Tại sao Khối ngoại thắng lớn trên TTCK?

Trong 6 tháng đầu năm 2016, khối ngoại thắng lớn trên thị trường chứng khoán (TTCK), tăng trưởng bình quân đạt 11,28%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ của VN-Index. Dù đâu đó còn hiện tượng đầu cơ ngắn hạn, nhưng thành công của khối ngoại đến từ việc tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư, quản trị tốt rủi ro cho danh mục, song hành cùng doanh nghiệp mà họ đầu tư vào… Những bài học này đáng để các nhà đầu tư trong nước học hỏi và suy ngẫm.

Bảy tháng đầu năm 2016, số lượng nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam tăng kỷ lục

Trong vòng 7 tháng đầu năm, số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết đã có 727 nhà đầu tư cá nhân và 205 tổ chức nước ngoài mở tài khoản giao dịch chứng khoán mới tại Việt Nam. Tích lũy đến nay, VSD đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 19.449 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 16.439 nhà đầu tư cá nhân và 3.010 nhà đầu tư tổ chức.

Đặc biệt, đầu tháng 8, TTCK Việt Nam cũng vui mừng đón nhận thông tin Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust vừa rót thêm 12 triệu USD vào Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL), nâng tỷ lệ sở hữu 11,34% chứng chỉ quỹ này (tương đương 88 triệu USD). Những năm gần đây quỹ của vợ chồng tỷ phú Bill Gate tiên tục rót vốn, tăng sở hữu tại VEIL – quỹ đầu tư thuộc quản lý của Dragon Capital. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của chứng khoán và triển vọng của doanh nghiệp Việt.

Khối ngoại thắng lớn trong nửa đầu năm 2016

Báo cáo đánh giá tình hình các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam của Học viện chứng khoán DOBF cho thấy mức tăng trưởng bình quân của các quỹ đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2016 bình quân là 11,28%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của VN-Index cùng kỳ.

Top 20 quỹ nước ngoài có mức tăng trưởng NAV tốt nhất thị trường. Nguồn DOBF

25/31 quỹ có mức tăng trưởng NAV cao hơn mức tăng của Vn-Index. Trong đó dẫn đầu toàn thị trường là quỹ VNH của Vietnam Holding với mức tăng 19,98%, tiếp theo là VOF của VinaCapital với mức tăng 17,9%, VEUF của Dragon Capital 16,74%, VSCF (Vietnam Smaller Companies Fund) của PXP Vietnam, LVF (Lumen Vietnam Fund) của CBR Investment AG đều có mức tăng trên 16% trong 6 tháng đầu năm.

Trong số các quỹ lớn có tài sản ròng trên 100 triệu USD ngoài VNH và VOF đã nói ở trên, quỹ Mutual Elite Fund của PYN quản lý 351 triệu USD cũng có mức tăng 14% từ đầu năm, VEIL của Dragon Capital quản lý 932 triệu USD tăng 13,37%, quỹ DWS Vietnam Limited có tài sản 353 triệu USD tăng 12,95%, quỹ JP Morgan Vietnam Opportunities Fund có tài sản 180 triệu USD tăng 11,8%, VEEF của PXP Vietnam có tài sản 119 triệu USD tăng 9,86%.

Tại sao khối ngoại luôn nổi trội trên thị trường chứng khoán

Lịch sử giao dịch trên TTCK Việt Nam cho thấy, khối ngoại có bản lĩnh đặc biệt và luôn giữ một tư thế độc lập và tách rời hẳn tâm lý đám đông của các nhà đầu tư Việt Nam. Có những lúc nhà đầu tư Việt Nam đổ xô ra bán thì nhà đầu tư nước ngoài lại mua vào. Đơn cử như thông tin chính trị từ biển Đông trong tháng 5 vừa qua, TTCK chịu ảnh hưởng bởi tâm lý bán tháo. Đây lại trở thành cơ hội cho khối nhà đầu tư ngoại giải ngân vào những cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt. “Thị trường càng bị đè nặng bởi tâm lý bán tháo sẽ càng thúc đẩy quá trình “mua vào” của khối nhà đầu tư ngoại. Họ có thể kết hợp khả năng “bắt đáy” cổ phiếu trong từng giai đoạn của thị trường với các phân tích cơ bản”- một nhân viên môi giới của công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét.

Thực tế, bản lĩnh đặc biệt này được xây dựng bởi sự tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư.

Sau đây là một số nguyên tắc Khối ngoại áp dụng khi tham gia TTCK:

Thứ nhất, các nhà đầu tư  ngoại tuân thủ chặt chẽ quy trình đầu tư. Quy trình đầu tư này bắt đầu từ việc:  Xây dựng bộ lọc cổ phiếu; Phân tích môi trường kinh tế, chính trị, xã hội; Lựa chọn và tiến hành định giá; Đề xuất và quyết định; Cơ cấu danh mục đầu tư; Tiến hành đánh giá và tái danh mục trong từng thời kỳ; Thoái vốn. Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc xử lý thông tin, phân tích và hành động của khối ngoại khá đồng điệu nhưng thực chất là họ đi theo đúng quy trình.

Minh họa quy trình đầu tư của Vietnam Holding Asset Management. Nguồn Stockbiz.

Thứ hai, các nhà đầu tư ngoại không chỉ là một bên mua cổ phiếu đơn thuần mà còn song hành cùng doanh nghiệp được đầu tư. Để đảm bảo lợi ích đầu tư, các nhà đầu tư ngoại luôn quan tâm, thúc đẩy từng bước đi của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư ngoại trực tiếp hay gián tiếp can thiệp, tác động đến hoạt động của doanh nghiệp. Họ làm những việc từ PR doanh nghiệp đến việc thay đổi tư duy quản trị của Ban điều hành. Họ cũng có thể cử thêm người vào Ban điều hành và hỗ trợ cho doanh nghiệp các mối làm ăn, công nghệ và kỹ thuật quản trị.

Thứ ba, các nhà đầu tư ngoại luôn coi trọng quản trị rủi ro cho danh mục đầu tư. Họ đa dạng hóa các hạng mục đầu tư. Tuy nhiên, một rủi ro thường trực mà các các nhà đầu tư ngoại không thể kiểm soát, phòng ngừa đó là rủi ro hệ thống. Do vậy, các nhà đầu tư ngoại vẫn đang dùng “chiến lược trung hòa Beta” Market-Neutral để phòng ngừa loại rủi ro này ở Việt nam. Thêm vào đó, các nhà đầu tư ngoại luôn xác định biên đối với từng hạng mục đầu tư, hay nói cách khác họ luôn tự đặt rào chắn an toàn cho các mục tiêu sinh lời và rủi ro mục tiêu cụ thể.

Thứ tư, các nhà đầu tư ngoại phải tìm khách hàng để bán các cổ phiếu của mình. Đối mặt với bài toán phải chào bán số lượng cổ phiếu lớn, khác hẳn với việc khớp lệnh vài chục hay vài trăm triệu cổ phiếu của các nhà đầu tư nội, các nhà đầu tư ngoại sẽ phải tự tìm kiếm các nhà đầu tư ở thị trường nước ngoài để thoái vốn. Tất nhiên, các nhà đầu tư ngoại cũng chào được mức giá cao hơn rất nhiều với mức giá đang giao dịch trong nước.

Có hay không tình trạng các nhà đầu tư ngoại đổ tiền vào Việt Nam để lướt sóng, thu lợi ngắn hạn?

Bên cạnh nhóm các nhà đầu tư có chiến lược trung và dài hạn, trong thời gian gần đây, cũng có xu hướng tăng nhóm đầu tư ngắn hạn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, lãi suất bằng 0 hoặc âm đối với các đồng tiền mạnh, thì đầu tư ngắn hạn tại các thị trường mới nổi là một lựa chọn không tồi. Bên cạnh việc lướt sóng thu lợi, đôi khi nhóm này cũng tham gia lũng đoạn về tin đồn và những thủ thuật làm giá. Trong vài tuần gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến các đợt sóng mua ròng và bán ròng của Khối ngoại, kéo theo sự tăng giảm của VN Index.

Giao dịch mua ròng, bán ròng của Nhà đầu tư nước ngoài từ ngày 18/7 đến 15/8/2016. Nguồn: Stockbiz.

Loại trừ các yếu tố làm giá và lũng đoạn, sự thành công của Khối ngoại trên TTCK Việt Nam trong thời gian vừa qua thực chất nhờ vào bản lĩnh, sự bền bỉ và tính kỷ luật đầu tư. Khối ngoại ngày một thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường, đặc biệt trong những thời điểm thị trường trầm lắng.

Nguyên Hương

Xem thêm

Nguyên Hương

Published by
Nguyên Hương

Recent Posts

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

16 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

54 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

1 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

1 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

2 giờ ago