Kinh Tế

Tinh hoa kinh tế bị lãng quên đằng sau chính sách thuế quan của TT Trump, Phần II

Chiến lược Thuế quan Tối ưu của ông Trump đang phát huy hiệu quả

Tổng thống Dolnald Trump. Ảnh website Whitehouse.gov.

Những cuốn sách giáo khoa từng cảnh báo chúng ta rằng nếu một quốc gia cố áp đặt thuế quan, các quốc gia khác tất sẽ trả đũa. Một cuộc chiến thương mại sẽ bùng nổ. Giá cả sẽ leo thang, thương mại sẽ sụp đổ, và mọi bên đều sẽ thiệt hại.

Thế nhưng một hiện tượng lạ lùng đã xảy ra.

Ông Donald Trump đã áp đặt thuế quan, và thế giới đã điều chỉnh để thích nghi. Không hề có sự sụp đổ nào. Sự trả đũa không bao giờ xảy ra, ngoại trừ từ Trung Quốc. Chẳng có quốc gia nào dám trả đũa. Các nước không leo thang xung đột. Họ đã chọn đàm phán. Họ đã đưa ra những nhượng bộ. Nhiều quốc gia chỉ đơn giản chấp nhận cục diện mới. Một số thậm chí còn hạ thấp thuế quan của riêng mình để đáp trả Hoa Kỳ.

Những người cổ súy toàn cầu hóa đã lầm. Các nhà kinh tế học cổ điển đã đúng. Và chính sách thuế quan của ông Trump đang chứng minh điều đó.

Để thấu triệt cục diện đang diễn ra hôm nay, chúng ta hãy trở lại lý thuyết đã đề cập đến trong Phần I — lý thuyết về thuế quan tối ưu. Đó là lập luận rất đơn giản: khi một quốc gia có sức mạnh thị trường áp đặt một mức thuế quan vừa phải, quốc gia đó có thể mua hàng nhập khẩu với giá thấp hơn trên thị trường quốc tế, đồng thời thay đổi các điều khoản thương mại theo hướng có lợi cho mình. Quốc gia ấy sẽ trở nên giàu mạnh hơn, miễn là các nước khác không trả đũa tương tự.

Lâu nay, lý thuyết này từng bị cho là “lý thuyết [thuần túy]”. Người ta giả định rằng sự trả đũa sẽ diễn ra ngay tức khắc và mang tính tàn phá, khiến mọi lợi ích nào cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Thế nhưng đời thực không chịu ràng buộc theo những giả định mực thước trong sách vở. Đời thực tuân theo theo quyền lực. Và Hoa Kỳ sở hữu quyền lực ấy.

Mức thuế quan phổ quát của ông Trump: Một phiên bản hiện đại của Lý thuyết Thuế quan Tối ưu

Đề nghị của ông Trump về việc áp dụng mức thuế quan phổ quát 10% trên mọi mặt hàng nhập khẩu chính là một ví dụ kinh điển của lý thuyết thuế quan tối ưu — nhưng lại được thực hiện chiến lược hơn. Khác với các biện pháp thuế quan mục tiêu nhắm vào một quốc gia hay một lĩnh vực cụ thể, thuế quan phổ quát này giúp giảm thiểu biến dạng thị trường thương mại, đồng thời gia tăng ngân khố quốc gia, lại còn khiến giá cả toàn cầu trên nhiều mặt hàng giảm xuống. Mục tiêu của thuế quan phổ quát không phải nhằm để trả đũa. Mục tiêu của mức thuế quan này là để tái thiết thế cân bằng trong các điều khoản thương mại, để đảm bảo rằng Hoa Kỳ không còn phải trợ cấp sản xuất toàn cầu bằng chính sự hi sinh của nền công nghiệp trong nước.

Và chính sách ấy đang phát huy hiệu quả vì Hoa Kỳ là người mua sau cùng của thế giới. Chúng ta là điểm đến cuối cùng của hàng hóa xuất khẩu toàn cầu. Mọi nhà sản xuất, mọi nhà xuất khẩu, mọi tập đoàn đa quốc gia đều cần tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao mức thuế quan 10% không chỉ gia tăng ngân sách — mà còn tái định hình các động lực kinh tế toàn cầu.

Khi chính quyền Trump loan báo mức thuế quan này, đa phần các quốc gia không hề đe dọa trả đũa. Trái lại, họ mở ra các cuộc đàm phán thương mại. Họ tìm kiếm các ân huệ miễn trừ thuế quan. Họ mong đạt được các thỏa thuận. Nói cách khác, họ đã khuất phục trước sức mạnh đòn bẩy thuế quan của Hoa Kỳ.

Ấy chính là điều mà lý thuyết thuế quan tối ưu từng dự đoán. Và nay, lý thuyết này đang hiển hiện rõ rệt trước mắt chúng ta.

Thuế quan đối ứng: Ứng dụng đòn bẩy thuế quan có mục tiêu

Song song với đó, còn có công thức thuế quan đối ứng — một sáng kiến khác của ông Trump, khiến lý thuyết thuế quan đối ứng càng thêm khả thi hơn trong thực tiễn. Nếu một quốc gia ngoại quốc áp thuế 25% lên hàng hóa Hoa Kỳ, chúng ta đáp lại ngay bằng một mức thuế 25% đối với hàng hóa của họ. Đơn giản. Công bằng. Hợp lý.

Nhưng ẩn sau sự đơn giản đó là một chiến lược khôn ngoan thâm sâu. Thuế quan đối ứng không chỉ đơn thuần là động thái ăn miếng trả miếng — mà nó là một lời cảnh cáo mang sức nặng. Nó tuyên bố với các quốc gia nước ngoài rằng: Nếu quý vị muốn tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, quý vị cũng phải cho chúng tôi quyền tiếp cận bình đẳng với thị trường của quý vị.

Đó không phải chủ nghĩa bảo hộ. Đó là công lý kinh tế, là chiến lược kinh tế. Và nó đang phát huy hiệu quả.

Những gì chúng ta đã chứng kiến suốt vài năm qua không phải là một cuộc chiến thương mại leo thang, mà là một đợt điều chỉnh dần dần các quy tắc thương mại toàn cầu, nghiêng về phía có lợi cho Hoa Kỳ. Những quốc gia từng trông cậy vào hàng rào thuế quan cao để bảo vệ thị trường của họ — từ châu Âu đến Ấn Độ đến Hàn Quốc — nay đã phải ngồi vào bàn đàm phán. Họ chấp nhận thương lượng. Tại sao vậy? Vì họ hiểu rằng họ cần người tiêu dùng Hoa Kỳ nhiều hơn là Hoa Kỳ cần sản phẩm của họ.

Giả định cho rằng trả đũa sẽ vô hiệu hóa lợi ích thuế quan đã được chứng minh là sai lầm. Và điều đó không phải là sự may rủi — mà là phản ánh kết quả tất yếu của cơ cấu thương mại toàn cầu. Hoa Kỳ ở vị thế độc nhất để thụ hưởng lợi ích từ thuế quan tối ưu, vì thế giới không đối xứng. Chúng ta mua nhiều hơn bán. Chúng ta là trung tâm, không phải một mắt xích.

Những điều các nhà kinh tế học đã bỏ sót

Các nhà kinh tế học cổ điển, tuy thấu hiểu lý thuyết thuế quan tối ưu trên lý thuyết, nhưng lại mang trong lòng nỗi lo sợ về sự vận hành thực tế. Họ e rằng dù chỉ một mức thuế khiêm tốn cũng sẽ dẫn đến động thái trả đũa dây chuyền, gây suy giảm thương mại và giảm thu nhập.

Nhưng họ đã viết ra lý thuyết này trong bối cảnh thế giới có những cường quốc tương đối ngang sức nhau — điều không còn đúng với thế giới ngày nay.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia đều không có khả năng trả đũa hữu hiệu. Nhiều nước trong số đó phụ thuộc vào duy trì thặng dư thương mại với Hoa Kỳ để nuôi sống nền kinh tế của riêng họ. Nếu dám trả đũa, họ sẽ tự hủy hoại bản thân. Quốc gia duy nhất thực sự phản công bằng các mức thuế quan đối kháng là Trung Quốc — và kết quả không phải là sự diệt vong của Hoa Kỳ, mà trái lại đó là sự tách rời của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, sự hồi hương của ngành công nghiệp, và sự phục hưng sức mạnh sản xuất của Hoa Kỳ.

Một nền kinh tế chính trị được xây dựng dựa trên sức mạnh

Thuế quan không chỉ là chuyện về giá cả. Nó còn liên quan đến sức mạnh mặc cả. Và khi sử dụng một cách khôn ngoan, thuế quan là phương tiện tái thiết lại sức mạnh quốc gia.

Một mức thuế quan không nhất thiết phải làm giá tiêu dùng tăng, nếu thế giới buộc phải hạ giá để duy trì quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Thuế quan không nhất thiết làm giảm thương mại, nếu nó dẫn đến những thỏa thuận tốt hơn. Và thuế quan không nhất thiết phải gây ra lạm phát, nếu các nhà xuất khẩu ngoại quốc phải tự cắt giảm biên lợi nhuận—như họ vẫn thường làm.

Nhưng điều mà thuế quan có thể làm — nếu được hoạch định sáng suốt — là khôi phục năng lực sản xuất công nghiệp nội địa, hỗ trợ việc làm có thu nhập cao và  xoay chuyển dòng chảy kinh tế toàn cầu nghiêng về phía người lao động Mỹ.

Đây mới chính là ý nghĩa đích thực của lý thuyết thuế quan tối ưu: không chỉ là một công thức khô khan trên giấy, mà là sự thừa nhận rằng thương mại không hề trung lập. Đó là quyền lực. Đó là chính trị. Và nếu chúng ta từ chối sử dụng thế mạnh của mình, quốc gia khác sẽ làm.

Một trật tự toàn cầu mới đang hình thành

Điều chúng ta đang chứng kiến dưới chính sách thương mại của ông Trump không phải là chủ nghĩa biệt lập. Đó là sự tái cấu trúc các quy tắc toàn cầu hóa.

Mức thuế quan 10% không chỉ là một con số — mà nó là một thông điệp. Một lời tuyên cáo gửi đến thế giới: Mỹ sẽ không còn cấp quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ vô điều kiện nữa. Thương mại từ nay phải công bằng, có đi có lại, và có lợi cho toàn thể quốc gia. Giáo điều chủ nghĩa thương mại tự do cũ — vốn được xây dựng dựa trên niềm tin hoang đường về lợi ích hỗ tương — đang dần nhường chỗ cho một nền kinh tế cứng rắn hơn, sáng suốt hơn, dựa trên đòn bẩy trong thế giới thực.

Sự trả đũa đã không xảy ra, bởi đa số quốc gia không đủ khả năng để trả đũa. Và trong sự lặng thinh ấy, chúng ta nghe thấy tiếng động âm thầm của một trật tự kinh tế toàn cầu đang được định hình lại.

Gọi đó là chủ nghĩa bảo hộ nếu quý vị muốn. Nhưng danh xưng đích thực, trang trọng hơn, từ thời các bậc tiền nhân đã truyền lại phải là: Thuế quan tối ưu. Và rốt cuộc, lý thuyết thuế quan tối ưu đã được đem ra vận dụng để phục vụ quyền lợi của nước Mỹ.

John Carney/ Breitbart News

Thiên Vân chuyển ngữ

Breitbart

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Breitbart

Recent Posts

Quý I/2025: Bắc Ninh dẫn đầu về thu hút FDI, TP.HCM, Hà Nội trong top 3

Bắc Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI…

33 phút ago

Viết tay kích hoạt não bộ như thế nào?

Trong thời đại số, viết tay tưởng chừng lỗi thời, nhưng khoa học cho thấy…

2 giờ ago

Amazon bác bỏ thông tin về việc gắn nhãn thuế quan trên sản phẩm

Amazon đã phủ nhận thông tin về việc sẽ hiển thị chi phí thuế quan…

2 giờ ago

Ông Trump dự kiến tạm giảm thuế ô tô, các hãng xe Mỹ hưởng lợi

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm nay đã ký một sắc lệnh hành pháp…

2 giờ ago

Ông Trump thu hồi 4.000 thị thực du học trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ hai

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thu hồi thị thực của 4.000 sinh viên nước ngoài,…

2 giờ ago

Somalia “cấm nhập cảnh bằng hộ chiếu Đài Loan” do “ĐCSTQ xúi giục”

Hộ chiếu và giấy tờ đi lại do Đài Loan cấp sẽ không được phép…

2 giờ ago