Tổng thống Donald Trump và các chuyên gia theo quan điểm bảo thủ đã cảnh báo nhiều tháng trong chiến dịch tranh cử 2020 rằng phía sau ứng viên trung hữu Joe Biden khi đó, là nhóm lưỡng đảng đặt ra nghị trình cánh tả cấp tiến để chuyển đổi nước Mỹ. Với chỉ chưa đầy 100 ngày cầm quyền, ông Biden đã chứng minh nhận định của ông Trump và phe bảo thủ là đúng. Ông Biden cũng đang nhận được tán dương từ những nhà quan sát cánh tả. Họ so sánh tổng thống Mỹ thứ 46 với cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt.
Dự luật cứu trợ COVID 1,9 nghìn tỷ USD, được soạn thảo theo các điểm đề xuất chính của ông Biden, được cho là làm lu mờ cả kế hoạch New Deal của Tổng thống Franklin D. Roosevelt xét về tổng chi phí lấy từ tiền của người nộp thuế Mỹ. Đảng Dân chủ đã nhồi được dự luật này qua Quốc hội mà không cần sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa, từ đó minh chứng rằng ông Biden là đúng kiểu lãnh đạo theo đảng phái như những gì các nhà phê bình đã từng cảnh báo.
Hai biện pháp chi tiêu cơ sở hạ tầng mà tổng thống Đảng Dân chủ đang đề xuất – Kế hoạch Việc làm Mỹ và Kế hoạch Gia đình Mỹ – sẽ có tổng chi phí ước tính 5,4 nghìn tỷ USD, đồng thời mở ra một làn sóng các chương trình phúc lợi chưa từng thấy kể từ khi ban hành các chương trình chăm sóc sức khỏe (Medicare) và trợ cấp lương thực (food stamps). Tổng chi phí này chia ra là mỗi hộ gia đình gánh 43.000 USD và cao hơn tài sản gộp của tất cả các tỷ phủ Mỹ hiện nay. Đảng Dân chủ có thể thông qua cả hai kế hoạch này mà không cần bất kỳ sự ủng hộ nào của Đảng Cộng hòa bằng việc lần đầu tiên từ trước đến nay sử dụng thủ tục hòa giải (reconciliation process) nhiều hơn một lần trong một năm tài khóa. Với việc dùng thủ tục hòa giải, Đảng Dân chủ sẽ thông qua được các dự luật chi tiêu tại Thượng viện với đa số tối thiểu tán thành, không cần đa số 60 phiếu.
Quy mô tài chính và bản chất cấp tiến của nghị trình này, cộng với việc Đảng Dân chủ đang dự định thông qua nó tại Hạ viện và Thượng viện mà họ chỉ chiếm đa số mong manh, là đang gây sức ép lên hệ thống quản trị của nước Mỹ vốn trước nay đều yêu cầu các biện pháp có thể dẫn tới thay đổi mang tính chuyển tiếp phải được ban hành với sự đồng thuận của lưỡng đảng.
Thượng nghị sĩ Mitt Romney (bang Utah), một người hay phê bình ông Trump và là một trong số ít các nghị sĩ Cộng hòa đang tìm giải pháp lưỡng đảng về kế hoạch chi tiêu cơ sở hạ tầng, viết trên Twitter: “Một Thượng viện chia đôi giữa hai đảng và một Hạ viện Đảng Dân chủ chiếm đa số tối thiểu thì hầu như không được phép ‘một mình chịu hết trách nhiệm’”.
Đảng Dân chủ lập luận rằng việc thúc đẩy thông qua gói cứu trợ COVID mà không có sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa là cần thiết để giúp người dân Mỹ đang phải chiến đấu với những tác động từ đại dịch. Họ nói rằng một số điều khoản của dự luật chi tiêu khổng lồ đó, bao gồm cả mở rộng Obamacare, là lẽ ra phải có từ lâu rồi. Đảng Dân chủ dự đoán rằng chính sách khấu trừ thuế nuôi con mà sẽ xúc tiến thanh toán tiền mặt hàng tháng cho hầu hết các gia đình Mỹ bắt đầu từ tháng Bảy, có thể làm giảm số trẻ em sống trong nghèo khổ xuống một nửa so với hiện nay.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân chủ, bang New York) viết trên Twitter hôm 27/4: “Câu chuyện về 100 ngày đầu tiên [của TT Biden] là về tiền mặt vào tay, ngân phiếu vào túi, và nhìn thấy hy vọng sắp xảy ra đến nơi”.
Trong khi thử nghiệm các giới hạn của hệ thống quản trị Mỹ, ông Biden đã đang dùng mọi ảnh hưởng và quyền tổng thống của mình để ủng hộ chuyển dịch hệ thống quản trị này theo hướng cấp tiến. Ông đã ủng hộ một nỗ lực khó thành công biến D.C thành tiểu bang thứ 51, từ đó trao cho Đảng Dân chủ thêm 2 ghế tại Thượng viện trong một tương lai có thể nhìn thấy trước. Ông đã bày tỏ ủng hộ việc làm suy yếu hoặc loại bỏ hoàn toàn thủ tục lập pháp filibuster. Ông đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu cải cách Tối cao Pháp viện trùng với thời điểm các đồng đảng tại Quốc hội giới thiệu một dự luật để mở rộng số lượng thẩm phán trong tòa án tối cao từ 9 lên 13. Ông cũng nói sẽ ký dự luật H.R.1, một luật cải cách bầu cử quy mô lớn sẽ hợp thức hóa bỏ phiếu qua thư diện rộng mãi mãi, cùng nhiều điều khoản khác.
“Mr. Biden biết nghị trình của ông là rất cấp tiến, rất cực đoan, [ông biết] rằng ông không thể hy vọng thông qua nghị trình này và giữ nó hoàn toàn nguyên vẹn nếu trước tiên không thay đổi các nguyên tắc cơ bản của trò chơi chính trị. Bởi vậy, ông ta đang xúc tiến tất cả các mặt trận chỉ để làm điều đó”, Jenny Beth Martin, đồng sáng lập và điều phối viên toàn quốc của Tea Party Patriots (Những người Yêu nước Đảng Trà), đã viết trong một bài bình luận.
Đối với Đảng Dân chủ, làn sóng thay đổi hiện nay là đúng những thứ họ cần. Cựu Tổng thống Bill Clinton đã gọi hiệu quả làm việc của ông Biden cho đến nay là “gần như hoàn hảo” trong cả lời nói và hành động.
Ông Clinton nói với tờ Deadline: “Nếu chúng ta có thể làm ra được những kết quả tích cực, vượt qua được những sự chia rẽ này bằng cách nâng mọi người lên, cho mọi người cơ hội, thì chúng ta có cơ hội để thay đổi về mặt tâm lý”.
Trong khi mở rộng một làn sóng thay đổi xã hội bằng luật pháp, ông Biden đã ký vô tội vạ hàng loạt các sắc lệnh và hoạt động hành pháp mang tính chuyển đổi mô hình quản trị về nhiều vấn đề từ đào tạo lý thuyết chủng tộc phê phán cho các viên chức liên bang đến việc tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Một vài trong số những những vấn đề của hơn 60 hành động hành pháp trong 100 ngày đầu ông Biden tại nhiệm là đảo ngược và thu hồi các lệnh hành pháp thời ông Trump, và giới thiệu tư tưởng “công bằng” gần như chủ nghĩa Marx vào hầu hết mọi khía cạnh của các hoạt động chính phủ.
“Thúc đẩy Bình đẳng Chủng tộc và Ủng hộ các Cộng đồng Khó khăn Thông qua Chính phủ Liên bang”, tiêu đề của sắc lệnh trước nhất này của ông Biden đã có ảnh hưởng lớn đến nhiều sắc lệnh và hành động hành pháp tiếp sau của ông.
“Tôi muốn thay đổi mô hình quản trị này. Chúng ta bắt đầu trao công việc, không chỉ trao tài sản. Tôi muốn thay đổi mô hình quản trị này”, ông Biden nói trong cuộc họp báo cá nhân đầu tiên của ông sau hơn 60 ngày tại nhiệm.
Những gì một vị tổng thống nói đôi khi mang đến hậu quả giống như ông ta làm. Trong 100 ngày mang tính biểu tượng của Biden, hậu quả của lời nói tương đương hành động đã được minh chứng qua những bình luận của ông Biden về phiên xét xử Dereck Chauvin, cự sĩ quan cảnh sát đã bị kết tội giết George Floyd tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Ông Biden đã lên tiếng ủng hộ kết tội Chauvin trước khi bồi thẩm đoàn đưa ra lời tuyên án và sau khi quyết định của bồi thẩm đoàn được loan báo, ông Biden đã buộc tội chính nước Mỹ là tội đồ “phân biệt chủng tộc có hệ thống”.
Mặc dù nội các của ông không thừa nhận, nhưng ông Biden thực sự đã được thừa hưởng một chương trình sản xuất và phân phối vắc-xin thành công từ ông Trump. Điều này có nghĩa rằng lời hứa chiến dịch của ông Biden về việc tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 100 triệu người Mỹ trong vòng 100 ngày đầu tiên tại nhiệm của ông là đã trên đà được hoàn thành ngay từ trước khi ông bước vào Nhà Trắng hôm 20/1. Sau nhiều lần lảng tránh các câu hỏi về tăng mục tiêu tới một con số tham vọng hơn, ông Biden đã tăng gấp đôi mục tiêu tiêm chủng lên 200 triệu. Chính quyền của ông hiện giờ đang trên đà đạt được mức tăng gấp ba mục tiêu ban đầu vào ngày 29/4 – ngày đánh dấu 100 ngày đầu tiên ông Biden làm chủ Nhà Trắng.
Điểm nhấn hữu hình đó hiện bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng tại biên giới phía Nam. Một số chuyên gia nói rằng cuộc khủng hoảng biên giới hiện nay đã bị kích hoạt bởi việc ông Biden thu hồi các chính sách nhập cư của chính quyền Trump. Những người nhập cư bất hợp pháp đang vượt biên với số lượng lớn chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua, buộc các nhà chức trách nhập cư Mỹ phải nhồi nhét quá tải trẻ vị thành niên di cư bị bắt vào các khu tạm giữ gần biên giới. Sau nhiều tuần né tránh, đầu tháng này ông Biden cuối cùng đã gọi tình hình ở biên giới phía Nam là một cuộc khủng hoảng.
Nhà Trắng đã ra dấu hiệu rằng họ có ý định giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới bằng việc đầu tư vào các quốc gia mà từ đó di dân trốn chạy tới Mỹ. Nhưng trong vài thập kỷ qua, Mỹ đã chi hàng tỷ USD tiền trợ cấp nước ngoài cho các quốc gia nêu trên.
Tỷ lệ tán thành ông Biden đã đang biến động trong khoảng nửa cuối 40 điểm phần trăm đến nửa đầu 50 điểm phần trăm trong ba tháng đầu ông tại nhiệm, theo các khảo sát dân ý hàng ngày của Rasmussen.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát đó có thể được đóng góp không nhỏ từ truyền thông. Nghiên cứu gần đây của Trung Tâm Nghiên cứu Truyền thông cho thấy rằng các bản tin tối về ông Biden có 59% tin tích cực trong 3 tháng đầu ông tại nhiệm, so với chỉ 11% tin tích cực mà truyền thông đưa vào khoảng thời gian tương tự trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Đức Thiện (biên dịch theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…