ nói rằng đồng nhân dân tệ đã mất giá đáng kể, và khi đó chúng ta có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt các hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc.”

Đồng nhân dân tệ đã gặp khó khăn kể từ năm 2022 do nền kinh tế suy yếu và đầu tư nước ngoài vào thị trường Trung Quốc giảm. Lãi suất của Mỹ tăng và lãi suất của Trung Quốc giảm cũng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ.

Sự thay đổi chính sách cho thấy: Nền kinh tế Trung Quốc đang có vấn đề lớn và tình hình trở nên cấp bách

Vào ngày 9/12, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp nhằm đặt ra định hướng phát triển kinh tế vào năm 2025. Cuộc họp tập trung vào việc thực hiện các chính sách tài khóa chủ động hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức độ thích hợp, tăng cường “các điều chỉnh ngược chu kỳ bất thường” để thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở rộng nhu cầu trong nước.

Cách diễn đạt chính sách tiền tệ mới tại cuộc họp Bộ Chính trị đánh dấu lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc nới lỏng lập trường kể từ cuối năm 2010. Sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng ở mức độ thích hợp”, sau đó chuyển sang chính sách tiền tệ “ổn định” vào cuối năm 2010 và tiếp tục cho đến ngày nay.

Ông Davy Jun Huang, một nhà kinh tế sống ở Mỹ, nói với tờ Epoch Times rằng đây là sự thay đổi chính sách của những người ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ và phản ánh những thách thức phức tạp mà nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt.

Ông giải thích: “Nhu cầu trong nước thiếu trầm trọng (cung vượt cầu), tình trạng thất nghiệp cao nhất trong 20 đến 30 năm qua, áp lực tài chính địa phương cũng nghiêm trọng nhất trong 20 đến 30 năm qua, và tình thế tiến thoái lưỡng nan về bất động sản cũng vậy. Về ngoại thương, châu Âu và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc từ mọi khía cạnh, các nước Đông Nam Á hiện không chào đón vốn của Trung Quốc. Tình trạng này là lần đầu tiên trong 40 năm qua, đây là bối cảnh chính khiến ĐCSTQ đưa ra chính sách này”.

Ông Vương Hách, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với tờ Epoch Times rằng Trung Quốc hiện đang gặp phải một vấn đề lớn về kinh tế. Trước đây, ĐCSTQ đã từng nói rằng nên giữ ở mức vừa phải một chút, không “sử dụng thuốc mạnh” (sử dụng biện pháp mạnh) và duy trì trọng tâm chiến lược. Nhưng bây giờ, ĐCSTQ cảm thấy nền kinh tế đang “chảy máu” và các chính sách thông thường không thể “cầm máu” được nữa. “Vì vậy, họ áp dụng tinh thần tương tự như gói kích thích kinh tế 4000 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2008, sử dụng các chính sách phi truyền thống và thực hiện biện pháp mạnh. Đây chính là nguyên nhân chính khiến chính sách tiền tệ nới lỏng quay trở lại.”

Thời thế đã thay đổi đáng kể, mô hình kích cầu năm 2008 khó có thể phát huy hiệu quả

Ông Vương Hách cho biết, năm 2008 ĐCSTQ đưa ra chính sách tài khóa 4000 tỷ Nhân dân tệ. Khi đó, GDP của nền kinh tế Trung Quốc khoảng 30.000 tỷ, nên nền kinh tế Trung Quốc mở rộng rất mạnh và giá nhà đất vẫn ở mức cao. Điều này có tác động sâu sắc đến nền kinh tế Trung Quốc và có tác động rất tiêu cực. Cho đến khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, những tác động tiêu cực vẫn chưa được tiêu hóa hết.

Chính sách năm 2008 đôi khi được sử dụng để buộc ‘cầm máu’ trong thời kỳ khủng hoảng. “Việc này đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với chính quyền Trung Quốc, vì vậy trừ khi tình thế bắt buộc, họ sẽ không áp dụng những chính sách như vậy. Hiện nay, vấn đề là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm sút, mà nếu giảm thêm nữa thì sẽ sụp đổ. Do đó, hiện họ không màng đến bài học từ năm 2008, mà trực tiếp áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ,” ông Vương Hách nói.

Ông Davy Huang tin rằng cuộc họp này đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách nới lỏng ở mức độ thích hợp, nhưng hiệu quả rất hạn chế, về cơ bản chỉ là để ngăn không cho nước sôi. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đối mặt với những thách thức hoàn toàn khác so với năm 2008. Vào năm 2008, Trung Quốc lấy xuất khẩu làm trọng tâm, và sự suy thoái cùng khủng hoảng kinh tế ở các thị trường Âu, Mỹ đã khiến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng, tình hình hiện nay hoàn toàn khác biệt.

“Lần này, chủ yếu phải đối mặt với những thách thức mới và rất nghiêm trọng từ trong và ngoài Trung Quốc, như dân số già đi, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, rút ​​vốn đầu tư nước ngoài, xu hướng chống toàn cầu hóa, cũng như nhu cầu nội địa giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp cao của Trung Quốc. Tài chính địa phương, khủng hoảng bất động sản chưa bao giờ nghiêm trọng đến thế trong 40 năm cải cách mở cửa. Quan hệ ngoại giao cũng rất căng thẳng, gần như quay trở lại tình trạng khoảng năm 1989.”

Ông giải thích thêm rằng trong lĩnh vực thương mại quốc tế, Trung Quốc đang chịu sự tẩy chay và trừng phạt từ các nước Âu-Mỹ, đặc biệt là sau khi ông Trump lên nắm quyền. Các quốc gia Đông Nam Á lần lượt không chào đón các doanh nghiệp Trung Quốc đặt nhà máy nhằm né thuế quan. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Về nhu cầu nội địa, các doanh nghiệp nhà nước từ lâu đã không ngừng lấn át không gian thị trường của các doanh nghiệp tư nhân, khiến môi trường kinh doanh trong nước ngày càng xuống dốc, người dân cũng không được hưởng lợi. “Để mở rộng nhu cầu nội địa, nếu không giảm tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước và không cải thiện phúc lợi cho người dân, thì rất khó thực hiện. Các đòn bẩy kinh tế không mang lại nhiều ý nghĩa. Có thể dự đoán rằng lần này các chính sách chủ yếu sẽ cố gắng ổn định tăng trưởng mà không thay đổi tình trạng ‘doanh nghiệp nhà nước lấn át doanh nghiệp tư nhân’. Tuy nhiên, hiệu quả của cách làm này sẽ nhanh chóng thấy được, khả năng cao chỉ mang tính ngắn hạn, và di chứng để lại có thể khá nghiêm trọng”.

Trí Đạt (theo Epoch Times, Reuters)

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Hà Nội hỗ trợ đổi xe máy cũ, thí điểm ‘vùng phát thải thấp’ từ năm 2025

Các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel bị cấm lưu thông, xe ô…

54 phút ago

Nghiên cứu: Tìm thấy hóa chất chưa xác định trong nước uống

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một hợp chất hóa học mới trong…

1 giờ ago

Bác sĩ: ‘Giấc ngủ làm đẹp’ có thể khiến bạn rạng rỡ

Một số bác sĩ cho biết, "giấc ngủ làm đẹp" thực sự có hiệu quả,…

1 giờ ago

Serbia: Tổng thống Vucic hứa đáp ứng yêu cầu của người biểu tình sau thảm họa nhà ga xe lửa

Bị bủa vây bởi nhiều tuần biểu tình của sinh viên, Tổng thống Serbia Aleksandar…

2 giờ ago

WHO: Cập nhật thông tin về ‘Bệnh X’ bí ẩn khiến hàng chục người tử vong ở Congo

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành thông tin cập nhật về…

2 giờ ago

Romania: Các đảng thân châu Âu đồng ý nhanh chóng thành lập chính phủ liên minh rộng rãi

Các đảng thân châu Âu ở Romania đã đạt được cam kết mạnh mẽ vào…

2 giờ ago