Categories: Kinh Tế

Thu thêm 11.200 tỷ sau 2 lần tăng giá điện, EVN báo lỗ lớn năm 2023

Sau hai lần tăng giá liên tiếp 3% và 4,5%, với số doanh thu tăng ước tính tăng thêm 11.200 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn báo lỗ 17.000 tỷ đồng trong năm. Riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng.

Tòa nhà trụ sở EVN tại Ba Đình (Hà Nội) giữa khu dân cư, năm 2019 (Ảnh: TuananhVu/Shutterstock)

Trong báo cáo mới đây gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính.

EVN cho rằng chi phí mua điện tăng cao. Các lý do EVN đưa ra là giá các loại nhiên liệu có giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn 2020-2021; hiện tượng El Nino khiến nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài, nước về các hồ thủy điện rất thấp…; các quy định hiện hành còn thiếu đồng bộ làm cho việc đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều vướng mắc; khó khăn trong việc chuyển đổi đất rừng, giải phóng mặt bằng…

Điện sản xuất và mua của EVN trong năm 2023 ước đạt 271,04 tỷ kWh, tăng 3,43% so với năm 2022; điện thương phẩm ước đạt 252,6 tỷ kWh, tăng 4,08% so với cùng kỳ 2022.

Sau hai lần điều chỉnh tăng giá điện thêm 3% (tháng 5/2023) và 4,5% (tháng 11/2023), giá bán điện bình quân năm 2023 toàn tập đoàn ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 68,48 đồng/kWh so với năm 2022. Theo đó, doanh thu của EVN năm 2023 ước đạt 488.000 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2022.

EVN cho hay đã nỗ lực tiết giảm chi phí và giá điện bán lẻ được điều chỉnh 2 lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao. Do đó, năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh. Tập đoàn này công bố ước tính lỗ 17.000 tỷ đồng trong năm 2023, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng.

Theo EVN, mức tăng giá điện bán lẻ điện bình quân 3% vào ngày 5/4 giúp tăng doanh thu thêm 8.000 tỷ đồng, còn mức tăng giá 4,5% vào ngày 9/11 chỉ giúp EVN tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng. Các khoản tăng này được cho là chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của EVN. Các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước đây cũng không được tính toán trong giá điện.

Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 622.000 tỷ đồng (bằng 93,4% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 206.000 tỷ đồng (bằng 91,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tập đoàn này nộp ngân sách 21.000 tỷ đồng.

Giải pháp do EVN đưa ra trong năm 2024 là sẽ bám sát nhu cầu phụ tải, duy trì vận hành an toàn, ổn định hệ thống, đảm bảo cung ứng điện, đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng. Tập đoàn này kiến nghị sớm phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN, thực hiện tách A0, giải quyết vướng mắc triển khai các dự án để đẩy nhanh tiến độ công trình, các đơn vị liên quan đảm bảo cấp than cho điện…

Trước con số do EVN công bố công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng trong khi toàn tập đoàn ước tính lỗ 17.000 tỷ đồng, một tiến sĩ kinh tế nhận định là do công ty mẹ nợ các công ty con.

Năm 2022, EVN báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng (chưa kể lỗ chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán), trong khi hai công ty con là Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) và Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2) lần lượt báo lãi sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng (tăng 30%) và gần 3.700 tỷ đồng (gần gấp đôi kế hoạch).

Trước thực tế trên, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) chất vấn khi cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao. “Nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?”, bà Yên đặt câu hỏi.

Tại cuộc họp báo của Bộ Công thương chiều 26/5, Thứ trưởng Đặng Hoàng An  cho biết nguyên nhân lỗ vì EVN là đơn vị duy nhất (độc quyền) mua điện và bán điện cho người dân. Chi phí mua điện cao vẫn phải mua, không phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh. Giá bán ra do Nhà nước điều tiết nên lỗ.

Theo ông An, khi vận hành thị trường bán lẻ, nhà sản xuất sẽ bán điện trực tiếp cho người dùng

Đầu tháng 6, bên lề kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Trịnh Xuân An – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho hay cần đánh giá lại việc mua điện giá cao, bán giá thấp của EVN, kỳ vọng sắp tới thanh tra, kiểm toán EVN, “cần phải có câu trả lời rõ ràng rằng có phải đúng là lỗ thật hay không”.

Theo ông An, “đã là thị trường thì phải chấp nhận có lãi thì làm, không thì thôi. Còn nếu không làm được thì phải để cho đơn vị khác làm. Tránh tình trạng tuyệt đối lợi dụng độc quyền để làm méo mó thị trường gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp”.

Nguyễn Minh

Nguyễn Minh

Published by
Nguyễn Minh

Recent Posts

[VIDEO] Ba làn sóng t.ự t.ử là minh chứng cho sự máu lạnh của ĐCSTQ

Kể từ khi ĐCSTQ thành lập “Trung Quốc mới”, kiểu tự sát với tần suất…

26 phút ago

Cuộc phiêu lưu bằng xe Ferrari ‘xé gió’ của cụ bà 94 tuổi

Ngay từ những ngày còn trẻ, cụ bà Donna Maddox đã đam mê tốc độ.…

1 giờ ago

Chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 2024 cảnh báo thế giới về AI

AI (trí tuệ nhân tạo) là con dao hai lưỡi, tuy mang lại sự tiện…

2 giờ ago

Cựu Đại sứ Mỹ: ĐCSTQ giết người khỏe mạnh và thu hoạch nội tạng

Ông Morse Tan - cựu Đại sứ lưu động về Tư pháp hình sự toàn…

3 giờ ago

Ngôi chùa hơn 800 năm tuổi ở Phú Thọ bị cháy rụi

Khi phát hiện cháy tại chùa Phổ Quang, nhiều người đã dùng nước để dập…

3 giờ ago

Chính phủ đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia để làm đường sắt tốc độ cao

Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất để đường…

4 giờ ago