Sức Khỏe

Lời khuyên cho chuyến bay an toàn đối với người mắc bệnh tim

Bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi vào dịp nghỉ lễ nhưng lo lắng về bệnh tim của mình? Hãy thử thực hiện các cách phòng ngừa sau để đảm bảo có chuyến bay an toàn.

Những chuyến bay dài và ngồi lâu kết hợp với áp suất không khí thấp có thể gây thêm căng thẳng cho tim và phổi. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Những chuyến bay dài và ngồi lâu kết hợp với áp suất không khí thấp có thể gây thêm căng thẳng cho tim và phổi. Do vậy, những người mắc bệnh tim cần thận trọng khi di chuyển bằng máy bay. Các chuyên gia khuyên rằng nếu có sự chuẩn bị thích hợp, những người mắc bệnh tim vẫn có thể tận hưởng việc di chuyển bằng đường hàng không.

Tiến sĩ Liu Zhongping, bác sĩ tim mạch ở Đài Loan, đã chia sẻ câu chuyện trên chương trình “Sức khỏe 1+1” của NTD về một đôi vợ chồng cãi nhau tại phòng khám của ông. Người chồng gần đây bị đau tim và phải được chăm sóc đặc biệt. Trước đó khoảng một tháng, anh đã được phẫu thuật van tim và ổn định cho đến nay. Anh muốn trở về quê hương để hồi phục sức khỏe nhưng người vợ Đài Loan của anh phản đối kịch liệt ý tưởng này vì cho rằng bay quá sớm sau ca phẫu thuật tim là rất nguy hiểm. Sau khi đánh giá, tiến sĩ Liu tin rằng người chồng có thể di chuyển an toàn bằng đường hàng không miễn là uống thuốc đều đặn và có sẵn thuốc khẩn cấp.

Tiến sĩ Liu nói: “Quan điểm của các bác sĩ chúng tôi là nếu tình trạng tim ổn định, mọi người nên đi du lịch và đi máy bay. Đừng để bệnh tim hạn chế niềm vui cuộc sống của bạn”.

2 trường hợp cần tránh di chuyển bằng máy bay

Di chuyển bằng máy bay có thể đặt ra nhiều thách thức hơn cho những người mắc bệnh tim. Áp suất không khí giảm hơn 60% ở độ cao so với mực nước biển. Trong khi các cabin được điều áp, nồng độ oxy vẫn thấp hơn khoảng 30% so với trên mặt đất. Những người khỏe mạnh thường có thể thích nghi với điều này bằng cách tăng nhịp tim và nhịp thở, nhưng đối với những người có chức năng tim hoặc phổi yếu hơn, điều này có thể dẫn đến khó thở hoặc tức ngực.

Tiến sĩ Liu khuyên mọi người trong các tình huống sau nên tránh đi máy bay:

  • Trong vòng 10 ngày kể từ khi phẫu thuật tim hoặc phổi: Những bệnh nhân gần đây đã phẫu thuật tim hoặc phổi, chẳng hạn như đặt ống thông động mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu, không nên bay trong vòng 10 ngày đầu tiên. Sau phẫu thuật, khí có thể còn sót lại trong khoang ngực và giãn nở trong môi trường áp suất thấp, gây tràn khí màng phổi (xẹp phổi), tạo áp lực đè ép lên phổi.
  • Trong vòng hai tuần sau cơn đau tim: Những người đã bị đau tim trong hai tuần qua cũng nên tránh đi máy bay. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ xảy ra cơn đau tim thứ hai là cao nhất trong vòng hai tuần và thậm chí còn nguy hiểm hơn lần đầu tiên.

Lời khuyên để đi máy bay an toàn cho những người mắc bệnh tim

Tiến sĩ Liu đưa ra lời khuyên cho những bệnh nhân mắc bệnh tim đang chuẩn bị bay:

  • Chỉ đi du lịch khi ổn định: Tiến sĩ Liu khuyên: “Bạn chỉ nên bay nếu không thấy tức ngực, đau hoặc khó thở. Nếu trái tim của bạn vốn đã căng thẳng, nó sẽ phải làm việc chăm chỉ để bảo vệ bạn và môi trường ít oxy trên máy bay có thể tạo ra gánh nặng quá mức”. Ông cũng khuyến nghị bệnh nhân nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi bay để đảm bảo có đủ sức khỏe cho chuyến đi.
  • Nghỉ ngơi nhiều trước chuyến bay: Tránh tập thể dục vất vả và mất ngủ những đêm trước chuyến bay. Đến sân bay sớm để đảm bảo thoải mái về thời gian. Tâm thái bình tĩnh sẽ giảm nguy cơ căng thẳng cho tim, vì căng thẳng có thể kích thích quá mức hệ thần kinh giao cảm, làm tăng nguy cơ biến chứng tim. Nghiên cứu cho thấy hoạt động giao cảm tăng cao có thể dẫn đến nhịp tim không đều.
  • Uống thuốc đều đặn: Mang theo các loại thuốc thường dùng trong hành lý xách tay và uống theo chỉ định. Tiến sĩ Liu đề nghị mang theo lượng thuốc gấp đôi và tránh để tất cả thuốc trong hành lý ký gửi, vì có thể cần mất thời gian để tìm thuốc hoặc thất lạc hành lý. Uống thuốc huyết áp đặc biệt quan trọng vì đi máy bay có thể làm tăng huyết áp. Người bệnh cũng nên mang theo thuốc cấp cứu điều trị đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, kiểm soát huyết áp trong trường hợp xuất hiện triệu chứng đột ngột. Tiến sĩ Liu chia sẻ rằng ông đã giúp hai hành khách đột ngột cảm thấy khó chịu trên các chuyến bay – một người bị chóng mặt nghiêm trọng và một người khác bị tức ngực nhẹ – và cả hai đều cảm thấy tốt hơn sau khi uống thuốc của mình. Ông nhấn mạnh rằng mặc dù thuốc cấp cứu có thể có sẵn trên máy bay nhưng việc sử dụng thuốc của chính mình thường hiệu quả hơn.
  • Đảm bảo đủ nước và theo dõi chế độ ăn uống: Không khí trên máy bay thường khô, có thể làm cô đặc máu. Tiến sĩ Liu đề nghị uống nước thường xuyên, ngay cả trước khi cảm thấy khát. Ngoài ra, hãy tránh các món ăn nhẹ nhiều muối, nhiều dầu mỡ thường được phục vụ trên các chuyến bay vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Tốt nhất nên tránh uống rượu và caffeine vì cả hai đều có thể kích thích hệ thần kinh và làm tăng huyết áp.
  • Yêu cầu oxy trước: Bệnh nhân suy tim hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể cần bổ sung oxy. Tiến sĩ Liu khuyên nên sắp xếp việc chuẩn bị bình oxy với hãng hàng không trước chuyến bay.
  • Cử động chân thường xuyên để ngăn ngừa cục máu đông: Ngồi lâu có thể làm tăng nguy cơ đông máu, đặc biệt đối với bệnh nhân tim. Thường xuyên cử động chân trong suốt chuyến bay có thể giúp lưu thông máu và giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.

Sự nguy hiểm của cục máu đông

Ngoài cảm giác khó chịu do áp suất không khí trong cabin thấp, việc ngồi lâu còn là nguy cơ đáng kể đối với bệnh nhân tim mạch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch (cục máu đông) tăng gấp đôi sau khi bay hơn bốn giờ. Thời gian bay kéo dài hoặc nhiều chuyến bay trong thời gian ngắn càng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Tiến sĩ Liu giải thích rằng máu tĩnh mạch chảy chậm hơn [động mạch] và sự co bóp của cơ chân giúp máu quay trở lại tim. Trong các chuyến bay, các triệu chứng của cục máu đông tĩnh mạch bao gồm đau, sưng tấy hoặc thậm chí mạch máu nổi lên và bầm tím ở bắp chân, thường là ở một bên. Biến chứng nguy hiểm nhất xảy ra nếu cục máu đông di chuyển đến động mạch phổi, gây tắc mạch phổi và khó thở. Ông nhấn mạnh: “Đây là mối nguy hiểm nghiêm trọng trong các chuyến bay”.

Đối với những người béo phì, lớn tuổi hoặc có tiền sử gia đình bị đông máu, việc di chuyển đường dài cần hết sức thận trọng. Tiến sĩ Liu đề nghị như sau:

  • Di chuyển cách mỗi giờ: Hãy đứng dậy và đi bộ xung quanh mỗi giờ trong các chuyến bay dài để thúc đẩy quá trình lưu thông.
  • Nâng cao và di chuyển chân khi ngồi: Khi ngồi, hãy cố gắng nâng cao chân và di chuyển chúng qua lại để tăng lưu thông máu.
  • Mang tất nén: Mang tất nén giúp cải thiện sự hồi lưu của máu tĩnh mạch. Nếu không có tất nén, hãy mang tất thể thao dày hơn, dài hơn, miễn là chúng che được bắp chân, lý tưởng nhất là tất dài đến ngay phía trên bắp chân và gần đầu gối.

Phơi nắng có thể giúp điều chỉnh chứng lệch múi giờ

Ngoài ra, việc lệch múi giờ ảnh hưởng đến huyết áp của bệnh nhân bị bệnh tim và gây ra sự gián đoạn trong hệ thống thần kinh tự chủ. Điều này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm tăng nguy cơ đau tim khi di chuyển đường dài. Tiến sĩ Liu đề nghị uống nhiều nước, tắm nắng vào ban ngày và tránh ánh sáng mạnh vào ban đêm để thúc đẩy sản xuất melatonin, có thể hỗ trợ giấc ngủ. Ông khuyên không nên dùng rượu để đối phó với chứng mất ngủ vì có thể gây tác dụng ngược. Uống bổ sung melatonin cũng có thể giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học bên trong cơ thể, nhưng những người mắc bệnh tim nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng.

Tiến sĩ Liu nhấn mạnh rằng bệnh nhân mắc bệnh tim không nên hạn chế quá mức việc tận hưởng cuộc sống. Ông khuyến khích bệnh nhân, khi đã hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, hãy mạo hiểm và tận hưởng cuộc sống miễn là rủi ro không quá cao.

Teresa Zhang

Published by
Teresa Zhang

Recent Posts

Putin xin lỗi về tai nạn máy bay hành khách khi giao tranh với Ukraine

Tổng thống Nga xin lỗi Azerbaijan vì tai nạn máy bay bi thảm xảy ra…

1 giờ ago

Mỹ sắp công bố gói viện trợ quân sự trị giá hơn 1 tỷ USD cho Ukraine

Mỹ sắp công bố gói viện trợ quân sự trị giá 1,25 tỷ USD cho…

6 giờ ago

Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ nếu phía Washington mở lời

Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố hôm 26/12 rằng Nga sẵn sàng hợp tác với…

6 giờ ago

Đồng Nai: Một thanh niên 26 tuổi tử vong do mắc sởi

Đồng Nai vừa ghi nhận thêm một ca tử vong do bệnh sởi là nam…

9 giờ ago

Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá với tháp điện gió Trung Quốc

Mức thuế chống bán phá giá là 97%, trong vòng 5 năm, áp dụng đối…

12 giờ ago

Đường dây lấy cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng

Đường dây tội phạm lợi dụng một số người dân thiếu hiểu biết, điều kiện…

13 giờ ago