Thuế quan Tối ưu: Ý tưởng đứng sau chiến lược thương mại của ông Trump

Screen Shot 2025 04 10 at 2.55.13 AM
Tổng thống Dolnald Trump. Ảnh website Whitehouse.gov.

Suốt nhiều thập niên, giới tinh hoa Hoa Kỳ vẫn thường nói về tự do mậu dịch như thể đó là một điều răn thiêng liêng được khắc lên bia đá —không thể bàn cãi, thiêng liêng và vĩnh cửu. Thuế quan, theo họ, chỉ là: Di tích của quá khứ; một dị giáo về kinh tế; một con đường tất yếu dẫn tới giá cả gia tăng, sản lượng sụt giảm, và sự trả đũa lan rộng trên toàn thế giới.

Nhưng điều mà họ không nói với bạn— hay đúng hơn, điều mà hầu hết họ không hay biết— chính là một số kinh tế gia lỗi lạc nhất trong lịch sử đã từng phát triển một lý thuyết chứng minh điều ngược lại: trong những điều kiện thích hợp, thuế quan có thể khiến quốc gia trở nên giàu mạnh hơn.

Ý tưởng ấy mang tên lý thuyết thuế quan tối ưu (optimum tariff theory), và nó đã tồn tại từ rất lâu trước khi các nhà kinh tế học hiện đại bắt đầu giả vờ xem tự do mậu dịch là một chân lý không thể bàn cãi. Rất lâu trước khi ông Donald Trump thốt ra từ “thuế quan”, các kinh tế gia cổ điển người Anh đã tìm ra chính xác cách thức, thời điểm và lý do tại sao một quốc gia hùng mạnh có thể tác động đến thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho mình.

  • Lý thuyết thuế quan tối ưu (optimum tariff theory) là học thuyết kinh tế khẳng định rằng: (1) Nếu một quốc gia đủ mạnh (có quyền lực thị trường) (2) Quốc gia biết áp thuế quan đúng mức (không quá cao, không quá thấp) (3) Thì quốc gia đó sẽ ép được đối tác thương mại giảm giá hàng hoá xuất khẩu, mang lại lợi cho chính mình cũng như tăng thu nhập quốc dân.

Và nếu điều đó nghe có vẻ quen thuộc, thì đúng là như vậy. Bởi lẽ, chính sách thương mại của ông Trump — đặc biệt là mức thuế quan cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu — là một ứng dụng hoàn hảo trong thực tế của lý thuyết thuế quan tối ưu này.

Nhưng trước khi đi sâu hơn vào vấn đề, chúng ta cần dừng lại đôi chút để hiểu lý thuyết ấy thật sự nói gì.

Điểm cốt lõi của lý thuyết là thế này: khi một quốc gia đủ lớn, quốc gia ấy có thể tác động tới giá cả toàn cầu. Hoa Kỳ không phải là một nền kinh tế nhỏ và hoàn toàn mở cửa. Trái lại, Hoa Kỳ là bên mua lớn nhất thế giới. Khi Hoa Kỳ mua ít đi một món hàng nào đó, thế giới sẽ phải chú ý. Giá cả sẽ dao động.

Bây giờ hãy thử tưởng tượng Hoa Kỳ áp thuế quan lên hàng nhập khẩu. Về bản chất, đó chỉ là một loại thuế thu tại biên giới. Nó khiến giá trong nước của hàng ngoại tăng lên. Kết quả là người dân mua ít đi. Nhưng nếu Hoa Kỳ chiếm tỉ trọng lớn nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm đó — như thép, chất bán dẫn, ô tô, tấm pin mặt trời, hay bất cứ thứ gì — thì giá cả toàn cầu sẽ bắt đầu sụt giảm. Quốc gia bán hàng không dễ gì tìm được người mua khác. Cung vượt cầu. Và thế là, giá cả sẽ giảm.

Trong trường hợp này, thuế quan không làm cho sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn trong nước. Thuế quan còn đẩy giá của sản phẩm trên thế giới xuống, vì vậy Hoa Kỳ sẽ phải trả ít hơn cho mặt hàng đó so với khi không có thuế quan. Đúng là Hoa Kỳ hy sinh một phần khối lượng giao thương—nhưng những gì Hoa Kỳ giao dịch, đất nước này giao dịch theo các điều khoản tốt hơn. Đây là những gì các nhà kinh tế gọi là lợi ích từ tỷ giá thương mại (terms-of-trade gain).

  • “terms-of-trade gain” (lợi ích từ tỷ giá thương mại) đề cập đến lợi ích kinh tế mà một quốc gia thu được khi tỷ giá thương mại (terms of trade – TOT) cải thiện. Tỷ giá thương mại là tỷ lệ giữa giá xuất khẩu và giá nhập khẩu của một quốc gia.

Và đó chính là lý do lý thuyết có tên gọi thuế quan tối ưu. Nếu quý vị nâng thuế quan lên quá cao, chúng ta mất quá nhiều khối lượng giao thương và lợi nhuận sẽ tiêu tan. Nếu không nâng thuế chút nào, quý vị sẽ lại bỏ phí quyền lực thương lượng của mình trên bàn đàm phán. Nhưng khi có một mức thuế “vừa đủ” — ở một mức mà việc cải thiện tỷ lệ thương mại lớn hơn khối lượng thương mại bị mất. Đó là thuế quan tối ưu.

Hãy hình dung thế này: nếu siêu thị duy nhất trong thị trấn của quý vị tăng giá gấp đôi vào ngày mai, có lẽ quý vị sẽ phải đi mua ở nơi khác. Nhưng nếu chỉ có một cửa hàng duy nhất trong thị trấn, và nó chỉ tăng giá một chút thôi, phần lớn người mua vẫn sẽ ở lại và đành phải trả tiền. Cửa tiệm đó có quyền lực thị trường. Và Hoa Kỳ cũng vậy.

Dĩ nhiên, lý thuyết này có một mặt trái. Nếu mọi quốc gia đều làm như vậy — ai nấy cũng cố gắng tăng thuế để có được những thỏa thuận tốt hơn— thì thương mại toàn cầu có thể sẽ thu hẹp lại. Tệ hơn nữa, các quốc gia khác có thể trả đũa bằng thuế quan của riêng họ. Đó là điều mà nhiều kinh tế gia cổ điển phát triển lý thuyết này cảm thấy lo ngại. Và suốt nhiều thập niên, nỗi lo này đã trở thành lý do để người ta phớt lờ lý thuyết này. Tự do mậu dịch chẳng còn là một chính sách kinh tế thuần túy nữa, mà đã được tôn vinh như một phẩm hạnh đạo đức, một chuẩn mực mà các nước phải tuân thủ. 

Nhưng lý thuyết ấy chưa từng biến mất.

Lịch sử bị lãng quên của các biện pháp thuế quan chiến lược

Vào giữa thế kỷ 19, một kinh tế gia người Anh tên là Robert Torrens đã chỉ ra rằng thuế quan có thể cải thiện vị thế thương mại của một quốc gia bằng cách làm thay đổi cán cân nhu cầu giữa các nước. Ông John Stuart Mill tiếp bước bằng cách phát triển học thuyết này với cách tiếp cận sâu sắc hơn, đưa ra luận điểm rằng lợi ích mà một quốc gia thu được từ thuế quan sẽ tùy thuộc vào mức độ co giãn của nguồn cung từ đối tác thương mại của họ (elasticity of its trading partner’s supply) —tức là nếu nước Mỹ giảm mua hàng, thì đối tác có dễ dàng tìm khách hàng mới để bán hay không.

Về sau, vào cuối thế kỷ 19, các kinh tế gia như Alfred Marshall và Henry Sidgwick đã xây dựng nên những mô hình biểu đồ cho thấy cách các quốc gia có thể điều chỉnh khối lượng giao thương để thu lợi nhiều hơn ra sao. Ông Francis Edgeworth còn khai triển ý tưởng về đường cong bàng quan trong thương mại (trade indifference curves) — những bản đồ kinh tế mô tả mức độ lợi ích kinh tế quốc gia — và chứng minh chính xác đâu là điểm mà một quốc gia có thể đạt được lợi ích tối đa từ thuế quan. Lý thuyết ấy càng về sau càng trở nên tinh tế, chuẩn xác, và khó lòng bị bỏ qua hơn.

  • Đường bàng quan trong thương mại (Trade Indifference Curves): là đường thể hiện các mức kết hợp giữa hàng nhập khẩu & hàng xuất khẩu, mà quốc gia đó cảm thấy hài lòng như nhau trong mua bán — tức là đổi hàng kiểu nào cũng được miễn sao ở trên đường đó thì quốc gia không lời cũng không lỗ thêm.

Rồi đến năm 1906, nhà kinh tế học C.F. Bickerdike đã tung ra cú đấm đo ván trên vũ đài toán học. Ông Bickerdike đã chứng minh — bằng các phương trình rõ ràng — rằng: một mức thuế quan khiêm tốn, do một quốc gia có sức mạnh thị trường áp đặt— tức là quốc gia đó nhập khẩu những mặt hàng mà nguồn cung trên thế giới không co giãn hoàn hảo (perfectly elastic) [nếu Mỹ giảm mua, thế giới không dễ bán chỗ khác]— có thể làm tăng thu nhập quốc dân. Thậm chí, ông Bickerdike còn đưa ra một công thức toán học, cho đến nay vẫn còn được các nhà kinh tế học trích dẫn — dù họ chỉ dám thừa nhận trong những chú thích nhỏ dưới chân trang rằng: vâng, thuế quan thật sự có thể phát huy hiệu quả.

  • Không co giãn hoàn hảo (perfectly elastic): Là trạng thái mà bất kể thế giới mua nhiều hay ít, giá bán không đổi. 

Vào thời điểm ông Nicholas Kaldor xuất bản bài luận nổi tiếng của mình vào năm 1940, “Ghi chú về Thuế quan và Điều khoản Thương mại”, thì những phần khó nhọc nhất của học thuyết này đã được những bậc tiền bối hoàn tất. Nhưng ông Kaldor đã làm một việc thiết yếu: ông đã hệ thống hoá và chắt lọc học thuyết ấy thành một khuôn mẫu rõ ràng, dễ giảng dạy, dễ minh họa, và dễ dàng áp dụng lại. Ông Kaldor đã lấy những yếu tố cực kỳ phức tạp của lý thuyết: cung cầu đối ứng và đường bàng quan kinh tế, rồi trình bày nó trong một mô hình đơn giản hóa: hai quốc gia — hai mặt hàng. Trong phiên bản của Kaldor, thuế quan đẩy đường cung thương lượng của quốc gia dịch ra xa—có nghĩa là mua bán với cùng số lượng cũ nhưng đòi hỏi điều kiện tốt hơn. Khi đó, điểm tiếp xúc giữa đường cung của quốc gia ấy với đường cung của đối tác thương mại sẽ di chuyển lên một đường bàng quan cao hơn — biểu thị cho mức lợi ích kinh tế tăng trưởng.

Ông Kaldor đã dẫn dắt người đọc qua từng bước lập luận: nếu một quốc gia đủ lớn để gây ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu, thì thuế quan sẽ làm giảm lượng hàng nhập khẩu, giảm giá toàn cầu của hàng hóa đó, và rồi quốc gia đó có thể nhập khẩu trở lại với giá rẻ hơn. Kết quả là gì? Quốc gia ấy vẫn giữ lại được nhiều giá trị hơn trên mỗi giao dịch — tức là mức phúc lợi quốc gia gia tăng thực sự.

Dĩ nhiên, ông Kaldor đã hết sức thận trọng. Ông cảnh báo không nên áp dụng thuế quan quá cao. Ông giả định rằng sẽ không có trả đũa. Ông thậm chí còn mở đầu luận văn của mình bằng việc tái khẳng định bản thân vẫn ủng hộ nguyên tắc tự do mậu dịch nói chung. Nhưng tác động của bài viết thì không thể chối cãi: ngay cả trong giới ủng hộ tự do mậu dịch, lập luận về thuế quan tối ưu giờ đây đã trở thành điều không thể phủ nhận.

Sau này, các nhà kinh tế học đã đưa sơ đồ của Kaldor vào sách giáo khoa — nhưng thường là tách rời nó ra khỏi bối cảnh thực tế. Họ trình bày nó như một sự hiếu kỳ của các nhà kinh tế, một lý thuyết phụ, thay vì nhìn nhận bản chất thực sự của nó: một lời bác bỏ sắc bén đối với ý tưởng cho rằng tự do mậu dịch luôn luôn là chính sách tốt nhất.

Vậy vì sao học thuyết ấy lại bị vùi lấp? Bởi vì nó làm sụp đổ những lời hứa ngọt ngào về đôi bên cùng có lợi. Bởi vì nó chỉ ra một sự thật: thương mại không phải là đôi bên cùng có lợi, mà thường là có kẻ thắng, người thua. Bởi vì nó chứng minh rằng: các cường quốc có thể trở nên giàu có hơn bằng cách chuyển gánh nặng sang các quốc gia yếu thế hơn.

Ông Trump không hề trích dẫn những nhà kinh tế gia ấy. Ông cũng chẳng cần phải làm vậy. Bản năng mách bảo ông điều mà họ đã chứng minh về mặt lý thuyết: Nước Mỹ có đòn bẩy. Nước Mỹ là khách hàng mà cả thế giới đều khao khát tiếp cận. Và khi nước Mỹ đặt ra một mức giá — dù rất khiêm tốn — để có quyền tiếp cận thị trường của mình, thì đất nước này sẽ có được những thỏa thuận tốt đẹp hơn. Đó chính là lập luận đằng sau mức thuế quan cơ sở 10%. Đó cũng chính là lập luận đằng sau chính sách thuế quan đối ứng. 

Sách giáo khoa đã quên. Nhưng ông Trump vẫn nhớ.

John Carney, Breitbart News

Thiên Vân chuyển ngữ