Vay tiền Trung Quốc làm dự án tỷ đô, cẩn thận mắc bẫy

Geleximco và liên danh lần thứ hai xin làm Nhà máy nhiệt điện hàng tỷ đô với 80% vốn vay từ Trung Quốc.

Phối cảnh dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. (Ảnh: nangluongvietnam.vn)

Bộ Công Thương vừa có văn bản lấy ý kiến về việc liên danh Tập đoàn Geleximco – Công ty TNHH Hồng Kông United (HUI) đề xuất tham gia dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2  theo hình thức PPP (đối tác công – tư). Đây là lần thứ hai liên danh này đề xuất đầu tư các dự án nhiệt điện vốn do các Tập đoàn năng lượng trong nước đang làm chủ đầu tư.

80% nguồn vốn cho dự án được vay từ Trung Quốc

Theo đề xuất gửi Chính phủ hồi tháng 10/2017, liên danh này tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư 2 dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2. Nguồn vốn cho dự án sẽ được Geleximco – HUI vay chủ yếu từ các tổ chức tín dụng của Trung Quốc với tỷ lệ đối ứng 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay.

Dự kiến lãi suất vay từ các tổ chức tín dụng là 10,86%/năm, vay thương mại quốc tế là 11,77%/năm. Phần này sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển Nhà nước Trung Quốc đứng đầu bao gồm: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc.

>> Sri Lanka – nạn nhân mới nhất của chiến lược ngoại giao ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc

Đáng chú ý, tổng mức đầu tư của 2 dự án trên dự kiến hơn 100.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), liên danh Geleximco – HUI khẳng định sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn mà không cần bảo lãnh Chính phủ và cam kết khởi công xây dựng ngay khi các dự án được cho phép đầu tư. Trong khi đó, năng lực tài chính của liên danh này còn có những điểm mập mờ.

Đánh giá bước đầu của Bộ Công Thương cho biết nguồn vốn chủ sở hữu của Geleximco chỉ khoảng gần 9.000 tỷ đồng, được bảo đảm bởi các nguồn tiền thu được từ các dự án xây dựng đô thị, sân golf đang thực hiện (khoảng gần 8.900 tỷ đồng). Trong khi đó, báo cáo dòng tiền của Geleximco cho thấy nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này có thể lên đến hơn 15.700 tỷ đồng thu từ các dự án xây dựng.

Điều đáng quan tâm nữa là năng lực tài chính của đối tác liên danh HUI lại không được Geleximco cung cấp theo yêu cầu của Bộ Công Thương mà chỉ đưa báo cáo tài chính năm 2014 – 2016 của Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang – cổ đông chính của HUI. Lý do là HUI chỉ mới được thành lập từ năm 2016 nên không có báo cáo tài chính 3 năm theo yêu cầu, năng lực tài chính của HUI được thu xếp hoàn toàn bởi cổ đông chính KAIDI.

Trước đó vào tháng 7/2017, liên danh Geleximco – HUI (KAIDI) cũng xin Chính phủ cho phép đầu tư vào 5 dự án nhà máy nhiệt điện: Quỳnh Lập 1, Quỳnh Lập 2, Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2 và Hải Phòng 3, trong đó liên danh này đầu tư góp 75 – 80% vốn.

Tập đoàn năng lượng trong nước phản đối

Trong khi Geleximco và liên danh rất muốn được tham gia làm nhiệt điện tại Việt Nam thì các Tập đoàn năng lượng trong nước vốn đang được Chính phủ giao đầu tư những dự án này đồng loạt lên tiếng phản đối.

Là chủ sở hữu dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Lập 1 có tổng mức đầu tư 2,1 tỷ USD – một trong số những dự án mà Geleximco – HUI đăng ký tham gia làm – Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng nội dung đề xuất hợp tác của liên danh Geleximco – HUI “không phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư dự án này của Hội đồng thành viên TKV, theo đó TKV nắm giữ cổ phần chính”.

Tháng 5/2017, TKV có ký biên bản ghi nhớ với Geleximco – KAIDI và KOSPO (Hàn Quốc) về hợp tác phát triển dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 theo hướng TKV nắm giữ tối thiểu 36% cổ phần, HUI nắm giữ 34% và KOSPO nắm giữ 30%. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Geleximco – HUI muốn “hất” KOSPO để nắm giữ luôn 64% cổ phần. Điều này đi ngược lại với định hướng của TKV là doanh nghiệp nắm giữ cổ phần chính của dự án.

>> Thêm một công ty Trung Quốc vỡ nợ vì chi phí vay gia tăng

Không tìm được tiếng nói chung, TKV hiện đang tìm kiếm thêm nhà đầu tư khác đủ năng lực để xem xét lựa chọn theo tỷ lệ vốn góp vào nhiệt điện Quỳnh Lập 1 là TKV nắm giữ 36%, KOSPO 34%, nhà đầu tư khác 30%.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị đang được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2 cũng cho biết đã có những bước triển khai nhất định khi đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Vietcombank cung cấp vốn cho Quảng Trạch 1 và Ngân hàng VietinBank cung cấp vốn cho Quảng Trạch 2 – dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 2,4 tỷ USD đang được liên danh Geleximco –  HUI đề xuất sở hữu 100% cổ phần dự án.

Theo lãnh đạo EVN, việc Geleximco đề xuất đầu tư theo hình thức PPP chưa được quy định đối với công trình điện. Bên cạnh đó, thời gian thành lập công ty liên doanh, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 20%-30% cổ phần, còn lại do Geleximco – HUI đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ dự án.

Vay tiền từ Trung Quốc, cẩn thận mắc bẫy

Trung Quốc gần đây được người ta nhắc đến như là một Chủ nghĩa đế quốc chủ nợ. Bằng cách sử dụng nợ Chính phủ để “uốn cong” các quốc gia khác theo ý muốn của họ, mà không cần súng ống.

Năm 2015, một công ty Trung Quốc đã bỏ ra 388 triệu USD để thuê 99 năm đối với cảng nước sâu Darwin của Úc – nơi đóng quân của hơn 1.000 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

Tương tự, sau khi cho quốc gia châu Phi Djibouti vay hàng tỷ đô đến mức ngập nợ, Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của nước này trong năm 2017, chỉ cách căn cứ hải quân Mỹ vài km.

Một số quốc gia khác như Argentina, Namibia hay Lào đều bị rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, buộc những nước này phải đối mặt với những quyết định “đau đớn” để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.

Điều nguy hiểm nhất trong các thỏa thuận vay nợ từ Trung Quốc là nước này luôn đòi hỏi quyền được tiếp cận thuận lợi tới tài nguyên thiên nhiên của những nước đi vay, hay ép sử dụng công nghệ từ Trung Quốc, cũng như đưa người Trung Quốc sang làm việc tại các dự án có vay vốn của họ.

Kinh nghiệm tại các dự án thực hiện tại Việt Nam đã từng hợp tác vay vốn hay tài trợ vốn từ Trung Quốc là vốn bị đội lên rất cao và kéo dài liên miên về thời gian. Thông thường khi bỏ thầu, họ đưa ra cái giá rất rẻ. Nhưng sau đó giá tăng lên gấp mấy lần. Có thể kể đến như dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, giá vốn bị đội lên gấp ba và liên tục bị lùi tiến độ; hay như dự án đường ống nước sông Đà vỡ đến lần thứ 18 liên tiếp mà vẫn còn tiếp tục vỡ; và còn nhiều dự án liên quan đến Trung Quốc nữa như: Bô xít Tây Nguyên, dự án Nhà máy thép Thái Nguyên…

Dù muộn màng, khi đã bị nếm “trái đắng” nhiều lần, các quốc gia như Pakistan, Sri Lanka, Nepal hay Myanmar đều đồng loạt hủy các dự án thủy điện, nhiệt điện liên quan đến Trung Quốc bởi họ nhận ra những tác động đến môi trường của các dự án và cái giá phải trả là quá lớn. Đó là những kinh nghiệm đáng tham khảo cho Việt Nam trong việc làm ăn với “người láng giềng” đang ôm mộng bá chủ thế giới.

Chân Hồ

Published by

Recent Posts

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

54 phút ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

2 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

2 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

2 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

2 giờ ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

2 giờ ago