Một trong những rủi ro nội tại của nền kinh tế Việt Nam được chuyên viên của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận diện đó là tỷ lệ cung tiền/ GDP của Việt Nam cao thứ hai trong khu vực (163,7%), trong khi tỷ lệ tiết kiệm quốc gia/ GDP lại thuộc vào hàng thấp nhất, chỉ 24%.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo lên một tầng nấc mới khi Tổng thống Donald Trump vừa áp đặt thêm mức thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với đó là sự tăng giá của đồng USD khiến chuỗi giá trị toàn cầu và thị trường tài chính quốc tế đang có những chuyển biến căn bản, đặc biệt ảnh hưởng đến tính ổn định của các nền kinh tế mới nổi.
Với Việt Nam, VDSC nhận định “vẫn còn đó những rủi ro nội tại đáng báo động” mặc dù sức kháng cự của nền kinh tế đối với các tác động từ bên ngoài đang được cải thiện nhờ cán cân vãng lai dương và nghĩa vụ trả nợ thấp tương đối so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Trong đó, chuyên gia của VDSC nhấn mạnh rủi ro đến từ việc nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chịu sự chi phối bởi tín dụng.
Cụ thể, tỷ lệ cung tiền/ GDP của Việt Nam đã liên tục tăng trong những năm qua và hiện đang ở mức 163,7%, cao nhất khối ASEAN và cao thứ hai khu vực châu Á (chỉ sau Trung Quốc).
Biểu đồ trên chỉ ra tỷ lệ cung tiền của Indonesia và Philippines lần lượt là 40% và 67%, thấp hơn từ 2,5 – 4 lần so với Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Malaysia và Thái Lan cũng chỉ khoảng trên dưới 120%.
Điều này cho thấy “chu kỳ tín dụng vẫn đang quyết định quỹ đạo chuyển động của tăng trưởng kinh tế các nước trong khu vực”, VDSC nhận định. Trong đó, Việt Nam với sự phụ thuộc lớn vào cung tiền trong khi tỷ lệ tiết kiệm trong dân thấp đang bộc lộ nhiều rủi ro tiềm tàng.
Trong số các quốc gia châu Á, người Trung Quốc vẫn đứng đầu về tỷ lệ tiết kiệm quốc gia/ GDP với 47%, tiếp sau đó là Philippines (khoảng 44%), Thái Lan (34%)… và đứng cuối cùng là Việt Nam chỉ đạt 24%.
Việc tiết kiệm thấp trong khi mức độ sẵn sàng chi tiêu tăng cao và tăng trưởng tín dụng tiêu dùng được dự báo ở mức hai con số trong vài năm tới đang khiến nguy cơ vỡ nợ nền kinh tế ngày càng lộ diện, khi tỷ lệ nợ vượt khả năng chi trả sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Thực tế là thị trường cho vay tiêu dùng nhanh và cho vay ngang hàng (P2P) đang bùng phát mạnh tại Việt Nam, bất chấp làn sóng vỡ nợ của hình thức cho vay P2P tại Trung Quốc trong thời gian gần đây do sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Mức lãi suất cho vay tiêu dùng được ghi nhận lên tới 35-45%/năm, một mặt làm gia tăng lợi nhuận cho các tổ chức tín dụng và cho phép các cá nhân, hộ gia đình “dưới chuẩn” được tiếp cận dòng vốn; mặt khác có thể khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao, người vay mất khả năng chi trả.
Theo VDSC, hiện tỷ lệ nợ xấu của nền kinh tế vẫn đang ở mức cao trong khi trích lập dự phòng thấp. Cùng với đó, dư địa cho chính sách tài khóa nới lỏng rất hạn chế do nợ công đã tiến sát mức trần cho phép, nguồn thu ngân sách bị hạn chế bởi cắt giảm thuế quan theo tiến trình hội nhập…
Tất cả những điều đó đưa đến viễn cảnh chính sách khá bị động trước các sức ép nội tại trong nền kinh tế, chi tiêu công vẫn là ẩn số chưa thể kiểm soát trong bối cảnh rủi ro vỡ nợ tài chính tiêu dùng tăng cao đang đặt Việt Nam vào tình huống báo động về rủi ro không thể kiểm soát.
Chân Hồ
Xem thêm:
Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến một số điểm ở huyện miền núi…
Hôm thứ Bảy (23/11), tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một luật mới cấm…
Cuối ngày làm việc với Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), người đàn…
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…