Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh có thể sử dụng việc trì hoãn và hủy bỏ đơn hàng trong trò chơi ngoại giao với Washington.
Trung Quốc đã tăng mua gấp đôi đậu nành của Mỹ so với kế hoạch do mặt hàng này được xem là một trong số ít các công cụ ngoại giao còn lại để Bắc Kinh có thể gây sức ép lên Washington.
Tờ Nikkei dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, tính đến ngày 15/9, Trung Quốc đã đồng ý mua 9,89 triệu tấn đậu nành Mỹ trong thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021. Trong số đó, 3,27 triệu tấn được đặt hàng vào tháng 8 và 2,07 triệu tấn khác được đặt hàng vào tháng này.
Trung Quốc mua gần 40% sản lượng đậu nành do Mỹ trồng. Việc tăng mua này có thể nhằm làm nổi bật sức ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tranh thủ lá phiếu của giới cử tri nông nghiệp trước cuộc bầu cử tháng 11.
Theo các nhà quan sát, Trung Quốc có thể có thể sử dụng việc đặt hàng như một cách để đối phó với các áp lực thương mại của Hoa Kỳ, cũng như làm lợi thế khi thảo luận các vấn đề ngoại giao nóng bỏng khác như Luật An ninh Hồng Kông, việc trừng phạt đối với Huawei Technologies và việc tách rời công nghệ giữa hai quốc gia. Theo cách này, Bắc Kinh có thể chọn việc thực hiện hoặc hủy bỏ đơn hàng khi các chuyến hàng thực tế đã sẵn sàng. Trước đó, việc Trung Quốc hủy bỏ hợp đồng mua 800.000 tấn đậu nành vào tháng 2/2019 đã khiến giá mặt hàng này lao dốc.
Ông Trump tuyên bố rằng Trung Quốc đang đặt những đơn hàng mua đậu nành và bắp của Mỹ lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, nhiều người suy đoán rằng Bắc Kinh có thể trì hoãn việc nhập hàng thực tế cho đến tháng 11 hoặc sau đó để tránh tỏ ra quá ủng hộ ông Trump nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden đắc cử.
Theo thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa hai nước, Trung Quốc được cho là sẽ đẩy mạnh việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ thêm 200 tỷ USD vào cuối năm 2021 so với mức năm 2017, năm trước khi xảy ra cuộc chiến thương mại.
Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson, để đạt mục tiêu này, việc nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc cần phải đạt mức 100,7 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm nay, nhưng con số thực tế chỉ là 48,5 tỷ USD, tương đương 48% của mục tiêu.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đều khẳng định tiếp tục thực hiện thỏa thuận “giai đoạn một” tại cuộc họp cấp chính phủ vào cuối tháng 8, nhưng con số thực tế cho thấy vẫn còn kém xa.
Đặc biệt, việc nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc chỉ mới đạt 46% so với kế hoạch từ đầu năm đến nay, giảm từ mức 58% vào tháng 2 khi thỏa thuận thương mại có hiệu lực.
Hàng hóa công nghiệp chiếm 40% trong tổng số 200 tỷ USD nhập khẩu thêm mà Trung Quốc đã hứa, cũng chỉ mới đạt 56% kế hoạch từ đầu năm đến nay. Trung Quốc đã đổ lỗi vấn đề này một phần là do những hạn chế cứng rắn hơn của Hoa Kỳ đối với việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Nhập khẩu năng lượng thậm chí còn tụt lại nhiều hơn ở mức 17%, do giá khí hóa lỏng và các nguồn năng lượng khác trên toàn cầu giảm xuống.
Ngân Hà (theo Nikkei)
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…