Giống như một nhà hiền triết, cú ngồi bất động, quan sát thấy mọi thứ nhưng tuyệt đối yên lặng. Khi nó hành động, động tác vô cùng nhanh gọn và chuẩn xác. Những đặc điểm này của cú khiến chúng được con người vừa tôn trọng vừa nể sợ. Vẻ đẹp của loài cú cũng rất thu hút với đôi mắt to và bộ lông mềm mịn.
Cho dù bạn thấy loài cú dễ thương hay đáng sợ, khôn ngoan hay tàn bạo, thì hình ảnh của chúng đã được sử dụng rộng rãi qua nhiều thời đại và dường như ngày càng trở nên phổ biến. Hãy xem chúng ta có thể học được gì từ loài động vật khôn ngoan này.
Bộ cú được chia làm hai họ: Họ Cú lợn (Tytonidae) – có khoảng hơn 16 loài và Cú mèo (Strigidae) – với hơn 200 loài điển hình hay còn gọi là “cú thật”. Cú lợn dễ dàng được nhận dạng bởi khuôn mặt hình trái tim, đôi mắt đen và cặp chân dài. Chúng có kích cỡ trung bình và chỉ săn mồi vào ban đêm, ăn các động vật có vú nhỏ. Cú lợn sống phân bố trên khắp thế giới.
Loài cú mèo có kích thước rất khác nhau, nhưng tất cả đều có chân tương đối ngắn và cái đầu lớn, trên mặt có viền hình tròn rõ nét với đôi mắt màu cam hoặc vàng nổi bật.
Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của loài cú là khả năng xoay đầu đến những vị trí tưởng chừng như không thể. Vì đôi mắt to của chúng có hình ống chứ không phải hình cầu nên chúng chỉ có thể nhìn thẳng về phía trước. Khiếm khuyết thị giác này được bù đắp bằng một chiếc cổ có thể xoay một góc phi thường đến 270 độ trong một số trường hợp — đó chính xác là gấp 3 lần phạm vi mà cổ của con người có thể xoay!
Cú có bộ móng khỏe không cân xứng, thích hợp để tóm tất cả các loài động vật gặm nhấm – nguồn thức ăn chính của chúng. Màu sắc và sự yên lặng khi bay khiến chúng hầu như không thể bị con mồi phát hiện. Giống như loài bò sát, cú nuốt chửng cả con mồi. Sau khi quá trình tiêu hóa hoàn tất, chúng sẽ nôn ra xương hoặc lông khó tiêu hóa của con mồi dưới dạng “viên”.
Giống như hầu hết các loài chim săn mồi, cú cái lớn hơn cú đực. Chúng thường sống chung thủy với bạn đời nhưng rất ít khi tự xây tổ. Cú lợn thường làm tổ trong nhà kho hoặc các cấu trúc tương tự, trong khi cú mèo thường sử dụng tổ trống của các loài chim khác bỏ lại.
Tùy thuộc vào loài, con cái có thể đẻ tới hàng chục quả trứng. Cú đực cho bạn đời ăn trong thời gian ấp trứng – có thể kéo dài tới 32 ngày. Cú con được cho ăn những con mồi được nôn ra, con non khỏe nhất sẽ được ưu ái hơn. Khi thức ăn khan hiếm, con non nào yếu hơn thường bị chết đói.
Trí tuệ và trí thông minh
Chúng ta thường đo lường trí thông minh của động vật qua khả năng ‘học hỏi’ của chúng. Ví như, chúng ta có thể huấn luyện được chó, cá heo, nhiều loài chim và thậm chí cả bạch tuộc để phục vụ cho mục đích nào đó của con người; nhưng cú hầu như không thể huấn luyện được. Điều này không có nghĩa là chúng tối dạ, mà có lẽ chúng coi bản thân ở phía trên mà nhìn con người 1 cách lãnh đạm.
Loài cú đủ thông minh để trở thành những thợ săn xuất sắc và những nội trợ tháo vát. Thậm chí, trí thông minh của chúng có thể thuộc loại sâu sắc hơn – được gọi là trí tuệ. Quan niệm này gắn liền với biểu tượng loài cú trong hầu hết nền văn hóa.
Theo truyền thuyết của người Ai Cập cổ đại, cú gắn liền với những bí ẩn của bóng tối và cái chết, do đó họ vừa sợ hãi vừa tôn kính chúng. Cú không chỉ thường xuyên được miêu tả trong các tác phẩm nghệ thuật mà đôi khi còn được ướp xác. Hình tượng của chúng tạo thành một chữ cái chính của bảng chữ tượng hình của người Ai Cập. Họ tin rằng cú là kẻ bảo vệ Sự thật và ngăn cản những kẻ không xứng đáng đạt được trí tuệ cao hơn.
Tương tự như vậy, trong văn hóa của người Mỹ bản địa, cú có liên quan đến cái chết và thế giới tâm linh. Chúng thường đại diện cho lời tiên tri, nhưng các bộ lạc khác nhau cũng có quan niệm khác nhau về cú. Một số bộ lạc coi cú là sinh vật truyền đạt kiến thức cổ xưa và có trí tuệ siêu phàm, trong khi những bộ lạc khác – như Dakota và Lanape – coi cú là người bảo vệ linh hồn.
Cú đào hang (Burrowing Owl), làm tổ dưới đất, là thần chết của bộ tộc Hopi. Nó bảo vệ thế giới ngầm và chăm sóc những sinh vật sống trên trái đất, giống như thực vật. Nhiều bộ lạc – bao gồm cả Cherokee và Lakota – coi cú là hiện thân của những linh hồn, hay những kẻ biến hình, thường mang đến những điềm xấu.
Trong mọi trường hợp, tiếng kêu ma quái và thói quen sống về đêm của loài cú đã khiến chúng trở thành đối tượng dọa trẻ em hiệu quả, vì các bậc cha mẹ sẽ cảnh báo con cái rằng không được đi lang thang vào ban đêm kẻo bị cú vồ lấy hoặc bắt mất linh hồn.
Người Trung Quốc cũng coi cú là kẻ bắt linh hồn và họ dùng nhiều cách để đuổi chúng ra khỏi nhà như lật ngược chổi hoặc đốt chổi để tạo ra khói gây khó chịu.
Các ký tự Trung Quốc mô tả loài cú – 猫头鹰 (Māotóuyīng) – dịch theo nghĩa đen là “diều hâu đầu mèo”, một mô tả phù hợp cả về ngoại hình và phong cách của chúng.
Bất chấp chứng sợ cú và mối liên hệ chặt chẽ của chúng với cái chết, cú từ lâu đã được tôn trọng ở Trung Quốc và đôi khi được kêu gọi bảo vệ.
Cú đã hiện diện trong văn hóa Trung Quốc ít nhất là từ thời nhà Thương (1600-1046 trước Công nguyên). Nhiều hiện vật mang hình tượng cú đã được phát hiện từ thời kỳ này ở các tỉnh Sơn Tây, Hồ Bắc và Hồ Nam, cũng như ở Ân Khư, tàn tích của kinh đô nhà Thương (còn gọi là nhà Ân), nằm ở An Dương, tỉnh Hà Nam ngày nay.
Cú cũng liên quan đến Phong thủy, chúng đại diện cho năng lượng dương, và được coi là sự bảo vệ, khôn ngoan và trực giác. Năng lượng dương là năng lượng có hướng mở rộng và tích cực, được sử dụng để mang lại may mắn và sự sung túc, đồng thời cũng để đẩy lùi và cân bằng năng lượng âm tiêu cực. Biểu tượng cú đặt gần lối vào nhà có thể mang lại cảm giác an toàn, đặt trong khu vực làm việc có thể nâng cao trí tuệ và sự sáng suốt.
Có lẽ con cú nổi tiếng nhất trong văn hóa Hy Lạp là bạn đồng hành của Nữ thần trí tuệ Athena, thường được miêu tả với ngoại hình nhỏ, thường đứng trên người hoặc cây giáo của nữ thần.
Người Hy Lạp cổ đại tin rằng một con cú sở hữu “ánh sáng bên trong” hay trí tuệ cho phép nó nhìn thấy vào ban đêm. Sự khôn ngoan này là sâu sắc và gần như thiêng liêng. Tương truyền rằng chú cú, Athena noctua, đã giúp nữ thần nhìn thấu điểm mù của mình và có thể nhìn thấy toàn bộ sự thật trong mọi trường hợp.
Theo thuật ngữ Kinh thánh, con cú có thể tượng trưng cho sự hoang tàn, dằn vặt, cái chết, sự cô đơn và sự phán xét. Cú có thể được coi là điềm báo đen tối và dấu hiệu của sự đấu tranh về đạo đức – hoặc cơ hội để chứng minh niềm tin của một người. Có bí ẩn đằng sau bóng tối, và việc kiểm định nó có thể mang lại sự khôn ngoan tuyệt vời.
Ở đây, mối liên hệ với cái chết có thể không phải theo nghĩa vật lý, mà là sự kết thúc mang tính biểu tượng cho một thứ có thể mở ra những cánh cửa mới cho những thứ khác. Bằng cách này, cú có thể đại diện cho sự thay đổi, biến đổi và đổi mới. Đặc biệt, bằng cách buông bỏ cái tôi của mình, người ta có thể đạt đến những cảnh giới tâm linh cao hơn, mở mang kiến thức và trực giác sâu sắc.
Ngoài lĩnh vực tâm linh, việc cú là những thợ săn loài gặm nhấm lành nghề khiến chúng trở nên cực kỳ hữu ích cho các hoạt động nông nghiệp của con người. Chúng cung cấp biện pháp kiểm soát dịch hại tự nhiên cho nhà cửa, vườn tược, trang trại và khu nghỉ dưỡng. Đáng thương thay, việc sử dụng chất độc để ngăn chặn các loài gây hại thường giết chết những kẻ săn mồi tự nhiên — bao gồm cú, diều hâu và các loài chim ăn thịt khác — cuối cùng còn tạo ra vấn đề dịch hại tồi tệ hơn nhiều.
Thực hành nông nghiệp có trách nhiệm để cải thiện trái đất và môi trường cho các thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng ta. Những người nông dân ở Thung lũng Napa đã công nhận cú là loài bảo vệ chính của họ chống lại loài gặm nhấm. Bằng cách cung cấp các điều kiện phù hợp và với một chút may mắn, bạn cũng có thể thu hút những con cú đến bảo vệ đất đai của mình. Những con cú tốt hơn hàng ngàn lần so với thuốc trừ sâu độc hại.
Bốn yêu cầu cơ bản của cú, hay bất kỳ loài chim nào, là thức ăn, nơi trú ẩn, nơi làm tổ và nước.
Như chúng ta biết, cú là thợ săn, chúng không đi tìm những người cho chim ăn. Cách tốt nhất để cho cú ăn là cung cấp nguồn động vật gặm nhấm ổn định. Hãy để một vài diện tích đất trong khu vườn bạn được tự do sinh trưởng để thu hút các loài trong chuỗi thức ăn hoạt động. Chống lại sự khó chịu và mong muốn đánh bẫy loài gặm nhấm, cũng như sử dụng hóa chất trong khu vườn trong khi đợi cú về.
Một lùm cây rậm rạp là nơi trú ngụ ban ngày hấp dẫn của loài cú. Chúng thích một khu vực yên tĩnh, có bóng râm, nơi chúng có thể nghỉ ngơi an toàn. Hãy để lại những cành trơ trụi làm chỗ đậu, và để những cây chết mục nát trở thành những hốc tự nhiên. Hầu hết các cây phát triển nhanh hơn bạn tưởng tượng; vì vậy đừng từ bỏ ý tưởng vì thiếu cây xanh. Những con cú lợn cũng cảm thấy thoải mái trong một cấu trúc nhân tạo, chẳng hạn như chuồng trại.
Tiếp theo, bạn cần có nơi thích hợp cho cú làm tổ. Cây rỗng là điểm làm tổ tối ưu cho nhiều loại cú, nhưng chúng cũng sẽ sử dụng hộp làm tổ. Hãy giám sát hộp làm tổ của bạn để ngăn các động vật khác vào ở đó trước khi con cú của bạn đến.
Cú có thể ăn nhiều loài gặm nhấm mỗi ngày nên hãy cung cấp cho chúng nơi uống nước thuận tiện. Mặc dù cú không uống nhiều hoặc thường xuyên, nhưng chúng muốn biết rằng có sẵn nước. Một bể tắm lớn cho chim, ao nhỏ hoặc con lạch sẽ là đủ nếu nước không có thuốc diệt cỏ. Một cái ao nhân tạo nên có một máy bơm để tuần hoàn nước và một vài con cá vàng để kiểm soát muỗi.
Ngoài ra, tất cả những gì bạn cần là sự kiên nhẫn.
Dù có hay không có một con cú trong cuộc sống của chúng ta, tất cả chúng ta đều có thể lấy cảm hứng từ phẩm chất của loài cú:
“Một con cú già khôn ngoan đậu trên cây sồi. Nó càng thấy nhiều, nó càng ít nói. Nó càng nói ít, nó càng nghe được nhiều. Tại sao chúng ta không được như con chim già khôn ngoan kia?”
Edward Hersey Richards
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…