Liên quan đến việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép không gỉ (hay tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Công thương Việt Nam đã có ý kiến phản hồi trên website chính thức vào ngày 7/12 vừa qua.
Dẫn quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO về việc một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nơi mà để tạo ra sản phẩm đó phải qua một quá trình chuyển đổi đáng kể (substantial transformation), Bộ Công thương Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi đề xuất áp thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) lên sản phẩm tôn mạ Việt Nam có nguyên liệu gốc từ Trung Quốc.
Theo Bộ Công thương, Việt Nam dù sử dụng nguyên liệu đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc nhưng đã xử lý thành thép cán nguội và sau đó làm thành tôn mạ. Đây là quá trình chuyển đổi đáng kể theo thông lệ nhìn nhận của quốc tế và của chính Hoa Kỳ. Do đó, thành phẩm tôn mạ vẫn được xem là có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo dự kiến, ngày 18/2/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ có thông báo quyết định cuối cùng về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ Công thương Việt Nam cho biết sẽ cùng với Hiệp hội Thép Việt Nam và các bên liên quan tiếp tục phối hợp tìm cách bảo vệ quyền lợi thích đáng cho doanh nghiệp Việt theo các Hiệp định có liên quan của WTO.
>> Mỹ sẽ áp thuế chống phá giá với thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc
Trước đó vào tháng 9/2017, các công ty thép của Hoa Kỳ gồm ArcelorMittal USA, Nucor Corp, AK Steel Holdings Corp và United States Steel Corp đã cáo buộc rằng các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đã bắt đầu chuyển mặt hàng thép sang các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, để xuất khẩu vòng sang Mỹ, sau khi thép Trung Quốc bị chính quyền Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2015.
Theo đó, ngày 5/12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm thép ở trên là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại Mỹ cho hay sau khi Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ năm 2015, các sản phẩm thép cuộn cán nguội từ Việt Nam hàng năm nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh lên tới 295 triệu USD so với chỉ 11 triệu USD trước đó. Cho thấy, có một lượng lớn thép Trung Quốc đang “đội lốt” thép Việt để hưởng chênh lệch thuế.
Trên cơ sở quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc. Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế chống phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc.
Như vậy, mức thuế bị áp có thể lên tới 238% đối với tôn mạ, và 531% đối với thép cuộn cán nguội từ Việt Nam. Các mức thuế cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 16/2/2018.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc.
Chân Hồ
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…