Thua lỗ hơn nghìn tỷ, thị giá cổ phiếu VNZ vẫn “vọt” lên tới gần 900.000 đồng

Cổ phiếu vừa mới niêm yết khoảng 1 tháng của Công ty VNG (trước đây là VinaGame) đạt thị giá gần 900.000 đồng/cổ phiếu vào hôm 10/2, cao nhất trong lịch sử sàn UPCoM sau 8 phiên tăng trần liên tục. Tuy vậy, vừa qua, doanh nghiệp cũng vừa công bố báo cáo tài chính lỗ quý 4/2022, lũy kế cả năm thua lỗ hơn 1.300 tỷ đồng.

Cổ phiếu VNZ tăng vọt với khối lượng giao dịch rất thấp. (Ảnh: Đồ thị kỹ thuật/CafeF.vn)

Thời gian gần đây, cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG khiến các nhà đầu tư chứng khoán bất ngờ khi liên tục tăng trần với thanh khoản giao dịch khá thấp.

Cổ phiếu VNZ chính thức niêm yết trên sàn UPCoM vào ngày 5/1/2023 và trải qua 14 phiên giao dịch liên tiếp trắng thanh khoản (không có giao dịch).

Nhưng đến phiên thứ 15 vào ngày 1/2/2023, cổ phiếu VNZ tiến vào chuỗi tăng trần “khó hiểu”, mỗi phiên chỉ giao dịch 100 cổ phiếu khớp lệnh ở mức giá trần.

Tính đến thời điểm ngày 10/2, giá cổ phiếu đã gấp 3,7 lần mức giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu trước ngày 1/2.

Như vậy, sau chuỗi tăng trần 8 phiên liên tiếp (mỗi ngày 15%), thị giá VNZ đã lên tới 893.400 đồng/cổ phiếu. Đây là mã chứng khoán có giá cao nhất trong lịch sử gần 23 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam sau khoảng 1 tháng lên UPCoM.

Trước đó, kỷ lục này thuộc về Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (HOSE: BMC) với mức giá 847.000 đồng/cổ phiếu (vào tháng 5/2007).

Ngày 10/2/2023, Công ty cổ phần VNG đã có Công văn số 36/2023/CV/VNG-CBTT về về việc Công bố thông tin cổ phiếu VNZ tăng trần 5 phiên liên tiếp. Công ty cho rằng, việc cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư.

Công ty này cho hay không có bất cứ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian vừa qua. Hiện tại, hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.

Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cổ phiếu VNZ đang lưu hành là 28,7 triệu cổ phiếu, ước tính vốn hóa khoảng 25.600 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,09 tỷ USD.

Được biết, Công ty cổ phần VNG cơ cấu cổ đông “cô đặc”. Khi thị giá cổ phiếu tăng mạnh đồng nghĩa với việc giá trị tài sản của các cổ đông lớn cũng “phình to”.

Cụ thể, giá trị tài sản của cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG Lê Hồng Minh sở hữu 12,3% số lượng cổ phiếu lưu hành (tương ứng 3,53 triệu cổ phiếu), ước đạt hơn 3.100 tỷ đồng (gấp 3,7 lần so với trước ngày 1/2).

Cổ đông ngoại duy nhất là VNG Limited (trụ sở tại Cayman Islands) đang nắm 61,12% cổ phiếu lưu hành, tương ứng 17,56 triệu cổ phiếu và tương ứng giá trị tài sản hơn 15.600 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, cổ phiếu VNZ liên tục tăng trần trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung đang ảm đạm, đi xuống và hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần VNG thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2022.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2022, VNG có doanh thu thuần đạt hơn 2.036 (tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2021), giá vốn bán hàng giảm nhẹ xuống 1.119 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt hơn 917 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ).

Doanh thu tài chính của VNZ giảm 51,7% xuống còn 27,8 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh 525%, lên hơn 50 tỷ đồng; lỗ trong công ty liên kết gần 40 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi gần 11 tỷ đồng).

Chi phí bán hàng tăng 4% lên gần 700 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 22,8% lên 448 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lỗ hơn 292 tỷ đồng. Kết quả, VNG báo lỗ sau thuế hơn 547 tỷ đồng trong quý 4/2022 (cùng kỳ lỗ hơn 267 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu VNG đạt 7.800 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế hơn 1.300 tỷ đồng (năm 2021 chỉ lỗ 71 tỷ đồng). Trong số đó, trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cuối kỳ là 2.720 tỷ đồng (tăng 1.180 tỷ đồng so với đầu năm 2022).

  • VNG được thành lập vào ngày 9/9/2004 với tên gọi ban đầu là VinaGame.

  • Tháng 7/2005, VinaGame ký hợp đồng với Kingsoft để mang game Võ Lâm Truyền Kỳ về Viêt Nam. Trong vòng 1 tháng, Võ Lâm Truyền Kỳ đã tạo nên cơn sốt tại Việt Nam với con số 300.000 người chơi truy cập tại cùng một thời điểm.

  • Năm 2006, VNG đạt mức doanh thu 17 triệu USD, gấp 6 lần doanh thu năm 2005. Công ty phát hành phần mềm quản lý phòng máy CSM và chính thức sở hữu cổng thông tin Zing. Năm 2007, VNG khánh thành trung tâm dữ liệu hiện đại nhất Việt Nam, VINADATA, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ dữ liệu cho các sản phẩm của Công Ty và cung ứng cho đối tác bên ngoài.

  • Năm 2012, VNG cho ra mắt sản phẩm Zalo – ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí hoạt động trên nền tảng di động.

  • Ngày 22/12/2022, Công ty đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán số 40/2022/GCNCP-VSD với mã chứng khoán VNZ. số lượng chứng khoán đăng ký là 35.844.262 cổ phiếu.

Đức Minh

Đức Minh

Published by
Đức Minh

Recent Posts

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

9 phút ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

1 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

2 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

3 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

3 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

3 giờ ago