Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phúc tra toàn bộ hoá đơn có lượng điện tiêu thụ tăng 30% so với tháng 5, truyền thông trong nước đưa tin ngày 27/6.
Theo Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết đã yêu cầu EVN kiểm tra, phúc tra toàn bộ hoá đơn điện tháng 6 (tính cho kỳ dùng tháng 5) có lượng điện tiêu thụ vượt 130% so với tháng trước. Sau khi kiểm tra, nếu có sai sót, EVN phải thoái hoàn hoặc truy thu tiền điện trả cho khách hàng.
Cục Điều tiết Điện lực cũng cho biết đang yêu cầu EVN chỉ đạo các tổng công ty thành viên giải quyết tình trạng thắc mắc về hóa đơn điện do nhiều khách hàng nêu trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin cá nhân. Theo yêu cầu, EVN phải cung cấp đầy đủ thông tin xử lý, phản hồi cho các cơ quan truyền thông và khách hàng.
Theo thông cáo báo chí của EVN về tình hình sử dụng điện tháng 5 và đầu tháng 6/2020, tập đoàn này cho biết có hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt (trong tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước, chiếm khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020.
Trong đó, có gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%; hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4.
EVN lý giải tiêu thụ điện tăng cao do thời tiết nắng nóng kéo dài, trong đó sử dụng điều hòa là nguyên nhân chính làm cho lượng điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao. EVN dẫn thông tin cho hay nhiệt độ ngoài trời càng cao, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà càng lớn thì càng tốn điện năng.
Cụ thể, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2-3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 50C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Theo đó, dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.
Dẫn báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), EVN cho biết ngày 24/6, công suất cực đại của hệ thống điện quốc gia đã đạt con số kỷ lục đạt 38.599MW, tăng 1% so với năm 2019. Sản lượng ngày cực đại đạt 792,9 triệu kWh (ngày 9/6), cao hơn cùng kỳ năm 2019 (784 triệu kWh).
Mặc dù EVN dẫn nhiều thông tin để lý giải lượng tiêu thụ điện tăng cao, thực tế có việc hoá đơn tiền điện tháng 6/2020 (tính cho kỳ dùng điện tháng 5) tại nhiều nơi tăng cao bất thường, dẫn đến nghi vấn công tơ điện và cách ghi chỉ số của ngành điện đang sai phổ biến.
Ngày 21/6, khách hàng tên Đào Thị Gái (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) nhận thông báo hóa đơn tiền điện tháng 6 gần 90 triệu đồng. Số tiền này tương đương hơn 27.000 kWh, trong khi thông thường, bình quân mỗi tháng hộ gia đình này chỉ sử dụng khoảng 200kWh (khoảng 368.335 đồng), gấp 135 lần.
Sau khi kiểm tra, số điện sử dụng thực tế của khách hàng này trong tháng 5 là 200 kWh. Điện lực Vân Đồn cho biết do thời điểm ghi số thì trời mưa, mắt đọc của của công tơ điện tử bị ướt nên đo số sai. Ông Lưu Sơn Tùng, Trưởng phòng Kinh doanh, Điện lực Vân Đồn bị đình chỉ chức vụ.
Tại Quảng Bình, khách hàng tên Trần Việt Dũng nhận hóa đơn tiền điện tháng 6 là 58,5 triệu đồng cho 18.274 kWh.
Khi kiểm tra, trong 12 tháng gần nhất, khách hàng này thường tiêu thụ ở mức 210-300 kWh/tháng, hóa đơn dao động khoảng 460.000-700.000 đồng/tháng. Số tiền điện thực tế cho hóa đơn tháng 6 của anh Dũng chỉ 554.090 đồng.
Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình thừa nhận có “sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ tháng”. Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh công ty Điện lực Quảng Bình và Giám đốc Điện lực Đồng Hới bị đình chỉ công tác, các tập thể, cá nhân liên quan bị xem xét xử lý kỷ luật.
Theo quy định hiện hành, khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, khách hàng có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của khách hàng, bên bán điện phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, khách hàng có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định. |
Nguyễn Quân
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…