Ngành điều chính thức đề xuất gói tín dụng 800 triệu USD để “giải cứu” 500.000 tấn nguyên liệu đang bị kẹt ngoài cảng.
Là ngành xuất khẩu chủ lực trong suốt hàng thập kỷ qua, chính sách hội nhập sâu rộng gần đây đã khiến các doanh nghiệp chế biến điều không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.
Tại Hội thảo về các giải pháp hỗ trợ tín dụng cho ngành điều 6 tháng cuối năm 2018 và năm 2019, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) – ông Nguyễn Đức Thanh đề xuất và kêu gọi các ngân hàng thương mại xem xét tài trợ cho toàn ngành điều gói tín dụng trị giá khoảng 800 triệu USD.
Theo ông Thanh, số vốn này hết sức cần thiết để các doanh nghiệp nhập khẩu 500.000 tấn điều nguyên liệu đang bị kẹt ở kho ngoại quan.
Đại diện Vinacas cho biết trong tuần này sẽ có văn bản kiến nghị trực tiếp Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng 800 triệu USD.
Kiến nghị trên của Vinacas diễn ra trong bối cảnh ngành điều vừa kết thúc nửa đầu năm 2018 với nhiều diễn biến bất lợi về kết quả kinh doanh.
Mặc dù kim ngạch và giá xuất khẩu hạt điều đều tăng hơn 16% và tiêu thụ toàn cầu vẫn tăng từ 3,5% – 5%/năm, nhưng nghịch lý là nhiều doanh nghiệp trong ngành này lại thua lỗ, phải tạm đóng cửa.
Cụ thể, tại Long An đã có 12/33 doanh nghiệp chế biến hạt điều đóng cửa sản xuất, thực trạng này cũng xảy ra trên nhiều địa phương khác. Ngay tại thủ phủ ngành điều Việt Nam là tỉnh Bình Phước, có đến 70% – 80% số doanh nghiệp đang phải ngừng hoạt động.
Nguyên nhân của nghịch lý nói trên được đại diện Vinacas lý giải là do các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó là hành vi thâu tóm thị trường, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc thành lập các công ty con ở trong và ngoài nước để chuyển giá, phá giá.
Trong khi từ phía người trong cuộc, ông Nguyễn Minh Họa – Giám đốc Công ty Bimico Tây Ninh thì cho rằng chính sách mở toang cánh cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) nhảy vào lĩnh vực điều là nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước bị èo uột.
Bởi theo ông Họa, doanh nghiệp FDI có lợi thế vốn mạnh, lại không bị bất cứ rào cản giấy phép nào nhờ những ưu đãi từ chính sách thu hút vốn FDI, đã có được lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp nội, từ đó lũng đoạn thị trường và ép các doanh nghiệp điều Việt Nam.
“Vì vậy, để gỡ khó cho ngành điều trong nước, rất cần chính sách bảo hộ bằng hàng rào kỹ thuật”, Giám đốc công ty Bimico cho biết.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNN, tính đến hết tháng 6/2018, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 176.000 tấn, tương đương giá trị 1,7 tỉ USD, tăng hơn 16% về khối lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hạt điều ước đạt 537.000 tấn, tương đương khoảng 1,15 tỷ USD.
Như vậy, với tư cách là nhà xuất khẩu điều lớn của thế giới khi chiếm đến 60% thị phần, ngành điều Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 chỉ xuất siêu được 5,5 triệu USD, đây là một điều khá bất ngờ và đáng lo ngại trong bối cảnh hội nhập sâu rộng chưa cho thấy được nhiều “cú huých” cho kinh tế, nhưng đã khiến doanh nghiệp trong nước điêu đứng, ngân sách thì bị hụt thu do thuế xuất nhập khẩu giảm khiến chính phủ phải điều chỉnh nguồn thu theo hướng tăng thu nội địa mà đối tượng chịu chính lại là các doanh nghiệp trong nước và người dân.
Chân Hồ
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…