(Ảnh: Tom Wang/ Shutterstock)
Nghiên cứu mới cho thấy ông bà cha mẹ có thể truyền lại những phẩm chất giúp con cháu mình tránh khỏi cảm giác cô đơn trong một thế giới ngày càng rời rạc và thiếu kết nối.
Không phải chỉ có những món đồ gia truyền quý giá hay đặc điểm ngoại hình là được lưu truyền qua các thế hệ.
Một nghiên cứu kéo dài 25 năm được công bố vào năm 2024, đã theo dõi các gia đình qua 3 thế hệ và phát hiện ra rằng, sự đồng cảm là một phẩm chất bền vững theo thời gian và các mối quan hệ. “Bản thiết kế đồng cảm” mà chúng ta nhận được từ cha mẹ sẽ tiếp tục được truyền lại, định hình cách chúng ta gắn bó với bạn bè và sau này là cách chúng ta nuôi dạy con cái.
Giữa vô vàn phương pháp nuôi dạy con cái, sự đồng cảm có thể chính là bí mật thầm lặng hiệu quả nhất của việc nuôi dạy con cái. Sự đồng cảm giúp cả trẻ em lẫn cha mẹ có được góc nhìn đa chiều, cảm nhận được cảm xúc của người khác và xây dựng những mối quan hệ lâu dài, ý nghĩa, mang tính sẻ chia trong suốt cuộc đời. Những công trình nghiên cứu như trong cuốn sách “Unselfie” của Michele Borba cho thấy sự đồng cảm nuôi dưỡng lòng vị tha, sự tha thứ, tinh thần quảng đại và dũng khí đạo đức đồng thời là yếu tố dự báo cho hạnh phúc, thành công, sức khỏe và sự viên mãn trong tương lai.
Nghiên cứu kéo dài suốt 1/4 thế kỷ, được công bố trên Child Development (Tập san Sự phát triển của trẻ nhỏ), đã chứng minh rằng, sự đồng cảm của người mẹ dành cho những đứa con 13 tuổi của họ có thể dự đoán được mức độ đồng cảm mà các thiếu niên này dành cho những người bạn thân trong giai đoạn tuổi vị thành niên – từ 13 đến 19 tuổi. Sau này, những thiếu niên ấy sẽ trở thành những bậc cha mẹ giàu lòng thấu cảm và thế hệ tiếp theo có khả năng cũng sẽ như vậy.
Trong khi nhiều nghiên cứu trước đây đã tìm ra mối quan hệ giữa sự đồng cảm của cha mẹ và con cái tại một thời điểm nhất định, thì đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy cách nuôi dạy con cái bằng sự đồng cảm có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, ảnh hưởng đến ít nhất 3 thế hệ – kéo dài cho đến tận đời cháu.
“Những bậc cha mẹ tốt sẽ dạy cho con những kỹ năng sống quan trọng và sự đồng cảm, đặc biệt là khả năng ‘đọc vị’ người khác một cách chính xác. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất”, ông William Ickes, nhà tâm lý học xã hội và nhân cách và là giáo sư tâm lý học danh dự chia sẻ với tờ The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn.
Sự đồng cảm là một kỹ năng quan trọng bởi nó nuôi dưỡng cho những kết nối xã hội đầy ý nghĩa, có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những trẻ mẫu giáo được nuôi dạy bởi cha mẹ giàu lòng đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc có mức cortisol (hormone căng thẳng) thấp hơn gần 1/3 so với những đứa trẻ cùng độ tuổi được nuôi dạy bởi cha mẹ kém đồng cảm hơn.
Mức cortisol tăng cao có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm suy giảm miễn dịch và khả năng thích nghi xã hội kém. Ngoài ra, nghiên cứu tương tự cũng phát hiện ra rằng, trẻ em có cha mẹ giàu lòng đồng cảm còn có khả năng điều hòa cảm xúc tốt hơn, ít bị đau đầu hơn, có mức độ lo lắng và trầm cảm thấp hơn.
“Chúng ta đang quên mất rằng, các mối quan hệ gần gũi quan trọng đến mức nào và xã hội hiện nay đang cô đơn ra sao”, nhà tâm lý học giáo dục và là tác giả sách bán chạy nhất Michele Borba chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.
Bằng cách gieo mầm lòng đồng cảm nơi con trẻ, chúng ta không chỉ giúp các em tránh khỏi những hiểm họa của sự cô lập và cô đơn mà còn chuẩn bị hành trang cho các em – và cả thế hệ sau – bước vào đời với nền tảng vững chắc cho sự thành công về mặt tài chính, học tập và khả năng lãnh đạo.
Lòng đồng cảm bắt đầu hình thành từ thời thơ ấu, được nuôi dưỡng qua những tương tác trực tiếp thân mật. Bà Borba chia sẻ: “Những hạt giống của sự đồng cảm được gieo từ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái – nơi đứa trẻ lần đầu học được sự tin tưởng, gắn bó, đồng cảm và yêu thương”.
Thế nhưng, kỷ nguyên số đang làm gián đoạn những tương tác thiết yếu này. Trong một thế giới được điều hướng qua màn hình, những điều kiện nuôi dưỡng lòng đồng cảm đang bị mai một.
“Giờ đây, ta chỉ còn nhìn thấy phần bề mặt của người đối diện”, bà Borba nói, nhấn mạnh về cách mà thế giới số đã làm suy yếu khả năng kết nối sâu sắc giữa con người với nhau. “Chúng ta không còn có thể đọc được cảm xúc của nhau như trước đây nữa”.
“Chủ nghĩa vị kỷ giết chết sự đồng cảm – nền tảng của nhân tính”, bà Borba viết trong cuốn sách “UnSelfie: Vì sao những đứa trẻ giàu lòng thấu cảm lại thành công trong thế giới xoay quanh cái tôi”. Bà cho biết, giới trẻ ngày càng trở nên vị kỷ, thể hiện sự gia tăng các hành vi tàn nhẫn với bạn bè, gian lận trong học tập, khả năng lý luận đạo đức kém và sức khỏe tinh thần suy giảm.
“Sức khỏe của con em chúng ta đang bị đe dọa và sự đồng cảm của chúng cũng vậy. Khi sự lo lắng tăng lên thì sự đồng cảm giảm xuống: thật khó để cảm thông cho người khác khi bạn đang ở trong ‘chế độ sinh tồn’ và đó lại là trạng thái của quá nhiều đứa trẻ hiện nay. Điều này tạo ra một khoảng trống mà người ta gọi là khoảng trống đồng cảm”, bà Borba viết.
Bà Borba cho rằng, 3 hiện tượng xã hội đã góp phần gây ra đại dịch cô đơn và chủ nghĩa vị kỷ trong những thập niên gần đây gồm: nghiện màn hình, coi trọng thành tích bên ngoài hơn tính cách bên trong và sự thiếu vắng những hình mẫu đạo đức đáng noi theo.
Từ đồng cảm bắt nguồn từ tiếng Đức “einfühlung”, có nghĩa là “cảm nhận vào bên trong”. Thông thường từ này được hiểu là khả năng trực giác và hòa nhập vào thế giới nội tâm của người khác, xem cảm xúc của người khác như của chính mình, hay nói cách khác là “đặt mình vào vị trí của người khác”. Đây là một yếu tố quan trọng của trí tuệ cảm xúc.
Nhà triết học thời Khai sáng David Hume từng viết, “Tâm trí của con người là tấm gương phản chiếu lẫn nhau”. Hơn 250 năm sau, vào những năm 1990, nhận định mang tính định tính ấy của Hume đã được lượng hóa bằng các nghiên cứu có tính đột phá về tế bào thần kinh phản chiếu – là những tế bào đặc biệt trong não sẽ hoạt động khi ta thực hiện một hành động và cũng hoạt động khi chỉ quan sát người khác thực hiện hành động đó.
Còn được gọi là các tế bào thần kinh kiểu “khỉ thấy, khỉ làm”, một nghiên cứu năm 2022 đã phát hiện ra rằng, các tế bào thần kinh kích hoạt khi bị chạm vào cũng sẽ tự động sáng lên khi nhìn thấy người khác bị chạm. Chính vì thế, nhiều người cũng cảm thấy “đau giùm” khi thấy bạn cùng lớp bối rối trong một bài thuyết trình chưa được chuẩn bị kỹ hay theo phản xạ nhăn mặt khi thấy bạn mình ngã mạnh trên sân bóng. Tất cả những phản ứng này diễn ra một cách vô thức.
Khoa học thần kinh đã xác định có 2 dạng đồng cảm, được hỗ trợ bởi 2 mạng lưới thần kinh khác nhau trong não:
Nuôi dạy con bằng sự thấu cảm đòi hỏi phải kết hợp cả 2 dạng đồng cảm. Đồng cảm về mặt cảm xúc giúp cha mẹ cảm nhận và phản ứng với nỗi đau của con như thể chính họ cũng đang trải qua cảm giác đó. Trong khi đó, đồng cảm về mặt nhận thức cho phép cha mẹ suy đoán được suy nghĩ của trẻ, linh hoạt giải mã được những tín hiệu không lời và từ đó đưa ra các phản ứng chăm sóc phù hợp.
Một biểu hiện cụ thể của sự đồng cảm trong đời sống hàng ngày là khả năng đọc tâm trạng của người khác hoặc cố gắng hiểu suy nghĩ và cảm xúc của người đối diện. Ví dụ, nếu một người bạn bỗng trở nên im lặng khác thường trong bữa trưa, bạn có thể đoán rằng họ đang lo lắng về kỳ thi sắp tới. Giáo sư Ickes là người đã nghiên cứu hiện tượng này trong hơn 20 năm và đã góp phần định hình khái niệm của sự đồng cảm. Ông cho biết độ chính xác trong đồng cảm về cơ bản chính là mức độ thành công trong những lần cố gắng hiểu cảm xúc và suy nghĩ của người khác trong đời thường.
“Đồng cảm chính xác là một yếu tố cốt lõi mà thực ra có lẽ là yếu tố then chốt nhất của trí tuệ cảm xúc”, Giáo sư cho biết. Trí tuệ cảm xúc có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt trong cuộc sống, từ thành tích học tập, khả năng lãnh đạo cho đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Trong nhiều thập niên, các nghiên cứu về sự đồng cảm của cha mẹ trong nuôi dạy con và sự gắn bó an toàn giữa cha mẹ và trẻ nhỏ gần như chỉ tập trung vào người mẹ. Tuy nhiên, một phân tích gộp toàn diện gần đây được công bố trên Psychological Bulletin (Tập san Tâm lý học) năm 2024 đã chứng minh rằng, sự nhạy cảm của người cha cũng quan trọng không kém gì sự nhạy cảm của người mẹ trong việc nuôi dưỡng mối gắn bó lành mạnh của trẻ. Cụ thể, ở các bà mẹ, sự nhạy cảm có liên quan đến mức cải thiện 26% trong độ bền vững của mối gắn kết với con. Đối với các ông bố, con số này là 21%. Mức chênh lệch chỉ 5% cho thấy cả cha lẫn mẹ đều giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành cảm giác an toàn về mặt cảm xúc của con cái.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng, những người sắp trở thành cha có mức đồng cảm về mặt nhận thức cao thường thể hiện năng lực lý thuyết về tâm trí (tức khả năng hiểu chính xác quan điểm của người khác) tốt hơn, đồng thời hình thành sự gắn bó với em bé hiệu quả hơn sau 6 tháng kể từ khi con chào đời. Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa người cha vào các cuộc thảo luận và nghiên cứu trong tương lai về sự gắn kết và chăm sóc của trẻ em và việc chăm sóc cảm xúc trong gia đình.
Vậy nếu bạn là một đứa trẻ lớn lên trong môi trường thiếu sự thấu cảm từ cha mẹ thì sao? Liệu điều này có đồng nghĩa với một cuộc đời đầy bối rối về mặt cảm xúc và những mối quan hệ lỡ làng ? Không hẳn là như vậy.
“Luôn luôn có hy vọng và hy vọng bắt đầu từ sự nhận thức”, bà Borba chia sẻ.
Theo bà, đồng cảm không phải là một phẩm chất cố định mà là một kỹ năng có thể được vun bồi ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời miễn là chúng ta chịu mở lại cánh cửa trái tim. Bà kể lại câu chuyện về Darren, một cậu bé từng bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng khi còn nhỏ, bị đưa đi đưa lại qua nhiều gia đình nuôi dưỡng và không có bất kỳ sự gắn bó tình cảm an toàn nào. Cậu bé mất niềm tin vào người khác sâu sắc đến mức chỉ một cái chạm nhẹ cũng khiến cậu giật mình.
Trong khoảnh khắc kết nối với Evan – một em bé sơ sinh 6 tháng tuổi rất khó dỗ dành – Darren đã có một bước chuyển hóa sâu sắc trong cách nhìn về bản thân. Khi nhận ra Evan cũng phản ứng nhạy cảm với những tiếp xúc thể chất giống như mình ngày trước, Darren đã nhẹ nhàng xoa dịu và trấn an em bé. Lần đầu tiên, cậu cảm nhận được sức mạnh của việc mang lại sự an ủi và kết nối cảm xúc cho người khác. Chính giây phút đó đã giúp Darren nhìn thấy bản thân mình trong một danh tính mới. Cậu không còn là đứa trẻ bị bỏ rơi mà là người có khả năng yêu thương và kết nối.
Từ đó, bà Borba cho rằng, đồng cảm nên được hiểu như là một động từ – một thứ gì đó chủ động và được thực hành thông qua các thói quen có chủ đích. Việc rèn luyện những thói quen như nhận biết cảm xúc, hiểu quan điểm của người khác, tự điều chỉnh cảm xúc tiêu cực và thực hành lòng tốt giúp chúng ta dần chuyển trọng tâm từ cái “tôi” sang “chúng ta”.
Khi trao Evan về với mẹ, Darren đã hỏi 1 câu khiến người ta phải lặng đi: “Nếu chưa từng được ai yêu thương thì liệu mình có thể trở thành một người cha tốt không nhỉ”? Dĩ nhiên là có thể, bà Borba trả lời.
Và quan trọng hơn hết là: Không bao giờ là quá muộn. “Tất cả những gì bạn phải làm là sẵn sàng mở lòng và cảm nhận. … Thật tuyệt vời khi [Evan] đã trao cho [Darren] một nhận thức mới về bản thân, để [Darren] nhận thấy rằng cậu có thể trở thành người mang yêu thương đến cho người khác. Thật là một điều phi thường. Bạn sẽ hành động theo cách bạn nhìn nhận chính mình”.
“Sự đồng cảm, khi được thực hành thường xuyên, sẽ thay đổi cả cách nhìn nhận chính mình. Bạn bắt đầu thấy mình là một người biết quan tâm… là người kiên cường hơn”, bà Borba nói. Việc biến sự đồng cảm thành một thói quen là một món quà có sức chuyển hóa, nó giúp hình thành một bản sắc mới. Đồng cảm không chỉ khiến cả người cho và người nhận trở nên hạnh phúc và khỏe mạnh hơn mà còn mở rộng ảnh hưởng của nó vượt khỏi khoảnh khắc hiện tại, lan tỏa đến các thế hệ mai sau.
“Sản phẩm cuối cùng của sự đồng cảm không chỉ là sự đồng cảm mà là lòng trắc ẩn để bạn sẵn sàng cho lại. Chúng ta đang sống trong một xã hội thiên về vật chất, nơi mà mọi người chỉ muốn nhận về thay vì cho đi. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy bạn sẽ hạnh phúc hơn khi cho đi chứ không phải khi nhận về”, bà Borba nói.
Chúng ta vẫn thường nghe nhiều về việc sang chấn tâm lý được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì những nghiên cứu như thế này lại soi sáng một hiện tượng ngược lại: Sự kế thừa của lòng đồng cảm là một nguồn nuôi dưỡng tâm lý thiết yếu. Khi chúng ta biết lắng nghe con cái một cách chủ động và nuôi dưỡng khả năng phục hồi cảm xúc của chúng, chúng ta không chỉ định hình tương lai của con mình mà còn đặt nền móng cho di sản cảm xúc của nhiều thế hệ sau.
Đồng cảm không chỉ là thứ tô điểm cảm xúc cho đẹp. Khi chúng ta dạy con mình nhìn thế giới qua lăng kính của người khác, chúng ta đang gieo những hạt giống cho một cuộc đời ý nghĩa, yêu thương và sáng tạo.Bà Borba nói: “Sự đồng cảm giống như một siêu năng lực. Đó là yếu tố then chốt của hạnh phúc và sự an lành mà chúng ta rõ ràng đang bỏ sót”.
Theo Mari Otsu, The Epoch Times
Rác thải nhựa, túi nilon, ngư cụ hỏng, lưới ma... được các tình nguyện viên…
Theo cơ quan khí tượng, từ ngày 23/4, miền Bắc đón không khí lạnh, kết…
Từ ngày 1/5, tỉnh Quảng Ninh áp dụng thu phí với 3 hành trình tham…
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng thủ tướng tương lai…
Hoa Kỳ để ngỏ khả năng công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga như…
Ngay sau khi ông Tập Cận Bình vừa đi thăm một số nước Đông Nam…