Trong 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được yêu cầu đạt tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất -866,6 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2022 là -1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 322,8 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 525/QĐ – UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo kế hoạch, tới năm 2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu lại đi vào hoạt động ổn định.
Về các chỉ tiêu kinh doanh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt tổng doanh thu hợp nhất 39.544 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất -866,6 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2022 là -1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 322,8 tỷ đồng.
Công ty mẹ – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao đạt tổng doanh thu 26,190 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế -1.237 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2022 là -1.250 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 là 13 tỷ đồng.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 cho dự án nhóm A, B toàn Tổng công ty là 2.590,6 tỷ đồng; dự án nhóm C của Công ty mẹ đạt bình quân 70 tỷ đồng/năm từ năm 2024-2025.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao khai thác tối đa năng lực vận tải hiện có, nghiên cứu, phân tích và đổi mới phương pháp tổ chức vận tải, giảm chi phí, tăng hệ số sử dụng, quay vòng đầu máy hợp lý để khai thác đầu máy hiệu quả.
Về vận tải hành khách, tổng công ty này phải tập trung khai thác tàu khách trên những đoạn tuyến cự ly vận chuyển trung bình, có hiệu quả kinh tế cao; theo dõi luồng khách để điều chỉnh thành phần đoàn tàu; phát triển hệ thống bán hàng, chú trọng vào vùng thị xã, thị trấn; thu hút luồng khách người nước ngoài; nghiên cứu chính sách giá cước linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cả vào thời gian cao hay thấp điểm vận tải.
Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần tiếp tục tạo thuận lợi cho chủ hàng, chỉ một đầu mối tiếp nhận, niêm yết công khai giá, trách nhiệm người vận chuyển, chất lượng dịch vụ, bô sung các dịch vụ như đóng gói, kiểm đếm, bảo quản, giao nhận hàng, vận tải đa phương thức, thuê toa, chuyến, tuyến…
Khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics.
Ngoài các hoạt động kinh doanh, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai các nội dung liên quan đến Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia để phấn đấu được phê duyệt trong giai đoạn 2024-2025.
Năm 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đạt lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng, theo báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023. Đây là số lãi sau 3 năm liên tiếp giảm doanh thu và lợi nhuận âm của VNR. Năm 2020, tổng công ty này lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 654 tỷ đồng và 111 tỷ đồng trong năm 2022. Công ty mẹ – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong năm 2023 đạt doanh thu 6.247 tỷ đồng, bằng 113% cùng kỳ và đạt 96 % kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng). Năm 2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11 % so với cùng kỳ, do xác định hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong vận tải hành khách từ tuyến hàng không và đường bộ, giảm giá cước vận tải hàng hóa. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có 25 công ty con trong đó Công ty mẹ giữ cổ phần chi phối, 17 công ty liên doanh, liên kết; tổng số lao động là 22.041 người. Tổng công ty này hiện được Nhà nước giao quản lý hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có tổng chiều dài 3.143 km, 297 khu ga và tiếp nhận mới 6 khu ga (gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam), có 5 tuyến chính, trong đó có 2 tuyến liên vận quốc tế kết nối với đường sắt Trung Quốc và hệ thống cầu, hầm, thông tin tín hiệu đường sắt. |
Nguyễn Minh
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…