Ủy ban Giám sát kiểm toán Doanh nghiệp niêm yết Mỹ (PCAOB) và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán (CSRC) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đạt được thỏa thuận về việc giám sát kiểm toán đối với chứng khoán khái niệm Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi đó là “lợi ích quan trọng”, trong khi đó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cảnh báo vẫn bỏ ngỏ vấn đề hủy niêm yết đối với chứng khoán khái niệm Trung Quốc.
Hôm 26/8, Chủ tịch SEC Gary Gensler đã có tuyên bố cho biết: “Thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên chúng tôi nhận được một cam kết chi tiết và cụ thể như vậy từ Trung Quốc, họ sẽ cho phép PCAOB tiến hành thanh tra và điều tra vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ”.
Nhưng phía nhà chức trách ĐCSTQ lại cho thấy những vấn đề khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về việc ký kết thỏa thuận: “Các giấy tờ làm việc kiểm toán và các tài liệu khác mà Mỹ phải xem xét do cơ quan quản lý Trung Quốc hỗ trợ và cung cấp”, “Thỏa thuận hợp tác về giám sát kiểm toán có thể liên quan đến xử lý và sử dụng thông tin nhạy cảm đã được thỏa thuận và các thủ tục xử lý đặc biệt cho dữ liệu cụ thể đã được thiết lập như thông tin cá nhân”…
Ông Gensler rõ ràng đã chuẩn bị cho những động thái có thể xảy ra từ ĐCSTQ. Ông cho biết: “Chúng ta sẽ không biết chiếc bánh có ngon hay không cho đến khi thưởng thức nó. Mặc dù khuôn khổ này rất quan trọng nhưng nó chỉ là một bước trong quy trình. Chỉ khi PCAOB thực sự có thể tiến hành kiểm tra toàn bộ và điều tra các công ty kiểm toán của phía Trung Quốc thì thỏa thuận này mới có ý nghĩa. Trái lại, và nếu (các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ) tiếp tục sử dụng các công ty kiểm toán [Trung Quốc] này thì khoảng 200 công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với lệnh cấm giao dịch chứng khoán ở Mỹ”.
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Mỹ là Jun Davy Huang nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ đang sử dụng chiến thuật kéo dài thời gian: “Bề ngoài họ tỏ ra đáp ứng yêu cầu của nhà chức trách Mỹ, nhưng có thể họ sẽ có những động thái để khi phía nhà chức trách Mỹ phát hiện thì mọi thứ đã theo chiều hướng khó khăn khiến tình hình lại phải kéo dài thêm vài năm. Vì sau khi thỏa thuận này đã ký mà có vấn đề phát sinh thì lại mất từ 3-5 năm nữa. (Việc ký kết thỏa thuận) nên nhìn nhận là để giảm nguy cơ hủy niêm yết của chứng khoán khái niệm Trung Quốc”.
Chuyên gia Jun Davy Huang gọi chiến lược của ĐCSTQ là “dùng thời gian đổi lấy không gian”, giống như những gì ĐCSTQ đã làm khi gia nhập WTO.
ĐCSTQ gia nhập WTO năm 2001 và thực hiện một loạt cam kết trong 6 lĩnh vực chính, bao gồm chính sách kinh tế và thương mại hàng hóa. Nhưng nhiều cam kết trong số này mâu thuẫn rõ ràng với các quy định và chính sách khác nhau của chính phủ Trung Quốc. Ví dụ phía Trung Quốc tuyên bố: “Chính phủ sẽ không gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước”, nhưng hàng loạt chính sách và quy định của ĐCSTQ quy định rằng ĐCSTQ có quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với các doanh nghiệp.
Ví dụ, Điều 19 trong “Luật Doanh nghiệp” của ĐCSTQ quy định: “Trong một công ty, theo quy định của Điều lệ Đảng, một tổ chức có cơ sở Đảng sẽ phải thực hiện hoạt động sinh hoạt Đảng”. Ví dụ khác: vào tháng 12/2009 ĐCSTQ ban hành “Biện pháp hành chính trong xây dựng điều khoản của doanh nghiệp nhà nước” nêu rõ “việc quản lý xây dựng điều khoản của các doanh nghiệp nhà nước cần tuân thủ sự lãnh đạo toàn diện của ĐCSTQ”.
Mặc dù “không giữ cam kết” nhưng ĐCSTQ đã được hưởng mọi lợi ích khi gia nhập WTO. Giám đốc Wu Yaotian của Trung tâm Nghiên cứu Thượng Hải thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thừa nhận ĐCSTQ được hưởng 10 lợi ích lớn khi gia nhập WTO như: thu hút vốn nước ngoài, mở rộng xuất khẩu, cải cách và mở cửa, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy nhu cầu trong nước, vấn đề việc làm, giải quyết vấn đề Đài Loan…
PCAOB của Mỹ cũng phải hứng chịu những cam kết giả tạo của ĐCSTQ.
Năm 2013, PCAOB và cơ quan kiểm toán Trung Quốc đã ký “Biên bản ghi nhớ”, theo đó PCAOB được ủy quyền thu thập dữ liệu kiểm toán của các doanh nghiệp có nguồn vốn Trung Quốc.
Nhưng trong một thử nghiệm năm 2016, phía ĐCSTQ đã giao các giấy tờ kiểm toán bị bôi đen rất nhiều và không cho phép PCAOB xem hồ sơ của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Các cuộc phỏng vấn do PCAOB thực hiện trong quá trình thanh tra cũng có sự tham gia của các quan chức ĐCSTQ.
Vào tháng 12/2018, Chủ tịch SEC khi đó là Jay Clayton đã đưa ra một tuyên bố cho biết: “Cả SEC và PCAOB hiện đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc xem xét báo cáo tài chính của công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ… Luật Trung Quốc (ĐCSTQ) yêu cầu hồ sơ doanh nghiệp Trung Quốc phải được lưu giữ tại Trung Quốc”.
Tháng 12/2021 PCAOB đã đưa ra tuyên bố cho biết, “Kể từ khi ký kết ‘Biên bản ghi nhớ’ vào năm 2013, sự hợp tác của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không đủ để PCAOB có được các tài liệu và lời khai liên quan một cách kịp thời, giúp chúng tôi thực hiện sứ mệnh theo các nguyên tắc cốt lõi nêu trong ghi nhớ”.
Trước những thất hứa của ĐCSTQ, vào tháng 3/2019 Quốc hội Mỹ đã ban hành “Luật về trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài” (HFCAA), tình hình đã thay đổi đáng kể từ khi luật này có hiệu lực. Theo luật này của Mỹ, nếu một công ty trong 3 năm liên tiếp nằm trong “Danh sách hủy niêm yết” thì công ty đó sẽ chính thức bị đưa vào quy trình hủy niêm yết từ sau năm thứ 3 nằm trong danh sách.
Theo luật này, tính đến ngày 27/8/2022 đã có 159 cổ phiếu khái niệm Trung Quốc được SEC đưa vào danh sách xác thực (conclusive list), bao gồm những doanh nghiệp lớn như Weibo, Baidu, JD.com, Pinduoduo, Bilibili, NetEase, Ctrip, Sinovac, Huaneng International.
Chuyên gia kinh tế Jun Davy Huang nói với Epoch Times: “Bạn huy động tiền hay làm gì ở đất nước khác cũng được, nhưng phải có trách nhiệm với các nhà đầu tư Mỹ, phải không? Đây là điều hiển nhiên. Không còn cái thời mà ai đó muốn kiếm tiền của kẻ khác nhưng lại không công khai tình hình của mình. (Nếu bạn không tuân theo luật chơi) thì đừng nói 200 (công ty), thậm chí 1000 công ty cũng có thể bị hủy niêm yết”.
Trong tuyên bố mới nhất vào ngày 26/8, Chủ tịch SEC Gensler đã tuyên bố trước công luận rằng ĐCSTQ đã đưa ra 4 cam kết để tránh việc hơn 200 cổ phiếu khái niệm Trung Quốc bị hủy niêm yết hoàn toàn tại Mỹ.
Thứ nhất, PCAOB có quyền quyết định độc lập và có thể chọn bất kỳ công ty niêm yết nào để kiểm tra hoặc điều tra;
Thứ hai, PCAOB có thể trực tiếp tiến hành phỏng vấn hoặc lấy lời khai với tất cả nhân viên của các công ty kiểm toán [Trung Quốc] kiểm tra hoạt động của các công ty đại chúng;
Thứ ba, PCAOB có thể chuyển thông tin cho SEC mà không bị hạn chế;
Thứ tư, các thanh tra viên của PCAOB có thể xem toàn bộ tài liệu kiểm toán chưa qua bất cứ sửa đổi gì.
Chủ tịch SEC Gensler thẳng thắn cho hay: “Liệu trong tương lai thị trường Mỹ có còn các công ty Trung Quốc không? Điều đó sẽ phụ thuộc vào các đối tác của chúng tôi ở Trung Quốc. Điều đó sẽ phụ thuộc vào việc họ (các công ty Trung Quốc) có tuân thủ các yêu cầu của luật pháp Mỹ được quy định chi tiết trong khuôn khổ không”.
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…
Một vụ nổ xảy ra tại khu dân cư ở Tân Châu (tỉnh Sơn Đông,…
Bà Sara Duterte, hiện là Phó Tổng thống, từng dọa giết Tổng thống đương nhiệm…
Các chuyên gia cho rằng, không gian sống xanh như công viên, rừng và đồng…
Lượng mưa tại đỉnh Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong vòng 48 giờ qua…
Phó Tổng thống Kamala Harris đã giữ thái độ kín tiếng kể từ khi thua…