Bệnh nhân thứ 2 có thể đã được “chữa khỏi” HIV hoàn toàn

Một bệnh nhân ở London, Anh có thể đã được chữa khỏi HIV sau khi nhận cấy ghép tủy xương. Cho đến nay chỉ có một trường hợp duy nhất của “bệnh nhân Berlin” đã được xác nhận chữa khỏi HIV sau khi trải qua cấy ghép tủy xương hơn một thập kỷ trước.

Virus HIV trong máu (Ảnh: Shutterstock)

Phương pháp chữa trị này chỉ được dùng như một biện pháp cuối cùng, chỉ dành cho người có HIV và bị ung thư, bởi cấy ghép tủy xương có rủi ro khá lớn. Nhưng giờ đây nó đã thành công lần thứ 2, xác nhận chắc chắn thêm cho trường hợp “bệnh nhân Berlin” và mở ra cánh cửa cho các phương pháp chữa trị mới, theo bác sĩ Ravindra Gupta tại ĐH Cambridge.

Khoảng một năm sau khi “bệnh nhân London” nhận được cấy ghép tủy xương, ông đã được khuyên nên dừng thuốc chống virus. Giờ đây, đã 18 tháng mà virus không có dấu hiệu quay lại. Vẫn còn quá sớm để kết luận chữa trị thành công, nhưng BS. Gupta cho biết có thể kết luận như vậy nếu sau 3-4 năm virus không tái xuất hiện.

BS. Ravindra Gupta (ảnh chụp video)

HIV và tủy xương

HIV lây nhiễm vào các tế bào của hệ miễn dịch, được tạo ra trong tủy xương. Mặc dù trước đây căn bệnh này luôn được xem là án tử, ngày nay người ta có thể uống thuốc chống virus để ngăn HIV phát triển. Thuốc này có thể giúp loại bỏ virus ra khỏi máu và các chất dịch, nhưng vẫn có một lượng nhỏ virus ẩn náu trong các tế bào miễn dịch không hoạt động trong các cơ quan nội tạng như lá lách. Nếu ngưng dùng thuốc, virus trong máu sẽ tăng lên và người đó rốt cuộc sẽ chết.

“Bệnh nhân Berlin” là người Mỹ có tên Timothy Ray Brown, được chữa trị vào năm 2007. Ông được chẩn đoán bệnh ung thư bạch cầu (leukaemia – một loại ung thư trên các tế bào miễn dịch), ông đã được cấy ghép tủy. Quá trình này bao gồm việc giết đi toàn bộ tế bào miễn dịch bằng xạ trị hoặc hóa trị, sau đó thay thế chúng bằng tế bào của người hiến. Các bác sĩ đã chọn một người hiến có khả năng kháng HIV bẩm sinh nhờ một đột biến gen có tên CCR5, vốn chỉ chủ yếu xuất hiện ở một nhóm thiểu số người dân sống ở Tây Âu.

“Bệnh nhân Berlin” – Timothy Ray Brown (ảnh chụp video)

Đề kháng bằng liệu pháp gen

Giờ đây, BS. Gupta và các đồng sự dường như đã thực hiện lại được thành tích này. Bệnh nhân ở London bị bệnh Hodgkin (một loại ung thư hạch, bệnh ung thư máu bắt đầu trong hệ bạch huyết), phát hiện năm 2012. Ông đã được cấy ghép tủy xương từ người hiến có đột biến CCR5.

Quan trọng là trường hợp này không cần phải giết toàn bộ tế bào miễn dịch. Bệnh nhân đã dùng một loại thuốc nhẹ hơn, và không phải trải qua xạ trị như bệnh nhân Berlin.

Khả năng tử vong trong trường hợp bệnh nhân Berlin là 50%, còn trường hợp bệnh nhân London là 10-20%.

Đây là một tin vui, thậm chí Tổng thống Trump cũng đăng Twitter chúc mừng.

BS. Gupta rất lạc quan rằng có thể áp dụng kinh nghiệm này ra cho các trường hợp khác. Vẫn có những yếu tố chưa chắc chắn, nhưng khả năng nhân rộng là rất cao.

Một số nhóm nghiên cứu khác đang cố gắng biến phương pháp này thành thuốc chữa HIV đại trà hơn dưới dạng liệu pháp gen – đưa biến dị CCR5 vào các tế bào miễn dịch của người bệnh. Tuy nhiên, các nỗ lực ban đầu vẫn chưa thành công. Khi ngưng thuốc chống virus thì chúng vẫn tái xuất hiện.

Ví dụ, một trẻ sơ sinh ở Mississippi được phát hiện nhiễm HIV, em đã được cho dùng thuốc chống virus ngay sau khi được sinh ra. Trong 2 năm tiếp theo, không phát hiện thấy virus HIV và em cũng không trải qua phương pháp chữa trị gì, người ta cho rằng em đã khỏi bệnh. Nhưng khi các bác sĩ xem xét năm 2014, rất đáng tiếc khi cô bé 4 tuổi vẫn có virus trong cơ thể.

Trường hợp chỉnh sửa gen người ở Trung Quốc của nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê được báo chí đưa tin rầm rộ đầu năm 2019, chính là đưa biến dị CCR5 nói trên vào thai nhi. Ông Hạ đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về mặt đạo đức và chương trình này hiện đã bị dừng, thậm chí có tin rằng ông có thể sẽ phải đối diện án tử hình.

HIV/AIDS được phát hiện năm 1981 và đã lấy đi sinh mang của khoảng 40 triệu người. Hiện nay có 37 triệu người đang bị nhiễm bệnh. 2 bệnh nhân nói trên có thể mang đến hy vọng về một phương pháp mới đại trà cho “căn bệnh thế kỷ” này.

Theo NewScientist,
Sơn Vũ tổng hợp

Sơn Vũ

Published by
Sơn Vũ

Recent Posts

Kremlin nói đáp trả bằng tên lửa siêu thanh để cảnh báo sự “liều lĩnh” của phương Tây

Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…

2 giờ ago

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

6 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

7 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

8 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

9 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

10 giờ ago