“Nhà khoa học” là một danh từ mỹ miều, nhưng trong vòng quay gấp gáp ngày nay, những người trẻ giỏi giang trong giới khoa học quốc tế đang phải xoay xở như thế nào?
Các nhà khoa học trẻ hiện nay đang gặp rất nhiều áp lực và khó khăn trong việc công bố báo cáo khoa học, tìm kinh phí nghiên cứu và có được một công việc lâu dài. Thậm trí không ít người đang phải vật lộn và không có đủ thời gian để đảm bảo chất lượng nghiên cứu.
Các nhà khoa học trẻ tuổi lẫn lâu năm đều đang chịu nhiều áp lực để cho ra các báo cáo trên tạp chí khoa học. Họ là nạn nhân của sự quan liêu và có rất ít hỗ trợ về mặt quản trị, giấy tờ. Các nhà khoa học chủ yếu được đánh giá dựa trên số lượng các báo cáo đã công bố trên tạp chí và những lần gọi tài trợ nghiên cứu thành công. Họ không có mục tiêu khoa học rõ ràng, và chỉ đơn giản thấy mình phải không ngừng tung ra các bài báo.
Theo Bruce Alberts, cựu chủ tịch của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, bầu không khí siêu cạnh tranh hiện nay đang bóp nghẹt sự sáng tạo và khiến cho các nhà khoa học “biến khoa học trở nên tầm thường” – một công việc an toàn và vô vị. “Chúng ta cần tuyên dương những người việc một cách khác biệt.”
Tháng 9 vừa qua, Nature – tạp chí khoa học hàng đầu thế giới đã kêu gọi các nhà khoa học trẻ chia sẻ về những thách thức mà họ phải đối mặt khi bắt đầu công việc nghiên cứu đầu tiên. Chỉ trong một tuần, đã có hơn 300 người từ khắp nơi trên thế giới phản hồi. Rất nhiều trong số họ kể về một cuộc sống không hề dễ chịu. Nature đã chọn ra câu chuyện của 3 nhà khoa học trẻ tiêu biểu nhất.
Một số dữ liệu cho thấy, các nhà khoa học trẻ hiện nay vấp phải nhiều rào cản hơn trong việc xây dựng các nhóm nghiên cứu độc lập so với cách đây 20-30 năm. Vấn đề lớn nhất là sự cạnh tranh chưa từng có về số lượng hồ sơ đăng ký nguồn vốn nghiên cứu, trong khi nguồn vốn không thay đổi, thậm chí bị thu nhỏ lại trong thập kỷ qua.
Là một người tài năng, Martin Tingley – một trong 3 nhà khoa học trẻ được Nature đề cập đến – đã hoàn thành cả bằng Thạc sĩ thống kê và Tiến sĩ về khoa học trái đất tại Đại học Harvard. Sau bốn năm thực tập sau tiến sĩ, Tingley nhận được vị trí giáo sư dự khuyết (tenure track assistant professor) tại đại học Pennsylvania State University, Hoa Kỳ. Tuy nhiên anh đã bỏ vị trí này sau hơn một năm giảng dạy và nghiên cứu.
Tingley phải làm việc đến 60 giờ mỗi tuần để làm công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ở vị trí giảng viên, anh gặp áp lực phải có nhiều báo cáo khoa học trên các tạp chí uy tín để thu hút kinh phí tài trợ, kêu gọi sinh viên theo học cũng như có nhiều sáng tạo trong lớp học.
Tingley khởi nghiệp một dự án nghiên cứu tại trường anh giảng dạy, tuy nhiên số tiền 200.000 USD được cấp vốn từ trường cũng nhanh chóng bị tiêu hết. Anh phối hợp với nhà địa hóa học hữu cơ Jessica Tierney tại Đại học Arizona, Tucson cho dự án nghiên cứu thu thập nhiệt độ bề mặt nước biển trong quá khứ và đăng ký kinh phí tài trợ với Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ nhằm giải quyết vấn đề tài chính. Tuy nhiên, mặc dù đề xuất của anh đạt 2 điểm xuất sắc, 2 điểm rất tốt ngay trong lần xin cấp vốn đầu tiên và đã được công bố trên các tạp trí Nature 2 lần, nhưng dự án vẫn không được cấp vốn, cho dù anh đăng ký xin cấp vốn 2 lần.
“Những vòng gọi vốn tài trợ nghiên cứu thật là tàn bạo.” – Martin Tingley
Bên cạnh áp lực về thời gian cho nghiên cứu, Tingley cũng phải sống xa vợ khiến anh phải lái xe 16 tiếng mỗi cuối tuần khi về thăm vợ tại Boston. Vòng quay cuộc sống khiến anh cảm thấy kiệt sức.
>> Chuyên gia về luân hồi chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu ‘tâm linh’ trong giới khoa học Mỹ
Với một số nhà khoa học trẻ, đôi khi những áp lực không đến từ việc phải theo đuổi các nguồn tài trợ nghiên cứu hoặc có được vị trí giảng dạy tốt, mà là áp lực theo đuổi lý tưởng để trở thành nhà khoa học “tốt”. Nhiều nhà nghiên cứu trẻ chia sẻ với Nature rằng họ đang phải vật lộn vì thiếu những mục tiêu rõ ràng cho sự thành công. Eddie López-Honorato, nhà khoa học vật liệu, là một trong số này.
López-Honorato đến từ Mexico. Anh lấy bằng tiến sĩ tại trường đại học Manchester, Anh Quốc. Trường đại học Manchester có tiêu chuẩn làm việc rất cao, vì vậy mặc dù bị căng thẳng, anh vẫn làm việc ngày đêm không nghỉ, kể cả cuối tuần cho các nghiên cứu của mình tại đây. Con trai anh ra đời tại Anh khi anh làm luận án tiến sĩ, áp lực về thời gian lại càng lớn hơn.
Sau khi thực tập sau tiến sĩ tại Viện nguyên tố Transuranium tại Karlsruhe, Đức với dự án phát triển lớp phủ an toàn hơn cho nhiên liệu hạt nhân được sử dụng trong các lò phản ứng, López-Honorato và vợ quay trở về Mexico năm 2012 và thành lập Trung tâm Nghiên cứu và học tập nâng cao tại Học viện Bách khoa Quốc gia (CINVESTAV), Ramos Arizpe, Mexico.
Sau hơn 2 năm nỗ lực bay qua lại giữa Mexico và Mỹ, gửi hàng tá email vận động, thất bại trong nhiều lần gọi vốn tài trợ, cuối cùng López-Honorato cũng tìm được tài trợ cho các dự án nghiên cứu của trung tâm năm 2014. Anh cũng thiết lập được một phòng thí nghiệm với 15 nghiên cứu viên cho dự án quan trọng: phát triển vật liệu hút bám để loại bỏ asen trong nước uống, vấn đề ảnh hưởng đến gần một nửa số các giếng nước tại một số khu vực ở Mexico. Cũng từ khi thành lập CINVESTAV, López-Honorato và các cộng sự đã xuất bản 20 báo cáo nghiên cứu khoa học trên các tạp chí.
Giống như nhiều nhà khoa học trẻ được phỏng vấn, López-Honorato nói rằng việc tìm được nguồn tài trợ dự án ổn định đầu tiên là khó khăn nhất. Mặc dù hiện nay không còn phải đối mặt với khó khăn trong việc kêu gọi tài trợ, nhưng López-Honorato cảm thấy áp lực trong việc duy trì các dự án nghiên cứu và tạo dựng sự nghiệp cho các nhà khoa học trẻ hơn. Anh nói: “thật căng thẳng khi không có tiền tài trợ, nhưng cũng căng thẳng khi bạn đã có tiền tài trợ, bởi vì sau đó bạn cần có sản phẩm nghiên cứu. Khi có bất cứ điều gì xảy ra, đó là lỗi của tôi.” López-Honorato cảm thấy thực sự có lỗi khi dự án của anh bị chậm tiến độ 1 năm do bị trễ 8 tháng trong việc mua thiết bị sơn phủ cho nhiên liệu hạt nhân.
López-Honorato cho biết, anh chỉ ngủ trung bình 4 tiếng mỗi đêm trong 2 tháng vừa qua. Anh cho rằng mình và các nghiên cứu viên trẻ mới bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu “đang ở giai đoạn phát triển giống như khi cả em bé mới sinh và vợ bạn cần bạn ở nhà nhất”. Hiển nhiên, anh cũng không thể dành thời gian cho gia đình mặc dù con trai thứ hai của anh mới có 8 tháng tuổi.
López-Honorato nhận thấy rằng mục tiêu dự án là bản thân anh đặt ra, vì vậy anh không có quyền phàn nàn về việc này. “Khi một nhà khoa học nói: “thế là đủ rồi”, anh ta đang gặp vấn đề”. Anh cũng cho rằng các nhà khoa khoa học trẻ cũng đang rất khó khăn trong việc thiết lập các mục tiêu cho mình: khi nào họ có đủ tiền, có sinh viên và các báo cáo được đăng…
“Thật là một áp lực kinh khủng cho những người trẻ. Làm sao họ có thể làm xuất sắc bất kỳ điều gì? Những khuyến khích kiểu này đều sai lầm,” – Philip Guo, nhà khoa học về nhận thức tại Đại học California, nói về những nhà khoa học trẻ
Năm 2016, López-Honorato đang cố gắng hạ thấp kỳ vọng của mình, bằng việc chỉ xin tài trợ vốn cho 1 lĩnh vực, trong khi năm 2012 anh xin tài trợ tới 7 lĩnh vực. Anh hy vọng rằng sẽ có thời gian để chơi với con trai mình. Nhưng áp lực tự bản thân là khó vượt qua nhất. “Chúng tôi muốn những gì mình làm ra là tốt nhất – đó là cách chúng tôi đạt được công việc hiện nay. Đó là áp lực tự mình đặt ra. Nhưng điều đó còn khó bỏ đi hơn nữa.“
>> Các nhà khoa học đã tìm thấy gì khi nghiên cứu bộ não của Einstein?
Cô Felienne Hermans đã tự học lập trình từ khi mới 10 tuổi. Cô chuyên về khoa học máy tính và theo đuổi bằng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan. Ở đó, cô áp dụng các kỹ thuật phần mềm cho các bảng tính, để giúp các kế toán hoặc các nhà sinh học có thể duy trì và chú thích dữ liệu tốt hơn. Cô luôn đứng đầu trong các báo cáo hội thảo nhờ công viêc sáng tạo của mình. Cô trở thành giáo sư độc lập tháng vào 3/2013 khi mới 28 tuổi. .
Hai năm ở vị trí giáo sư, Hermans đã cảm thấy quá tải. Cô đã phải vật lộn với trách nhiệm trong việc quản lý hai sinh viên đại học và một tiến sĩ, chuẩn bị bài giảng cho các khóa học, đánh giá các bài báo cáo cho các tạp chí và đồng nghiệp – nó giống như một “dịch vụ vô tận”.
Cô muốn có những nghiên cứu sáng tạo hơn về bảng tính nhưng áp lực để ra liên tục các báo cáo trên tạp chí luôn đeo bám cô. Về hình thức, công việc của cô được phân chia 40% thời gian cho giảng dạy, 40% cho nghiên cứu, 20% cho dịch vụ đánh giá các báo cáo, nhưng thông điệp là việc nghiên cứu nên được đặt trên mọi thứ khác. “Bốn bài báo thì tốt hơn so với ba. Và năm bài thì tốt hơn so với bốn”, cô nói.
Giống như Alberts đã nhận xét, Hermans cho rằng kết quả nghiên cứu hiện nay đồng nghĩa với việc công bố các báo cáo không có tính sáng tạo “Các bài báo cáo chỉ là một hình thức truyền đạt các ý tưởng và thí nghiệm.” Cô khao khát “một buổi chiều nhìn ra ngoài cửa sổ và nghĩ, ‘Mình sẽ làm gì tiếp theo?’”.
Một rào cản khác luôn xuất hiện trong suốt sự nghiệp của Hermans: là một phụ nữ trong lĩnh vực vốn do nam giới thống trị. Trong cuộc khảo sát, Nature nhận được khoảng một chục ý kiến từ các nhà khoa học trẻ cho rằng có sự phân biệt giới tính, thiên vị giới tính hoặc thiếu sự hỗ trợ cho phụ nữ trong sự nghiệp của họ.
Hermans cho rằng những phàn nàn của các nhà khoa học trẻ có thể sẽ bị bỏ ngoài tai. “Nếu có người phàn nàn về sự bất công, thật là dễ dàng để kết luận rằng họ chỉ biết rên rỉ. Nhưng đây không phải là những vấn đề tưởng tượng”. Cô cảm thấy có trách nhiệm trong việc lên tiếng về những thách thức trước mặt các nhà khoa học trẻ. “Các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm nên quan sát một nhà khoa học trẻ xem họ có đang thất bại hay không, và hỏi. “Bạn có bị quá tải không? Vì sao bạn không còn cảm hứng?”.
>> Những nhà khoa học lỗi lạc nhất tin vào thuyết vô thần hay hữu thần?
Khảo sát không chính thức của Nature cho thấy thực trạng này đã biến công tác nghiên cứu trở thành một sự nghiệp “không đáng mơ ước”.
Về góc độ tài chính, đã có nhiều động thái để giúp các nhà nghiên cứu trẻ giành chiến thắng các khoản tài trợ. Ví dụ. Alberts cho rằng “cần phải có sự điều chỉnh về các nguồn lực cho những người trẻ tuổi”. Ông ví dụ: chương trình tài trợ của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu chia ứng viên thành ba giai đoạn sự nghiệp – bắt đầu (2-7 năm sau tiến sĩ), đã có sự nghiệp vững chắc (7-12 năm sau tiến sĩ) và vị trí cao (hơn 12 năm sau tiến sĩ) – nhờ vậy các ứng viên tại mỗi giai đoạn sự nghiệp sẽ cạnh tranh công bằng với nhau. Trong bối cảnh đó, năm nay, NIGMS thí điểm gói tài trợ nghiên cứu có tên “Phát huy tối đa các nghiên cứu viên” cung cấp gói tài trợ nghiên cứu 5 năm chỉ cho các nghiên cứu viên trong giai đoạn đầu.
Giám đốc Viện khoa học y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (NIGMS) tại Bethesda, Maryland, Hoa kỳ, ông Lorsch cho biết: đây là một đổi mới của hệ thống cấp vốn tài trợ của Mỹ. Ông cũng cho rằng các nhà khoa học lớn tuổi hơn nên được khuyến khích để chuyển sang các giai đoạn khác trong sự nghiệp – làm việc trong lĩnh vực giảng dạy, tư vấn và trạng sư khoa học – các vị trí không yêu cầu kinh phí nghiên cứu. Điều này sẽ giúp được các nghiên cứu viên trẻ giải quyết được khó khăn của mình.
Page: 1 2
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak chia sẻ một kinh nghiệm khó quên của…
Hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Trang trí Da ô tô Quốc Lợi…
Ông Mike Waltz, đề cử Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống đắc…
Tin tặc Trung Quốc đang xâm nhập vào mạng các cơ sở hạ tầng quan…
Nói đến “Bình sa lạc nhạn” thì không thể không nói đến Vương Chiêu Quân.