Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile, sau khi tiến hành tiêm chủng vắc-xin Sinovac của Trung Quốc, tỷ lệ lây nhiễm không những giảm đi mà còn tăng lên. Trước khủng hoảng niềm tin của người dân vào vắc-xin nội địa, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, ông Cao Phúc (Gao Fu) đã có dịp hiếm hoi thừa nhận “tỷ lệ bảo vệ của vắc-xin Trung Quốc là thấp”.
Ngày 10/4, tại “Hội nghị quốc gia về vắc-xin và sức khỏe năm 2021” ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, ông Cao Phúc phát biểu: “Chúng ta phải xem xét các cách để giải quyết vấn đề tỷ lệ bảo vệ thấp của các loại vắc-xin hiện có.” Ông Cao không nêu rõ chi tiết về những thay đổi có thể có trong chiến lược, nhưng tại cuộc họp ông đã đề cập đến công nghệ gen axit ribonucleic (mRNA) truyền tin.
Ông Cao nói rằng mọi người nên nghĩ đến lợi ích của vắc-xin mRNA đối với con người và chú ý đến chúng, đừng chỉ vì đã có nhiều loại vắc-xin mà bỏ qua nó.
Tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) của Hồng Kông dẫn lời ông Đào Lê Nạp (Tao Lina), một chuyên gia về vắc-xin ở Thượng Hải cũng tham dự hội nghị, nói rằng ông Cao Phúc chính là đang so sánh vắc-xin bất hoạt với vắc-xin mRNA. Hiện tại, lượng kháng thể của người dân sau khi tiêm vắc-xin nội địa thấp hơn vắc-xin mRNA, hiệu quả vắc-xin cũng thấp hơn vắc-xin mRNA và kết luận rằng vắc-xin bất hoạt của Trung Quốc và vắc-xin vectơ virus adenovirus không hiệu quả bằng vắc-xin mRNA.
Ông cũng nói rằng những người đã tiêm hai liều vắc-xin bất hoạt có thể được khuyến nghị tiêm thêm một liều vắc-xin viêm phổi Vũ Hán khác.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ông Cao Phúc trước đó từng đặt nghi vấn về tính an toàn của vắc-xin mRNA. Tân Hoa Xã dẫn lời ông Cao Phúc vào tháng 12 năm ngoái, nói rằng bởi vì là lần đầu tiên vắc-xin mRNA được tiêm cho người khỏe mạnh, nên ông không thể loại trừ các tác dụng phụ tiêu cực.
Giới chức Trung Quốc đã không trực tiếp đáp lại những bình luận tiêu cực công khai của ông Cao Phúc về vắc-xin nội địa vào ngày 11/4 mới đây. Tuy nhiên, chuyên gia Vương Hoa Khánh (Wang Huaqing) của Trung tâm CDC Trung Quốc, tiết lộ rằng Trung Quốc đang phát triển vắc-xin dựa trên mRNA, hơn nữa “vắc-xin mRNA sản xuất trong nước đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng”. Nhưng ông không đề cập đến thời gian ra mắt vắc-xin.
Ngoài ra, tờ Associated Press (AP) tại Mỹ chỉ ra, điều đáng nói là, mặc dù dữ liệu lâm sàng về vắc-xin của Trung Quốc không đầy đủ và độ an toàn không hoàn toàn đáng tin cậy, nhưng “chính sách ngoại giao vắc-xin” của Trung Quốc đã sớm được triển khai toàn diện và hiện có ít nhất 25 quốc gia đã chính thức thực hiện công tác tiêm chủng vắc-xin Trung Quốc, bao gồm Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Hungary, Brazil và Peru.
Trước đó, truyền thông Peru đưa tin, hai loại vắc-xin của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III tại địa phương có tỷ lệ hiệu quả chỉ là 11,5% và 33%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hiệu quả mà Sinopharm tuyên bố là gần 80%, thậm chí còn thấp hơn ngưỡng 50% mà WHO đặt ra.
Nghiên cứu của Brazil cũng cho thấy tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin Sinovac trong các thử nghiệm tại địa phương chỉ là 50,4%. Ngược lại, vắc-xin Pfizer sử dụng công nghệ mRNA có khả năng bảo vệ tới 97%.
Bất chấp việc Bắc Kinh thúc đẩy “ngoại giao vắc-xin”, ngoại giới phát hiện ra rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không chấp thuận việc sử dụng khẩn cấp bất kỳ loại vắc-xin nào của Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh lại cũng không phê duyệt cho bất kỳ loại vắc-xin nước ngoài nào được sử dụng tại nước này.
Tính đến thời điểm hiện tại, 5 loại vắc-xin nội địa Trung Quốc đã được phê duyệt đưa ra thị trường tại Trung Quốc, trong đó có 3 loại vắc-xin bất hoạt do công ty Sinopharm Trung Sinh Bắc Kinh (Sinopharm Zhongsheng Beijing), công ty Sinopharm Trung Sinh Vũ Hán (Sinopharm Zhongsheng Wuhan ), công ty Khoa Hưng Trung Duy Bắc Kinh (Beijing Kexing Zhongwei, Sinovac Biotech) sản xuất. Ngoài ra còn có vắc-xin vectơ adenovirus type 5 cùng với vắc-xin virus corona mới tái tổ hợp (tế bào CHO) do Công ty CanSino Biologics sản xuất.
Theo thông báo từ Ủy ban Y tế Trung Quốc, tính đến ngày 10/4, nước này đã tiến hành cho tiêm chủng 164 triệu liều vắc-xin viêm phổi Vũ Hán, tăng 28 triệu liều so với một tuần trước. Để đạt được mục tiêu tiêm chủng tổng cộng 1,1 tỷ liều vào cuối tháng 6, Trung Quốc cần tăng tỷ lệ tiêm chủng lên khoảng 80 triệu liều mỗi tuần, gấp khoảng ba lần tỷ lệ hiện tại.
Theo tin tức mới nhất, Hồng y 76 tuổi Celestino Aós của Giáo hội Công giáo ở San Diego, Chile, xác nhận rằng ông được chẩn đoán nhiễm viêm phổi ở Vũ Hán vào ngày 10/4, trong khi đó ông chỉ mới hoàn thành hai liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc vào ngày 11/3. Đáng chú ý, tính đến ngày 11/4, có tổng cộng 16 người ở Hồng Kông đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin, 14 người trong số họ đã được tiêm vắc-xin sinovac.
Lê Tiểu Quỳ, Vision Times
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…