Khaisilk chỉ là một trong rất nhiều công ty đang lừa dối khách hàng, khăn lụa cũng chỉ là một mặt hàng trong vô số mặt hàng đang trục lợi niềm tin yêu hàng Việt của người Việt. Việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt xảy ra rất thường xuyên và rất nhiều. Liệu đây có phải là phát súng đầu tiên của chiến dịch bảo vệ thương hiệu Việt?
Vụ việc Khaisilk lừa dối khách hàng được các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Ngày 26/10, Cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai, Hà Nội thu giữ tang vật và lập biên bản. Ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Công thương tổ chức họp kín và quyết định đưa vụ việc sang cơ quan điều tra vì nhận thấy có đầy đủ dấu hiệu vi phạm luật hình sự. Cùng ngày 27/10, Tổng Cục thuế tuyên bố sẽ thanh tra thuế Khaisilk trên toàn quốc…
Sự vào việc nhanh chóng, dứt khoát của các cơ quan chức năng đối với tội danh kinh doanh hàng giả này nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Tuy nhiên, Khaisilk chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp đang lừa dối khách hàng, và tất nhiên khăn lụa cũng chỉ là một mặt hàng trong số vô vàn mặt hàng đang trục lợi ‘Made in Vietnam’.
>> Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang Công an Hà Nội
Đi trên các đường phố Hà Nội, TP.HCM, dễ dàng nhận thấy rất nhiều cửa hàng ‘Made in Vietnam’. Điều đáng nói là rất nhiều cửa hàng này tiêu thụ quần áo nhập khẩu cắt mác, rồi đính vào nhãn ‘Made in Vietnam’.
Theo Luật sư Lê Quang Minh – Trưởng Văn phòng Luật sư Minervas, “’Made in Vietnam’ là thương hiệu không thể đăng ký quyền sở hữu. Nếu một cửa hàng có biển hiệu Made in Vietnam mà bán hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam thì cũng là một hành vi lừa dối khách hàng”.
Như vậy, vi phạm tại các cửa hàng ‘Made in Vietnam’ cũng không khác với vụ việc Khaisilk nhưng chưa có biện pháp xử lý.
Việc sử dụng tràn lan, không quản lý xuất xứ hàng hóa ‘Made in Vietnam’ hiện nay đang tạo điều kiện cho nhiều thương nhân kiếm lợi dựa trên niềm tin yêu hàng Việt của người Việt. Điều đó khiến cho hàng dệt may của Việt Nam mặc dù xuất khẩu đi nhiều quốc gia nhưng chỗ đứng trên thị trường nội địa lại vô cùng nhỏ bé.
Không phải hàng hóa nào sản xuất ở Việt nam cũng được dán mác ‘Made in Vietnam’. Bình luận về vấn đề này, Luật sư Lê Đình Vinh – Trưởng văn phòng Luật sư Vietthink cho biết, hàng hóa dán xuất xứ Việt Nam cần phải bảo đảm tối thiểu 30% công đoạn, nguyên liệu thưc hiện trong nước. Do đó, hành vi thay thế bao gói cũng không được xác định là hàng hóa Made in Vietnam.
Việc gian lận về nguồn gốc xuất xứ không chỉ ảnh hưởng tới thị trường nội địa mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Việt nam trên thị trường quốc tế. Nhiều nhà sản xuất e ngại đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam vì sợ tình trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam.
Đối với hàng xuất khẩu, hiện tượng “tráng men” hàng nhập khẩu từ một nước thứ ba rồi xuất khẩu dưới danh nghĩa ‘Made in Vietnam’ để hưởng ưu đãi thuế không phải là ít. Dung túng cho việc này, Việt Nam đứng trước rủi ro bị điều tra, áp thuế chống phá giá, gây thiệt hại lớn cho hoạt động xuất khẩu về lâu dài.
>> Bộ Công Thương yêu cầu kiểm tra nguồn gốc ‘Made in China’ của khăn lụa Khaisilk
Số liệu thống kê của Cục Quản lý Thị trường – Bộ Công Thương cho biết, chỉ trong quý I/2017, có hơn 30.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xử phạt vi phạm hành chính hơn 90 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là trên 1000 tỷ đồng. Con số này là quá nhỏ bé so với thực trạng.
Vậy nên, với vụ việc Khaisilk được đưa ra xử lý, người dân kỳ vọng Bộ Công thương và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục một chiến dịch tổng thể, toàn diện hơn để trả lại tên ‘Made in Vietnam’ cho hàng Việt đích thực.
Nguyên Hương (t/h)
Xem thêm:
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…