Hãng công nghệ khổng lồ Alibaba Group Holding Ltd. của Trung Quốc không thể mua một số thiết kế chip ARM tiên tiến nhất, sau khi công ty công nghệ chip Arm Ltd. xác định rằng Mỹ và Anh sẽ không phê duyệt giấy phép xuất khẩu công nghệ này đến Trung Quốc, theo Financial Times đưa tin hôm thứ Tư (14/12).
Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sẽ không chấp thuận việc bán dòng sản phẩm Neoverse V mới nhất của Arm vì tốc độ tính toán của nó quá cao, theo những người có chuyên môn cho biết. Việc này sẽ ảnh hưởng đến đơn vị chip T-Head của Alibaba và các nhóm khác của Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Arm Ltd. thuộc sở hữu của nhà đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank, quyết định không thể xuất khẩu các thiết kế tiên tiến nhất của mình sang Trung Quốc.
Neoverse V thuộc Wassenaar —một thỏa thuận đa phương liên quan đến 42 quốc gia được thiết kế để ngăn chặn công nghệ lưỡng dụng bị chuyển hướng sang mục đích quân sự— và Arm sẽ cần giấy phép xuất khẩu của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh để có thể bán công nghệ này. Công nghệ lưỡng dụng là nói loại công nghệ có thể dùng cho cả dân sự và quân sự.
Kết quả này là do diễn biến sau hai tháng từ khi Hoa Kỳ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn Trung Quốc có được chip tiên tiến hoặc có thể đảm bảo công nghệ và thiết bị để sản xuất chất bán dẫn cao cấp trong nước.
Paul Triolo, một chuyên gia về Trung Quốc và công nghệ tại công ty tư vấn Albright Stonebridge Group, cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày 7/10 của bộ thương mại Hoa Kỳ đã cập nhật các hạn chế mà có thể ảnh hưởng đến loại công nghệ mà Arm sản xuất.
“Các công ty chủ chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm cả những người chơi cốt lõi về tài sản trí tuệ (IP) như Arm… phải xác định xem năng lực mà sản phẩm mà họ dự định cung ứng là đáp ứng hay là vượt quá các yêu cầu kỹ thuật trong các quy định thương mại mới [ngày 7/10] hay không,” Triolo cho biết.
Mặc dù Arm có thể xin giấy phép bán công nghệ, nhưng tỷ lệ thành công là rất thấp do chiến lược của Hoa Kỳ chính là để cấm vận công nghệ nào mà Trung Quốc có thể dùng trong quân sự. Khi Mỹ đưa ra các biện pháp mới vào tháng 10, họ nhấn mạnh rằng đó sẽ là cơ sở để từ chối giấy phép xuất khẩu công nghệ liên quan đến chip tiên tiến sang Trung Quốc.
Arm Ltd. có trụ sở chính tại Vương quốc Anh nhưng có các hoạt động thiết yếu ở Hoa Kỳ, đã được xem là có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách này.
Giống như các công ty công nghệ bán dẫn khác trên thế giới, các công ty Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào thiết kế của Arm để chế tạo các thiết bị từ điện thoại thông minh cho đến máy chủ.
Chính quyền Biden cũng có kế hoạch đưa nhà sản xuất chip Trung Quốc Yangtze Memory Technologies và 35 công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen thương mại để ngăn họ mua một số linh kiện của Mỹ, Bloomberg News đưa tin hôm thứ Ba.
“Chúng tôi cảm thấy rằng thế giới phương Tây coi chúng tôi như những người hạng hai,” một kỹ sư từ T-Head của Alibaba cho biết. “Họ sẽ không bán sản phẩm tốt cho chúng tôi ngay cả khi chúng tôi có tiền.”
Kỹ sư này cho biết các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đang tạo ra một hệ thống hai cấp, và chỉ ra rằng Neoverse V, được phát hành vào năm ngoái, đã được Amazon Web Services ở Hoa Kỳ sử dụng cho chip điện toán đám mây hiện đại của mình.
Công nghệ Arm Core/ARM nền tảng cho phần lớn chip trên thế giới và được sử dụng bởi hầu hết các công ty đang phát triển công nghệ hàng đầu.
Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã buộc một số công ty chip Trung Quốc cân nhắc chuyển sang dùng giải pháp thay thế cho Arm, đó là thiết kế mã nguồn mở mang tên Risc-V.
Arm bán kiến trúc thiết kế cho bộ xử lý —chip điện tử nằm trong máy tính hoàn thành các chức năng logic— và cho “lõi”, các đơn vị bên trong bộ xử lý thông tin.
Năm ngoái, Arm đã phát hành một số thiết kế lõi mới, bao gồm Neoverse N2 và Neoverse V1 và V2, trong đó Neoverse V1 và V2 là lõi có tốc độ nhanh nhất cho đến nay, với các thiết kế được xếp loại là có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Những thiết kế mới này được đưa ra khớp với bùng nổ về đường truyền 5G và Internet trong thời điểm này.
Các công ty Trung Quốc đã bị chặn mua Neoverse V2 và thế hệ trước của nó, V1, do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh có liên quan đến các công nghệ được liệt kê trong Wassenaar.
Thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu đa phương được hình thành vào năm 1996 bởi hơn 40 quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ và các quốc gia thành viên EU nhằm hạn chế việc bán vũ khí và các sản phẩm có thể có mục đích quân sự kép.
Arm đã xác định trước rằng họ không thể bán IP công nghệ này cho Trung Quốc vì đây là công nghệ “xuất xứ từ Hoa Kỳ” thuộc phạm vi quản lý của Wassenaar và sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu từ Washington.
Arm cho biết với tư cách là một công ty toàn cầu, họ “cam kết tuân thủ tất cả các luật và quy định xuất khẩu hiện hành tại các khu vực pháp lý mà công ty hoạt động”.
Chính phủ Vương quốc Anh cho biết họ không bình luận về các đơn xin cấp phép riêng lẻ, nhưng tái khẳng định rằng họ “cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu của Vương quốc Anh hợp tác với Trung Quốc theo cách phù hợp các giá trị của Vương quốc Anh và tính đến các mối lo ngại về an ninh quốc gia”.
Hoa Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận. Alibaba từ chối bình luận.
Mỹ đang cố gắng tranh thủ các đồng minh châu Âu và châu Á quan trọng trong lĩnh vực chip, đáng chú ý nhất là Hà Lan và Nhật Bản, để áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt xuất khẩu thiết bị chip. Hoa Kỳ cần sự giúp đỡ từ các đồng minh của mình để bổ sung các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà chính quyền Biden vào tháng 10 đã áp đặt đối với các công ty sản xuất công cụ bán dẫn của Mỹ.
Một giám đốc điều hành từ một công ty thiết kế chip khác ở Thẩm Quyến cho biết sau thất bại của thương vụ SoftBank muốn bán Arm trị giá 66 tỷ USD cho Nvidia vào đầu năm nay, nhiều kỹ sư chip Trung Quốc đã dấy lại niềm tin khi sử dụng các thiết kế của Arm mà không sợ sau đó họ sẽ bị cắt khỏi chuỗi cung ứng.
Nhưng ông ấy nói rằng công ty đã nhận ra rằng họ đã “ngây thơ như thế nào” khi được thông báo rằng họ không thể mua Neoverse V1 cho các chip cao cấp mà họ đang phát triển cho điện toán đám mây. Giám đốc điều hành nói thêm rằng rõ ràng là nhân tố làm ra quyết định “không phải vì tiền” mà là do kiểm soát xuất khẩu.
Ông nói thêm, chuyển sang N2 có nghĩa là công ty “sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu của chúng tôi”, bởi vì “hiệu suất tổng thể của V1 sẽ giết chết N2 trên mọi phương diện”.
Thiên Đức
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…