Ngày 31/10/2017 một bài báo trên VOV.vn có tựa “Dân Việt Nam ‘gánh’ thuế và phí trên GDP gấp 1,4 – 3 lần quốc gia khác”. Trong đó, bài báo viết “người Việt Nam làm 10 đồng phải nộp thuế đến 4 đồng”. Thực sự thuế là thứ mà người dân Việt Nam phải oằn vai gánh quá sức.

Thuế dùng để làm gì? Để trả lương cho bộ máy nhà nước, để đầu tư hạ tầng và để đầu tư phúc lợi nhân dân. Ở những nước tiến bộ, nền sản xuất và dịch vụ sinh lời rất lớn, người dân nộp thuế dồi dào. Như Thụy Sỹ và Phần Lan còn dự định phát lương tháng cho người dân vì nguồn thu chính phủ nhiều hơn chi, mặc dù họ đã chi cho hệ thống phúc lợi của họ rất tốn kém vì nó là hệ thống dịch vụ công thuộc loại tốt nhất thế giới. Ở những nước đó, nguồn thu chính phủ dồi dào là do dân nước họ giàu chứ không có nghĩa là thuế suất của họ cao.

Trong khi đó, cả nước Việt Nam chỉ có khoảng 46 triệu lao động đóng thuế để chính quyền trả lương cho 11 triệu người (trong 46 triệu người đó). Con số kinh khủng ai mà gánh nổi? (Xem bài: Nhẩm tính: Một người Việt đi làm nuôi bao nhiêu người hưởng lương?)

Ngày 07/02/2018 trên báo Cafef.vn có đăng bài “Doanh nghiệp FDI lợi nhuận cao nhưng ‘nộp thuế’ ít nhất”. Vấn đề là tại sao doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng sức lao động bèo bọt của dân ta kiếm lời mà đóng thuế lại thật ít? Câu hỏi đặt ra là, chính phủ Việt Nam vì non nớt, vì yếu kém không thể truy thu thuế doanh nghiệp FDI, hay họ chủ động “ưu tiên đặc biệt” cho loại doanh nghiệp này? Câu trả lời là chính phủ bất lực trong việc thu thuế doanh nghiệp FDI.

Ngày 23/12/2015, trên Website của Bộ Tư pháp Việt Nam có đăng bài “Cơ sở pháp lý chống chuyển giá và vấn đề hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá ở Việt Nam”. Trong đó, bài báo đã thú nhận rằng “Ở nước ta hiện nay vẫn chưa tổ chức một cơ quan chuyên trách về việc xác định mức giá thị trường của một sản phẩm vì thế không có căn cứ nào để biết doanh nghiệp FDI có thực hiện hành vi chuyển giá không…” Điều đó có nghĩa là, việc chuyển giá của công ty mẹ để nâng giá trị đầu vào ở chi nhánh tại Việt Nam nhằm che giấu lợi nhuận để trốn thuế là việc làm công khai của các doanh nghiệp FDI nhưng chính quyền vẫn cứ bất lực, dù đến khi đó – năm 2015, Việt Nam đã 29 năm mở cửa.

Cho đến gần đây, ngày 04/12/2017 trên VOV.vn đăng bài viết có tựa “Chống chuyển giá và trốn thuế chưa thể dừng lại”. Trong bài này họ đã xác nhận sự bất lực trong vấn đề chống sự chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Thế là đến hôm nay, đổi mới đã 32 năm nhưng chính quyền Việt Nam vẫn chưa hoà nhập với cuộc chơi toàn cầu. Pháp luật vừa lỏng lẻo vừa chồng chéo chỉ có tác dụng kiềm hãm doanh nghiệp trong nước nhưng tạo rất nhiều lỗ hổng để doanh nghiệp FDI trốn thuế một cách hợp pháp.

Việc doanh nghiệp FDI trốn thuế có hậu quả như thế nào? Ngày 23/12/2017 trên trang chinhphu.vn có bài báo mang tựa “TPHCM tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI năm 2017”. Trong bài họ nói rằng “Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 172,35 tỷ USD”. Như ta biết, GDP của Việt Nam chỉ khoảng 205 tỷ USD. Như vậy nếu để doanh nghiệp FDI trốn thuế dễ dàng thì chính phủ đã mất đi một khoản thuế rất lớn.

Qua việc xâu chuỗi những sự kiện trên, chúng ta thấy rằng một trong những nguyên nhân khiến thuế suất tăng và nảy sinh những loại thuế mới chính là do Việt Nam không hòa nhập nổi vào cuộc chơi toàn cầu. Do thất thu lớn từ nhóm doanh nghiệp FDI, cộng với sức ép hòa nhập, khiến chính phủ phải quay qua tăng thuế, thêm phí.

Thuế ở Việt Nam và cuộc chơi hội nhập
(Ảnh qua soha.vn)

Đơn cử như thuế tài sản dự kiến đánh lên nhà cửa và ô tô. Về nhà cửa, khi bán, chủ nhà sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Nay thuế mới nếu được thông qua sẽ đánh vào người mua. Còn về ô tô, mỗi chiếc xe phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với tổng giá trị thuế bằng từ 1,5 lần đến 2 lần giá gốc, thì nay lại tiếp tục chịu thêm một khoản thuế.

Rõ ràng, Việt Nam vẫn chưa thể bơi ra biển lớn để bắt cá to, mà mãi mãi vẫn ở trên bờ sông để bắt vịt mần thịt, “vặt lông sao cho vịt không kêu”…

Theo Facebook Đỗ Ngà
Chỉnh sửa và đăng tải dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm: