Bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) do virus hiếm gặp gây ra hiện đã được xác nhận tại Bắc Mỹ, châu Âu và Israel. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải họp khẩn để tìm nguyên nhân lây lan căn bệnh truyền nhiễm này.
Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Mỹ được xác nhận vào đầu tuần này là một người đàn ông sống tại Massachusetts nhưng gần đây có di trú tới Canada.
Canada đã xác nhận 2 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ và 17 trường hợp khác nghi nhiễm. Bệnh truyền nhiễm hiếm gặp này cũng đã được xác nhận tại Úc.
Nhiều trường hợp nghi nhiễm tại Mỹ đang được giám sát chặt chẽ. Chính phủ Mỹ cũng đã đặt mua hàng triệu liều vắc-xin phòng bệnh đậu mùa. Loại vắc -xin này vào năm 2019 đẫ được giới chức y tế Mỹ phê duyệt có thể ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã ký hợp đồng trị giá 7,5 triệu USD mua các liều thuốc kháng virus bất chấp các nhà khoa học thừa nhận chưa có thuốc đặc trị virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
Tại châu Âu, ít nhất có 8 quốc gia đã xác nhận có bệnh nhân mắc virus bệnh đầu mùa khỉ hiếm gặp.
Cho đến ngày thứ Sáu (20/5), Anh Quốc đã báo cáo 20 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ và nước này cũng đã tuyên bố sự lây lan bệnh dịch này là “khẩn cấp”.
Pháp, Đức và Bỉ cũng đều đã xác nhận có ca bệnh đậu mùa khỉ. Các ca nhiễm virus hiếm gặp này cũng đã xuất hiện tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Ý.
Israel báo cáo trường hợp đầu tiên bị bệnh đậu mùa khỉ là một người đàn ông khoảng 30 tuổi, nhập viện tại Tel Aviv. Người này trước đó đã tới Tây Âu.
Bộ Y tế Israel hôm thứ Năm (19/5) đã xác nhận rằng họ đang tiến hành các biện pháp thận trọng để ứng phó với sự lây lan của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu người dân Israel hồi hương sau khi đi nước ngoài nếu có triệu chứng sốt hoặc nổi mày đay, thì phải báo ngay với bác sĩ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Sáu (20/5) đã phải họp khẩn về chủ đề bệnh đậu mùa khỉ, nhằm tìm ra nguyên nhân gốc rễ khiến căn bệnh này lây lan từ Tây Phi ra nhiều lục địa khác.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì? Bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) được đặt tên theo loài động vật mà nó được phát hiện. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), căn bệnh này đã xuất hiện vào năm 1958 ở những con khỉ được nuôi để nghiên cứu. Hơn một thập kỷ sau, một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trên người đã được xác định ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Hơn 450 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận ở Nigeria kể từ năm 2017, theo CDC. CDC cho biết, nhiễm trùng đậu mùa ở khỉ thường kéo dài từ hai đến bốn tuần và bắt đầu với các triệu chứng giống như bệnh cúm và sưng hạch bạch huyết. Cuối cùng các mụn nước chứa đầy chất lỏng – hay còn gọi là “thủy đậu” – lan rộng trên da. Cơ quan y tế cho biết căn bệnh này có thể lây lan khi tiếp xúc với động vật, người bị nhiễm bệnh và các vật liệu mà người bị nhiễm bệnh sử dụng. Các ví dụ được CDC liệt kê bao gồm tiếp xúc với chất dịch cơ thể, tiếp xúc với vết loét do đậu mùa ở khỉ và lây nhiễm qua “các giọt đường hô hấp” trong một “môi trường gần gũi” chẳng hạn như tiếp xúc trong gia đình. Bệnh đậu mùa khỉ có thể gây chết người, nhưng hai chủng virus chính gây ra những rủi ro khác nhau. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 1/10 người bị nhiễm chủng Congo Basin đã tử vong, trong khi một chủng ở Tây Phi dường như có thể gây tử vong cho khoảng 1/100 người bị nhiễm bệnh. |
Xuân Thành (T/h)
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…