Categories: Kinh TếKinh doanh

Việt Á “phất lên” nhờ kinh doanh kit xét nghiệm chưa được WHO phê duyệt

Từ một công ty vốn điều lệ chỉ 80 triệu đồng (thành lập năm 2007), đến nay CTCP Công nghệ Việt Á đã nâng vốn lên 1.000 tỷ đồng, doanh thu đạt “đỉnh” nhờ kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19 chưa được WHO phê duyệt.

Bộ sinh phẩm (bộ kit) xét nghiệm virus corona. (Ảnh: infonet.vietnamnet.vn)

Quá trình hoạt động của Công ty Việt Á

Công ty CP Công nghệ Việt Á được thành lập từ năm 2007 với tên cũ là Công ty CP Thương mại – Sản xuất và Dịch vụ Việt Á, có trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Tuy nhiên, khi phóng viên báo Tuổi Trẻ đi xác minh thì được chủ nhà này cho hay Việt Á chỉ mượn chỗ để đặt bảng hiệu công ty gần 10 năm. Tại đây không có nhân viên hay tài liệu gì.

Theo hồ sơ đăng ký, người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Phan Quốc Việt (sinh năm 1980) – một trong những người vừa bị khởi tố về những sai phạm trong việc nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19. Ngoài vị trí tại Việt Á, ông Việt còn là đại diện tại 12 doanh nghiệp khác về các mảng từ du lịch, đầu tư, ẩm thực như: Công ty TNHH Du lịch Lạc Việt, Công ty TNHH Thế giới Đất Việt, CTCP Đầu tư Việt Á y dược 99, CTCP tư vấn đầu tư dịch vụ Tâm An, CTCP Đầu tư Đức Ân, CTCP Ẩm thực Việt Á, CTCP Kỹ thuật Việt Á,…

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) được thành lập từ năm 2007, có vốn điều lệ chỉ 80 triệu đồng.

Tháng 10/2009, công ty này đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần 3, nâng vốn điều lệ doanh nghiệp lên 5 tỷ đồng, với danh sách cổ đông sáng lập gồm 3 người nắm tổng 20% cổ phần.

  • Ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc – người đại diện pháp luật Công ty Việt Á, nơi đăng ký thường trú tại tổ 9, khu phố 1, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nắm giữ 10,2% cổ phần công ty.
  • Ông Đồng Sỹ Huy, hộ khẩu thường trú tại 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, nắm giữ 5% cổ phần công ty.
  • Bà Hồ Thị Thanh Thủy, hộ khẩu thường trú tại 382, tổ 4, ấp Tân Bình, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nắm giữ 4,8% cổ phần công ty.

Tháng 8/2015, Việt Á đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần thứ 5, nâng vốn điều lệ doanh nghiệp lên 200 tỷ đồng.

Tháng 10/2017, đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần 6 (lần gần đây nhất), vốn điều lệ doanh nghiệp được nâng lên 1.000 tỷ đồng.

Điều đáng lưu ý là khi tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng thì tỷ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không thay đổi, cả 3 cổ đông vẫn nắm giữ khoảng 20% cổ phần vốn doanh nghiệp, như vậy có khoảng 800 tỷ đồng được các cổ đông khác đã bơm vào doanh nghiệp.

Đến nay Công ty Việt Á cũng mở hàng loạt chi nhánh tại TP Cần Thơ, Bình Dương, Kon Tum, các điểm kinh doanh huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam), TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) để kinh doanh.

Doanh thu đạt “đỉnh” nhờ bán bộ kít xét nghiệm COVID-19, kinh doanh lớn lãi “bé hạt tiêu”

Theo báo Zing, năm 2016, công ty này ghi nhận 166,1 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh nhưng chỉ lãi vỏn vẹn 173 triệu đồng, với vốn chủ sở hữu cùng thời điểm là 200 tỷ.

Đến năm 2017, công ty tiến hành tăng vốn lên 1.000 tỷ thì doanh thu lại giảm xuống còn 116,2 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ còn 127 triệu đồng.

Năm 2018, doanh thu sụt giảm mạnh còn 68 tỷ đồng và công ty Việt Á lỗ ròng 165 triệu.

Tình hình tiếp tục không tốt nên doanh thu giảm tiếp còn 63,4 tỷ đồng và lợi nhuận cả năm 2019 chỉ là 23 triệu đồng.

Nhìn chung, trong giai đoạn từ năm 2016 tới 2019, kết quả kinh doanh của Công ty Việt Á tương đối bết bát.

Tháng 4/2020, công ty này được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành bộ kit xét nghiệm COVID-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Đây là cột mốc khiến Việt Á có bước chuyển mình đáng kể trong cả hoạt động kinh doanh và nổi tiếng hơn trong lĩnh vực Y tế tại Việt Nam. Hiện công ty đã cung ứng sản phẩm cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Doanh thu năm 2020 của công ty do đó cũng “đột ngột” tăng vọt 6,4 lần, đạt 406,7 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận ròng công ty Việt Á thu về được chỉ là 1,4 tỷ đồng, tương đương biên lãi ròng khoảng 0,34%, thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Như vậy, gộp chung giai đoạn 2016-2020, công ty Việt Á ghi nhận hơn 820 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng chỉ hơn 1,5 tỷ. Trong đó, gần 50% doanh thu và hơn 90% lợi nhuận đến từ năm 2020. Tổng mức lợi nhuận quá thấp so với quy mô vốn đầu tư và doanh thu ghi nhận.

Theo Zing, theo chia sẻ mới nhất của lãnh đạo Công ty Việt Á, sau khi được Bộ Y tế cấp phép và cung ứng sản phẩm xét nghiệm COVID-19 ra thị trường từ tháng 4/2020, doanh thu công ty Việt Á gần đây đạt “đỉnh” là 4.000 tỷ đồng. Dễ dàng nhận thấy, phần doanh thu tăng thêm này đến chủ yếu từ việc bán bộ xét nghiệm COVID-19.

Bộ kit xét nghiệm có chất lượng khuất tất

Tuổi Trẻ đưa tin, vào giữa năm 2020, tổng giám đốc Công ty Việt Á từng chia sẻ trên truyền thông, cho biết Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 do Bộ Khoa học và công nghệ giao Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

Ngày 26/4/2020, Bộ Khoa học – Công nghệ từng công bố trên website của bộ với tiêu đề: “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận”. 

Thông báo của bộ viết: “Ngày 26-4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học – công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất”.

Thông tin về bộ kit xét nghiệm của Việt Á được WHO chấp nhận đăng trên webiste Bộ Khoa học – Công nghệ. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, theo tài liệu công bố công khai của WHO, bộ kit xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit do Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất không được tổ chức này phê duyệt như thông tin website Bộ Khoa học – Công nghệ công bố trước đó.

Cụ thể, WHO kết luận: Bộ xét nghiệm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit với mã sản phẩm VA.A02-055H, sản xuất bởi Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, địa chỉ 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM không đủ điều kiện để vào chương trình mua sắm của WHO.

WHO chưa chấp nhận bộ kít xét nghiệm của Việt Á (Ảnh chụp màn hình webiste)

Cùng ngày Tuổi Trẻ đưa tin này (20/12), thông báo trên trang website của Bộ Khoa học – Công nghệ cũng bị gỡ bỏ và đại diện bộ nói “cũng không rõ” về việc gỡ bỏ thông tin, cũng như thời điểm gỡ bỏ.

Ngay khi thông tin được đăng tải, nhiều bạn đọc đã băn khoăn trong phần bình luận dưới bài viết của Tuổi Trẻ:

Vũ Quang: Cơ quan nào cấp phép cho lưu hành bộ kit xét nghiệm của Công ty này và cấp trên cơ sở nào? Người dân rất cần câu trả lời của Bộ Y tế.

Minh: Nếu vậy thì bộ kit này có được chấp nhận lưu hành ở VN hay không ? Nếu không được thì phải hoàn trả lại tiền cho những ai phải test bằng bộ kit này trong thời gian qua.

Minh Kháng: Chất lượng chưa được WHO phê chuẩn, thế mà đưa ra bán giá quá cao! Một sự tàn nhẫn, vô nhân đạo đến cùng cực! Không hiểu sao, Bộ Y tế lại chấp nhận, không có ý kiến gì. Quá tội nghiệp cho người dân! 

Từ năm 2016 đến nay, Công ty Việt Á đã trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, v.v.

Cụ thể, năm 2016-2017, công ty trúng gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho Bệnh viện Quân y 175. Đây cũng là thời điểm công ty tiến hành tăng vốn từ 200 tỷ lên 1.000 tỷ đồng.

Đến giai đoạn 2018-2019, công ty tiếp tục trúng gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm cho Bệnh viện Da liễu Trung ương. Cùng với đó là gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Việt Á là đơn vị trúng thầu gói cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm.

Ngoài ra, công ty này còn cho biết đang là đối tác của nhiều bệnh viện đa khoa các địa phương như Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện C Đà Nẵng, v.v.

Tuy nhiên, vụ kinh doanh lớn nhất, đem về doanh thu và lợi nhuận “đỉnh” nhất vẫn là vụ kinh doanh bộ kit xét nghiệm COVID-19 từ tháng 4/2020.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm:

Quang Minh

Published by
Quang Minh

Recent Posts

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

14 phút ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

1 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

1 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

1 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

2 giờ ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

2 giờ ago