Tổng thống Sri Lanka vừa bổ nhiệm 17 Bộ trưởng Nội các mới vào thứ Hai (18/4) khi ông và gia đình quyền lực của mình tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong bối cảnh nền kinh tế có nguy cơ vỡ nợ, theo Hãng tin AP.
Trước nguy cơ nền kinh tế vỡ nợ và các cuộc biểu tình phản đối chính phủ trong nước liên tục diễn ra, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vừa bổ nhiệm 17 Bộ trưởng Nội các mới hôm 18/4 trong nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình khủng hoảng kinh tế-chính trị đang diễn ra trầm trọng ở đảo quốc này, AP đưa tin.
Anh trai của tổng thống, Mahinda Rajapaksa, vẫn giữ cương vị Thủ tướng nhưng một số người thân khác trong chính quyền đã bị loại bỏ trong những gì được coi là nỗ lực để trấn an người biểu tình, đồng thời không từ bỏ quyền lực của gia đình ông Gotabaya.
Nhiều quan chức cấp cao và những người phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng đã bị loại khỏi Nội các, dù cho các bộ trưởng tài chính và nhà ngoại giao này đang nắm giữ vị trí để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Phát biểu trước các Bộ trưởng mới, Tổng thống Gotabaya yêu cầu sự ủng hộ của họ đối với một chính phủ “hiệu quả, trong sạch”. Ông Gotabaya gọi cuộc khủng hoảng là “một cơ hội để mang lại sự thay đổi hệ thống mà người dân mong đợi”, Hãng tin AP dẫn lời.
“Ngày nay, hầu hết các tổ chức chính phủ đang gặp khó khăn kinh tế nghiêm trọng và hoàn toàn cần thiết là phải khắc phục nó”, Ông Gotabaya nói.
Hàng ngàn người dân biểu tình đã chiếm lối vào văn phòng tổng thống trong ngày thứ 10 (thứ Hai, ngày 18/4). Sự giận dữ của công chúng đã nhắm vào Tổng thống Gotabaya và anh trai của ông là Thủ tướng Mahinda. Họ đứng đầu một gia tộc có ảnh hưởng đã nắm giữ quyền lực trong gần như hai thập kỷ qua ở Sri Lanka.
Các đảng đối lập đã từ chối lời mời của ông Gotabaya để thành lập một chính phủ đoàn kết liên minh trong khi ông và anh trai sẽ vẫn nắm quyền điều hành đất nước.
Theo bản tin của AP, Sri Lanka đang trên bờ vực phá sản với gần 7 tỷ USD trong tổng số 25 tỷ USD nợ nước ngoài đến hạn trả nợ trong năm nay. Sự thiếu hụt nghiêm trọng ngoại hối khiến đảo quốc này thiếu tiền để mua hàng hóa, thực phẩm nhập khẩu.
Người dân đã phải chịu đựng nhiều tháng thiếu hụt các nhu yếu phẩm như thực phẩm, khí đốt, nhiên liệu và thuốc men. Họ phải xếp hàng hàng giờ để mua hàng hóa rất hạn chế có sẵn.
Tuần trước, Chính phủ Sri Lanka cho biết họ đã đình chỉ việc trả nợ các khoản vay nước ngoài trong khi chờ các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry và các quan chức đã lên đường đàm phán với IMF vào Chủ nhật. Giới chức Sri Lanka dự định tìm kiếm một khoản vay bảo đảm trị giá 4 tỷ USD từ IMF và các tổ chức tín dụng khác ở Mỹ để trả tiền cho việc nhập khẩu xăng dầu và thực phẩm, theo Bloomberg.
“Tôi tin rằng chúng ta nên tham gia một chương trình với IMF sớm hơn,” ông Gotabaya nói trong một tuyên bố do Văn phòng Chính phủ đưa ra, theo Reuters.
“Giờ đây, người dân đang phải chịu một áp lực to lớn do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra. Tôi vô cùng lấy làm tiếc về trình trạng này”.
Bên cạnh việc tìm kiếm khoản vay từ các tổ chức trên, Sri Lanka hiện cũng muốn vay khẩn cấp của Trung Quốc và Ấn Độ để mua thực phẩm và nhiên liệu.
Được biết, đảo quốc Sri Lanka đã tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và vay nợ của Trung Quốc (đối tác song phương) nhiều nhất trong số các khoản nợ của Chính phủ Sri Lanka. Tờ Liberty Time (Đài Loan) dẫn nguồn dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết việc phát hành trái phiếu dài hạn của Sri Lanka lũy kế đã lên tới 45 tỷ USD, trong đó 35 tỷ USD là nợ nước ngoài.
Tình hình tài chính của Sri Lanka đã bắt đầu có dấu hiệu sa sút kể từ khi tham gia vào các dự án kinh tế cùng với ĐCSTQ. Vào tháng 12/2017, Sri Lanka đã không có khả năng chi trả các khoản nợ tích tụ mà họ đã vay từ Trung Quốc. Theo đó, Cảng quốc tế Hambantota đã được bàn giao cho Công ty China Merchants Port Holdings (CMPort) theo hợp đồng thuê 99 năm của Chính phủ Sri Lanka với khoản thanh toán 1,12 tỷ USD vì quốc đảo này không thể trả nợ vốn tài trợ cho Trung Quốc.
Cảng Hambantota chiến lược của Sri Lanka nằm giữa các tuyến thương mại liên kết Ấn Độ Dương với Châu Âu, Châu Phi, và kết nối Trung Đông đến châu Á. Để đổi lấy tài chính và cơ sở hạ tầng mà các quốc gia nghèo hơn cần, Trung Quốc đòi hỏi sự tiếp cận thuận lợi tới tài nguyên thiên nhiên của những nước này, từ tài nguyên khoáng sản cho đến các cảng biển chiến lược.
Đây là bằng chứng về chiến lược ngoại giao bằng “bẫy nợ” cực kỳ lợi hại của Trung Quốc – một nước cờ quan trọng của sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, mà ông Tập Cận Bình gọi đó là “dự án của thế kỷ”.
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…