Sân bay Long Thành là dự án đầu tư tốn nhiều giấy mực của báo giới, nhiều bình luận của chuyên gia, nhiều trong số đó là các đánh giá về tính bất cập và thiếu khả thi. Tuy nhiên, trước quyết tâm của Chính phủ, dự án này vẫn tiếp tục thực hiện. Trong bài viết này, chúng tôi trích lược lại góc nhìn của nhà phân tích đầu tư về tính bất khả thi và những rủi ro của dự án này.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP. HCM khoảng 40 km về hướng Đông. Dự án này dự kiến sẽ khánh thành năm 2025 với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn tất các giai đoạn.
Ý tưởng xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành xuất phát từ việc lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh, với mức 15-20% trung bình mỗi năm và thị trường hàng không quốc nội đầy tiềm năng. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất thì đang trở nên quá tải. Công suất tối đa của sân bay này chỉ khoảng 25 triệu lượt khách mỗi năm, mà thực tế năm 2016, lượng hành khách đến sân bay này lên đến 32 triệu lượt.
Trong bối cảnh này, dự án xây dựng sân bay Long Thành thành một cảng trung chuyển hàng không của Việt Nam và quốc tế theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4F (mức cao nhất theo tiểu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) đã được đệ trình và phê duyệt.
Theo quy hoạch tổng thể, sau khi hoàn thành, sân bay có 4 đường cất hạ cánh đạt tiêu chuẩn quốc tế mới nhất (dài 4.000m, rộng 60m), có thể phục vụ các loại máy bay 2 tầng khổng lồ như Airbus A380, Boeing 747, với 4 nhà ga rộng lớn và hiện đại có công suất tổng cộng phục vụ 100 triệu khách/năm. Nhà ga hàng hoá cũng có công suất 5 triệu tấn/năm.
Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn chính: 2019 – 2025, 2025 – 2035, 2035 – 2050 và sau 2050. Giai đoạn từ năm 2011 đến 2014 triển khai báo cáo đầu tư và thu xếp vốn cho dự án.
Nguồn vốn đầu tư này được huy động từ nhiều nguồn như Quỹ Đầu tư phát triển của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ, cổ phần và đầu tư nước ngoài với tổng kinh phí được cho là “đắt kinh ngạc”, lên đến 18 tỷ USD.
Theo lý thuyết dự đoán, khả năng đóng góp phát triển kinh tế của sân bay Long Thành là rất lớn, theo nghiên cứu của hãng tư vấn Hansen Partnership của Úc, với các thông số ước tính như trên về doanh số, sân bay Long Thành sẽ đóng góp được 3-5% GDP cả nước.
Mục tiêu mà Bộ GTVT đề ra là sẽ khởi công sân bay Long Thành vào năm 2019, hoàn thành vào năm 2022 và đầu năm 2023 đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 2016, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai – đơn vị được giao làm chủ đầu tư tiểu dự án tái định cư và giải phóng mặt bằng, cho biết sớm nhất cũng phải giữa năm 2018, công tác di dân, tái định cư mới được thực hiện và “việc này đòi hỏi ít nhất 3 năm, tức là suôn sẻ nhất thì năm 2021 tỉnh mới có thể bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công được”. Thêm nữa, đến thời điểm hiện tại, phương án thiết kế sân này này vẫn chưa được “chốt”.
Đơn vị chủ quản từng công bố Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP, Pháp), Ngân hàng Thụy Sỹ và Chính phủ Nhật sẽ rót vốn đầu tư vào dự án này, nhưng sau đó, tất cả các đối tác này đều lên tiếng bác bỏ thông tin. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không sẵn sàng với những dự án mà họ thấy không hiệu quả và còn nhiều nghi ngại. Cụ thể, hiệu quả dự án đầu tư phụ thuộc khá lớn vào khả năng tìm kiếm doanh thu sau vận hành. Dự án Long Thành xây dựng dựa trên giả định công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sân bay Long Thành kém đắc địa và Việt Nam chưa phải là một Trung tâm thương mại của khu vực và thế giới. Mặt khác, doanh số ước tính chỉ đạt được nếu kết nối thành công mới mạng lưới hàng không dày đặc của thế giới và khu vực.
Trên trường quốc tế, sân bay Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta International Airport của Mỹ cũng chỉ đón hết công suất là 101.491.106 lượt khách trong năm 2015, là sân bay đón nhiều khách nhất thế giới. Với 100 triệu lượt khách/năm, Sân bay quốc tế Long Thành sẽ xếp thứ 2 trên thế giới, vượt qua hàng loạt sân bay lớn khác trong nước và khu vực.
Để đạt được tầm cỡ này, Sân bay quốc tế Long Thành phải xây dựng mạng lưới liên kết với các hãng hàng không, các sân bay dày đặc khắp châu lục, vùng lãnh thổ của thế giới. Không chỉ vậy, dù chiến lược liên kết thành công bất chấp những rủi ro địa chính trị khác có thể xảy ra, nếu TP.HCM chưa thể là trung tâm thương mại – tài chính của khu vực thì đương nhiên công suất 100 triệu lượt khách/năm chỉ là mơ ước.
Tại Mỹ, sân bay quốc tế Los Angeles (Los Angeles International Airport) hiện đón khoảng 75 triệu lượt khách (số liệu năm 2015), xếp thứ 7 các sân bay lớn của thế giới. Trong khi đó, sân bay quốc tế Los Angeles đã phải mất đến vài chục năm để xây dựng mạng lưới khắp châu lục từ Bắc Mỹ, Mỹ Latin, châu Á và châu Đại Dương, đồng thời phải liên kết với hàng loạt hãng hàng không quốc tế như Air Berlin, Air Canada, Air China, Air France, All Nippon Airways,…
Mặt khác, vị trí địa lý được cho là kém “đắc địa” của sân bay Long Thành, cách TP.HCM tới 40km, cũng sẽ một yếu tố khiến cho nó chưa thể thay thế hoàn toàn cho sân bay Tân Sơn Nhất.
An Nhiên (T/H theo phân tích từ Facebook Phương Thơ)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…