Mặt hàng trái thanh long đang vào vụ thu hoạch lớn trong năm, người dân chờ đợi để có thu nhập trang trải dịp tết và bù đắp thiệt hại trong cả năm qua. Tuy nhiên, đầu ra là thị trường Trung Quốc đã đóng lại, lượng tồn cũ chưa giải quyết xong, còn hàng chục ngàn tấn đang chờ hái, hiện chưa có người mua.
Ngày 31/12, tại diễn đàn kết nối nông sản 970, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Trần Thanh Nam cho biết thực tế phía Trung Quốc đang tạm dừng nhập khẩu thanh long đến ngày 26/1/2022, kế đến là vướng lịch nghỉ Tết Nguyên Đán nên tình hình xuất khẩu thanh long có thể ngừng lại đến sau tháng 2/2022.
Bà Đinh Thị Thu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, tính đến cuối ngày hôm qua 30/12, lượng xe thông quan của tỉnh hiện nay chỉ vào khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô chứ rất ít hoa quả tươi. Tổng lượng xe ùn tắc tại Lạng Sơn hiện nay vào khoảng 2.900 xe, so với cuối ngày 29/12 đã giảm 550 xe. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do thời gian chờ quá lâu nên các xe đã quay đầu về bán tháo ở thị trường trong nước.
Ngày 30/12, trao đổi với Tuổi Trẻ, tài xế Lê Trần Trung Định (Ninh Thuận) cho biết đã “ăn chực nằm chờ” ở cửa khẩu Tân Thanh hơn một tháng qua cùng nhiều tài xế khác.
Theo tài xế Nguyễn Đình Hòa (Bình Thuận), tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nhiều xe chở thanh long cũng quay đầu. “Tôi nằm chờ ở trạm Dốc Quýt (Lạng Sơn) hơn 20 ngày qua. Ngày 29/12, chủ hàng đã yêu cầu tôi quay xe thanh long về Hà Nội để bán nhưng vẫn chưa liên hệ được người mua, tiêu thụ giúp”, tài xế Hòa nói.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết vừa cho hai xe container chở thanh long ở cửa khẩu Lạng Sơn về Hà Nội để tránh hư hỏng phải đổ bỏ, sau đó bán tháo giá rẻ nhằm thu hồi được đồng nào hay đồng đó. Để có nguồn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp đã phải đầu tư và hợp tác với nông dân để phát triển vùng trồng có mã số, cơ sở đóng gói cũng phải được phía Trung Quốc cấp phép chứ không phải cứ đưa hàng lên biên giới là bán được, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Đây lại là dịp cao điểm tiêu thụ cuối năm nên càng làm cho doanh nghiệp và người trồng thanh long gặp khó đầu ra. “Bây giờ doanh nghiệp chỉ còn hy vọng vào thị trường nội địa nhằm “giải cứu” lượng thanh long không xuất khẩu được“, ông Hiệp nói.
“Tình hình hiện tại đối với sản phẩm thanh long của Long An đang là thời điểm nước sôi lửa bỏng”, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, phát biểu tại diễn đàn kết nối nông sản 970.
Bà Khanh nói: “Người dân trồng thanh long tại Long An rất trông mong vào thời điểm này, thời điểm trái vụ, quả thanh long có giá cao nhất để có thu nhập trang trải dịp tết và bù đắp lại thiệt hại trong cả năm qua. Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg, tuy nhiên từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã ngưng nhận hàng”.
Theo thông tin từ bà Khanh, Long An đang có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn, đó là áp lực rất lớn đối với người dân, thương lái và các doanh nghiệp. Tỉnh này hiện có 117 kho thanh long, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên, lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn, đáp ứng chỉ khoảng ¼ sản lượng dự kiến.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết tại diễn đàn, chưa kể 400-500 xe thanh long đang tồn ở cửa khẩu cả tháng nay, sản lượng thanh long thu hoạch từ đây đến tháng 2/2022 là 120.000 tấn. Khoảng 70-80% sản lượng thanh long Bình Thuận là xuất khẩu qua Trung Quốc và hầu hết là bằng đường bộ. Hiện nay giá thanh long loại ngon nhất được mua với giá 7.000-8.000 đồng/kg, loại thấp hơn thì không ai mua. Ông Tuấn cho biết thêm hiện tỉnh Bình Thuận có tổng công suất của kho lạnh chỉ khoảng 16.000 tấn, chưa bằng số lẻ của sản lượng dự kiến trên.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – ông Trần Thanh Nam cho biết các doanh nghiệp chế biến, hệ thống phân phối bán lẻ đã cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trong đó có trái thanh long. Tuy vậy, với sản lượng tồn đọng quá lớn như hiện nay và sức tiêu thụ trong nước dự kiến từ đây đến Tết đang ở mức thấp, nguy cơ “bán lỗ vẫn khó bán” đang dần hiện ra đối với những người trồng thanh long.
Quang Minh (t/h)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…