Cùng với việc WHO đánh giá nguy cơ lây truyền biến thể Omicron là “rất cao” vào hôm thứ Hai (29/11), các chuyên gia toàn cầu đang cố gắng tìm ra giải đáp cho 3 câu hỏi then chốt nhất: Tính lây truyền có mạnh hơn không, có nguy hiểm gây chết người hơn không, vắc-xin hiện nay có còn hiệu quả không?
Cuộc họp khẩn tổ chức hôm 29/11 của Hội nghị Bộ trưởng Y tế G7 đã tuyên bố rằng biến thể Omicron có “tính truyền nhiễm cao”, cần có “hành động khẩn cấp”. G7 khen ngợi Nam Phi có “hành động mẫu mực” trong kiểm tra phát hiện virus và nhắc nhở thế giới.
Trong tuyên bố sau cuộc họp khẩn, bộ trưởng y tế các nước G7 nhấn mạnh “ý nghĩa chiến lược của việc đảm bảo tiếp cận vắc-xin“, cam kết tuân thủ các cam kết tài trợ và hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển. Đồng thời cũng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp mới vào tháng 12, và hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với WHO cùng các đối tác quốc tế để chia sẻ thông tin về Omicron.
Tuy nhiên, hôm 27/11, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra tuyên bố vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác hay không, và cũng chưa biết liệu nó có gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hay không.
Theo số liệu của Nam Phi mà WHO trích dẫn cho thấy, tỷ lệ nhập viện ở đó đang tăng lên. Trong những tuần gần đây, có hơn 200 trường hợp mới được xác nhận mỗi ngày ở Nam Phi, nhưng vào thứ Bảy tuần trước (ngày 27/11), con số này bất ngờ tăng lên hơn 3.200 ca, hầu hết xảy ra ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của Cộng hòa Nam Phi. Ông Tulio de Oliveira, một nhà virus học tại nước này cho biết, 90% bệnh nhân ở Gauteng là trường hợp nhiễm biến thể Omicron.
Chủng virus biến thể mới có khoảng 30 đột biến trong protein gai, đây là mắt xích quan trọng quyết định mức độ khó – dễ để virus lây truyền sang người.
Bà Sharon Peacock, người đứng đầu giải trình tự gen COVID-19 tại Đại học Cambridge (Anh), nói rằng dữ liệu đến nay cho thấy biến thể mới này “có tính lây truyền mạnh hơn” và con người “vẫn chưa biết” về tác hại nghiêm trọng của nhiều đột biến gen.
Mặc dù cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Omicron sẽ gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng hơn, nhưng ông Lawrence Young, nhà virus học tại Đại học Warwick (Anh), đã mô tả Omicron là “loại virus biến thể nghiêm trọng nhất mà chúng tôi từng thấy”, bao gồm cả những thay đổi đáng lo ngại có thể có của nó.
Bà Peacock nói rằng vẫn chưa rõ ràng rằng Omicron sẽ thay thế virus Delta hay không: “Chúng tôi không biết liệu biến thể mới có giành được chỗ đứng trong khu vực có Delta hay không. Biến thể mới này biểu hiện như thế nào khi các biến thể khác tràn lan, đây là điều mà hiện vẫn chưa có kết luận.” Hiện tại, Delta là biến thể virus COVID-19 chính, chiếm hơn 99% trình tự gen được đưa vào cơ sở dữ liệu công cộng toàn cầu.
Virus viêm phổi Vũ Hán sẽ biến đổi cùng với sự lây lan của nó, nhưng nhiều biến thể mới thường biến mất. Bà Peacock nói rằng một số virus lưu trú trong những người có hệ thống miễn dịch suy yếu và có cơ hội tiến hành các đột biến gen.
Theo hãng tin ANSA của Ý, nhóm nghiên cứu tại Đại học Bambino Gesu đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra hình ảnh minh họa đầu tiên, trong đó so sánh các đột biến của biến thể mới Omicron (chủng được xem là nguy hiểm nhất hiện nay) với đột biến của biến thể Delta. Các nhà nghiên cứu cho rằng Omicron có số lượng đột biến cao hơn nhưng chưa chắc đã nguy hiểm hơn Delta.
Liệu Omicron có thể trốn tránh sự bảo vệ của vắc-xin? Những người đã mắc bệnh liệu có thể tránh khỏi biến chủng này không? Về các vấn đề này, WHO cho biết họ hy vọng sẽ có thêm dữ liệu trong những tuần tới.
Biến thể Omicron tập trung các đặc trưng đột biến của nhiều biến thể trước đó như Alpha, Gamma và Lambda, nhiều protein gai đột biến sẽ ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và lây lan của virus. Do đó, một số chuyên gia lo ngại rằng Omicron có thể tránh được vắc-xin và hệ thống miễn dịch của cơ thể con người.
Tuy nhiên ông Peter Openshaw, giáo sư y học thực nghiệm tại trường Cao đẳng Hoàng gia London, nói rằng vắc-xin hiện tại có hiệu quả chống lại nhiều biến thể của virus, vì vậy “rất khó xảy ra” mất hiệu quả. Vì phần lớn thông tin về biến thể Omicron vẫn chưa rõ, các quan chức y tế ở nhiều quốc gia có xu hướng cho rằng tiêm chủng và tiêm liều tăng cường vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất hiện có.
Ngược lại, một số chuyên gia cho rằng sự thay đổi gen quy mô lớn của Omicron là đáng lo ngại, điều này có nghĩa là các nhà sản xuất vắc-xin có thể buộc phải điều chỉnh sản phẩm của họ.
Trên thực tế, kể từ khi thông tin về các biến thể mới được đưa ra vào thứ Năm tuần trước (ngày 25/11), một số công ty vắc-xin lớn như Pfizer và Moderna đã bắt đầu nghiên cứu và điều chỉnh các loại vắc-xin hiện tại. Pfizer nói rằng nếu cần thiết, thì một phiên bản vắc-xin mới có thể được chuẩn bị trong vòng 100 ngày.
Bloomberg đưa tin, các nhà sản xuất thuốc đã chuẩn bị cho các biến thể mới trong vài tháng qua, cả Pfizer và Moderna đều sử dụng công nghệ mRNA để rút ngắn thời gian có vắc-xin mới chỉ còn vài tháng. Trong khi Johnson & Johnson sử dụng công nghệ “vector virus”. Công ty này cũng đang phát triển một loại vắc-xin cho các biến thể mới. Một nhà sản xuất vắc-xin khác là AstraZeneca cho biết hôm thứ Sáu rằng họ cũng đang nghiên cứu các biến thể mới.
Omicron đã gây ra một làn sóng hạn chế đi lại trên khắp thế giới. Ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại ở Nam Phi. Nhiều quốc gia cũng áp dụng các biện pháp đi lại chặt chẽ hơn. Israel và Nhật Bản đã “đóng cửa” không cho người nước ngoài nhập cảnh.
Hôm thứ Hai (ngày 28/11), Mỹ đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với các chuyến bay từ Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Cho đến nay, chưa có trường hợp lây nhiễm biến thể mới nào được xác nhận tại Mỹ, nhưng biến thể mới đã được phát hiện tại biên giới Canada, các chuyên gia cho rằng nó có thể sẽ sớm xuất hiện tại Mỹ.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Neil Ferguson cho biết, trước sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm COVID-19 ở Nam Phi gần đây, việc hạn chế đi lại từ khu vực này là “thận trọng” và sẽ kéo thêm thời gian cho các quốc gia khác chuẩn bị ứng phó.
Fox News dẫn lời ông Mark Woolhouse, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, nói rằng việc áp đặt các hạn chế đi lại có thể giúp các quốc gia có thêm thời gian để đẩy nhanh việc tiêm chủng và thực hiện các biện pháp khác, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Các hạn chế đi lại có thể trì hoãn nhưng không ngăn được sự lây lan của một biến thể có khả năng lây truyền cao.”
Tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng việc hạn chế đi lại sẽ chỉ mang lại cho công chúng cảm giác an toàn giả tạo và không nên là phản ứng bản năng đầu tiên của các quan chức công quyền.
Bà Sharon Peacock cho biết bất kỳ quyết định hạn chế đi lại nào đều là quyết định chính trị, không phải là quyết định khoa học.
Trí Đạt (t/h)
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…