Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng với các công ty con, các công ty trong hệ sinh thái mua chéo trái phiếu lẫn nhau, sau đó bán lại cho nhà đầu tư bên ngoài dưới dạng “Hợp đồng đầu tư”, các suất đầu tư trái phiếu với lãi suất hấp dẫn lên tới 12%/năm.
Vừa qua, ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh (THM) và một số lãnh đạo khác đã bị bắt, khởi tố hình sự vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ việc liên quan đến 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 10.030 tỷ đồng.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), ông Dũng và các bị can khác đã có hành vi lừa dối nhà đầu tư, phát hành trái phiếu huy động vốn nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh như hồ sơ đăng ký.
Trong 9 đợt phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, THM sử dụng các công ty con và có mối liên hệ với THM để lưu chuyển dòng tiền, mua chéo trái phiếu của nhau và sau đó chào bán ra nhà đầu tư bên ngoài dưới dạng “Hợp đồng đầu tư” nhằm lách các quy định về phát hành trái phiếu.
Căn cứ dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 7/2021 đến tháng 11/2021, ba công ty nêu trên đã phát hành tổng cộng 8 lô trái phiếu với tổng giá trị 8.130 tỷ đồng. Vì thông tin tháng 3/2022 chưa công bố đủ, nên nhiều khả năng lô trái phiếu thứ 9 có giá trị phát hành là 1.900 tỷ đồng.
Tuy báo cáo kết quả phát hành trái phiếu gửi HNX của các công ty này không đề cập danh tính bên mua nhưng phần công bố thông tin của các bên liên quan (sau khi 9 đợt chào bán bị hủy bỏ) đã tiết lộ một số thông tin về dòng tiền của Tập đoàn THM và các công ty con.
Theo báo Vnexpress, các đợt phát hành đều được sử dụng để đầu tư chéo vào các công ty thành viên khác trong hệ sinh thái Tập đoàn THM. Thậm chí có những đợt phát hành còn dùng để mua cổ phần từ chính Chủ tịch Tập đoàn THM.
Lô trái phiếu 800 tỷ đồng do Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt) hoàn tất đầu tháng 7/2021 được dùng để mua hơn 3 triệu cổ phiếu của Công ty Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến (Công ty Việt Tiến), tương ứng mức định giá hơn 260.000 đồng mỗi cổ phần.
Mức giá trên được cho là cao hơn nhiều nếu so với một số mã bluechip hiện nay như: Tập đoàn Vingroup (mã VIC, giá đóng cửa ngày 8/4 là 81.700 đồng/cổ phiếu); Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG, giá đóng cửa ngày 8/4 là 46.400 đồng/cổ phiếu),…
Thế nhưng Công ty Việt Tiến là một mắt xích trong hệ sinh thái Tập đoàn THM. Cuối năm 2017, ông Đỗ Anh Dũng trở thành Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Việt Tiến. Ông Dũng cùng hai người con trai cùng sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, Tập đoàn THM đã dùng 3 triệu cổ phiếu của Công ty Việt Tiến đem vay thế chấp ở ngân hàng thu về 300 tỷ đồng, báo Tiền Phong đưa tin.
Hai đợt phát hành của Công ty Cung điện Mùa đông và ba đợt phát hành của Công ty Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (Công ty Soleil), 5 lô trái phiếu với tổng quy mô 2.200 tỷ đồng được dùng để hợp tác đầu tư và kinh doanh với Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc (Công ty Hoàng Hải Phú Quốc).
Tương tự như thương vụ Việt Tiến, công ty Hoàng Hải Phú Quốc cũng có liên quan đến Tập đoàn THM. Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Hoàng Hải Phú Quốc là ông Đỗ Hoàng Việt, con trai ông Dũng.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Công ty chứng khoán An Bình (ABS), bên mua hai lô trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil với quy mô 1.600 tỷ đồng là Tập đoàn THM. Nói cách khác, các công ty thành viên của Tập đoàn THM phát hành trái phiếu cho chính tập đoàn này. Dòng vốn từ các thương vụ này, nếu nhìn từ kênh sơ cấp, chỉ đi lòng vòng trong nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái của THM.
Bài viết của Vnexpress nhận định việc huy động vốn để đầu tư vào các công ty trong cùng hệ sinh thái (hay có mối quan hệ đầu tư, có quan hệ mật thiết) không phải chuyện mới, nhưng bất thường là bên mua trái phiếu lại chính là Tập đoàn THM. Trên phương diện tài chính, việc thực hiện các đợt phát hành trái phiếu với nhiều thủ tục, chịu chi phí cho các bên liên quan như tư vấn, quản lý tài sản, nhưng để điều chuyển vốn lòng vòng nội bộ là điều được cho là khó lý giải.
Kết quả thực tế của các thương vụ phát hành trái phiếu không dừng ở vòng tròn nội bộ giữa các công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn THM. Thay vào đó dưới danh nghĩa hợp tác đầu tư, số trái phiếu này được đẩy ra thị trường cho các nhà đầu tư cá nhân qua các kênh tư vấn, mạng xã hội, diễn đàn đầu tư, v.v…
Nghị định 153 quy định, trái phiếu riêng lẻ không được phát hành cho nhà đầu tư cá nhân thông thường (nhà đầu tư nghiệp dư) mà chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. “Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” được định danh là những người có giá trị thị trường các danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên.
Quy định này nhằm giới hạn việc tham gia mua các đợt chào bán riêng lẻ phải là những nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm và khả năng đánh giá về mức độ rủi ro. Việc đã có quy định giới hạn này cũng là lý do quy trình phát hành riêng lẻ đơn giản hơn so với phát hành ra công chúng (vốn yêu cầu rất nhiều tổ chức giám sát, minh bạch tài chính).
Do đó, một số doanh nghiệp như Tập đoàn THM, tìm cách tiếp cận nhiều khách hàng giống chào bán ra công chúng nhưng thực hiện với quy trình đơn giản của phát hành riêng lẻ.
Theo tìm hiểu của Trí Thức VN, lời mời chào mua trái phiếu của Tập đoàn THM xuất hiện nhiều trên các mạng xã hội với nhiều loại hình khác nhau, từ chuyên nghiệp đến “nhà đầu tư có nhu cầu”, mức giá đầu tư cũng từ 50, 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; lãi suất được chào mời lên tới 11,5-12%/năm.
Nhân viên tư vấn của THM cho biết nhà đầu tư chỉ cần 50 triệu đồng là được mua trái phiếu của Tập đoàn THM, lãi suất được bảo đảm ở mức 12%, kỳ hạn đầu tư 24 tháng. Thông tin quảng cáo còn đi kèm hình ảnh các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán đứng ra phát hành, có tài sản đảm bảo bằng bất động sản,… nhiều thông tin gây hiểu lầm cho nhà đầu tư.
Anh Minh Hùng (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã đầu tư 200 triệu đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh với lãi suất 11,2% từ ngày 1/11/2021. Theo anh Hùng, nhiều nhà đầu tư như anh hoang mang vì không biết doanh nghiệp phát hành lấy tiền đâu để trả lại khi số vốn huy động lên đến hơn 10.000 tỷ đồng đang bị cơ quan công an điều tra, báo Tiền Phong đưa tin.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa có báo cáo nhanh đánh giá tác động về việc hủy 9 lô trái phiếu trên. Theo đó, nhóm phân tích của VCBS nhận định nếu Tập đoàn THM có thể dàn xếp ổn thỏa với các bên liên quan và hoàn trả lại tiền cho trái chủ (nhà đầu tư cá nhân, tổ chức mua trái phiếu), mức độ thiệt hại được giới hạn một phần. Ngược lại nếu Tập đoàn THM phá sản hoặc đối mặt rủi ro tài chính lớn, sự tác động sẽ lan ra đến các ngân hàng cho THM và các công ty con vay vốn.
Ngoài ra, VCBS cho biết việc hủy kết quả phát hành của 9 lô trái phiếu trên có tác động tiêu cực đến thị trường trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn trong việc thu hút nhà đầu tư.
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…