Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ tháng 1/2017, ông Trump đã đạt được nhiều thành tựu cả trong và ngoài nước, một trong số đó là giải cứu thành công 17 công dân Mỹ bị chính quyền nước ngoài giam giữ.
Phát biểu vào tối thứ Bảy 26/5 (giờ Mỹ) trong cuộc tiếp đón Joshua Holt trở về quê nhà sau hai năm bị chính quyền Venezuela bắt giam không qua xét xử, Tổng thống Trump cho hay: “Chúng tôi đã giúp 17 người được thả tự do, và chúng tôi rất tự hào về kỷ lục này. Rất tự hào. Và sẽ còn có những người khác tiếp tục được thả ra”.
Điều đặc biệt hơn nữa, chính phủ Trump đã giải cứu 17 công dân Mỹ mà không cần phải có bất kỳ một sự trao đổi trực tiếp nào, ví như phải thả những phần tử khủng bố hay chi trả hàng triệu USD tiền chuộc…
Dưới đây là thông tin sơ bộ về việc chính phủ Trump can thiệp để chính quyền nước ngoài thả tự do cho 17 công dân Mỹ.
Bà Sabrina De Sousa, người Mỹ gốc Bồ Đào Nha, cựu điệp viên Cục Tình báo Trung Ương Mỹ (CIA), đã bị bắt và giam giữ tại Bồ Đào Nha năm 2015 do bị tòa án nước này kết án vắng mặt tội bắt cóc từ năm 2009. Khi đó, bà De Sousa bị kết án 4 năm tù vì liên quan tới việc bắt cóc giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Osama Mustafa Hassan Nasr, còn được gọi là Abu Omar, tại thành phố Milan, Ý, vào năm 2003. Mặc dù bà De Sousa đã lập luận rằng bà không liên quan tới vụ bắt cóc, nhưng việc kháng cáo thất bại đã khiến bà trở thành quan chức tình báo Mỹ đầu tiên bị ngồi tù vì có vai trò trong “Cuộc chiến chống Khủng bố” của chính phủ George W. Bush.
Nhưng trước khi De Sousa có thể bị dẫn độ sang Ý vào tháng 2/2017 để thụ án, chính phủ Trump đã can thiệp vào vụ việc này, đảm bảo cho cựu điệp viên CIA được ân xá và được thả tự do vào tháng 3/2017.
Trong thời kỳ bất ổn đặc biệt tại Ai Cập, giới chức nước này đã đột kích vào một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ trẻ em đường phố vào năm 2014 và bắt giữ bà Aya Hijazi – người Mỹ gốc Ai Cập, cùng chồng bà và năm nhà hoạt động khác về cáo buộc buôn người, bắt cóc và hiếp dâm.
Không lâu sau khi ông Trump gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi vào tháng 4/2017, một tòa án Ai Cấp đã tuyên bố vợ chồng Aya Hijazi và năm nhà hoạt động bị bắt năm 2014 vô tội. Tổng thống Trump đã điều động một máy bay của chính phủ Mỹ tới thủ đô Cairo, Ai Cập để đón Hijazi và chồng bà, và ông Trump đã trực tiếp đón tiếp hai người tại Nhà Trắng khi họ được trở về nước Mỹ sau thời gian dài chờ đợi.
Trung Quốc đã bắt giam nữ doanh nhân Texas, Sandy Phan-Gillis vào năm 2015 về tội gián điệp và giam giữ bà trong hai năm mà không tiến hành xét xử công khai. Ông Jeff Gillis, chồng bà Sandy Phan đã khẳng định rằng những cáo buộc mà giới chức Trung Quốc đưa ra là “hoàn toàn sai”. Ông Jeff Gillis đã xin chính phủ Obama hành động để đưa vợ ông trở về. Mặc dù, chính phủ Obama đã nhấn mạnh với Bắc Kinh về vấn đề này, nhưng rốt cuộc Trung Quốc vẫn không thả bà Sandy Phan-Gillis.
Sau một cuộc gặp giữa cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson với lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 3/2017 và sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida vào đầu tháng 4/2017, bà Phan-Gillis cuối cùng đã được thả tự do.
Trung Quốc đã kết án bà Phan-Gillis ba năm rưỡi tù giam nhưng đã trục xuất bà trước khi bà có thể chịu đủ thời gian ở tù theo bản án.
Sinh viên Đại học Virginia Otto Warmbier bị bắt giam tại Bắc Hàn vì cáo buộc ăn cắp một tấm áp phích tuyên truyền trong tour du lịch tới quốc gia cộng sản Đông Bắc Á vào tháng 1/2016. Tháng 3/2016, cậu sinh viên trẻ này bị kết án 15 năm lao động khổ sai.
>>Cái chết của Otto Warmbier và ”địa ngục trần gian” tại Bắc Hàn
Thông qua nhiều kênh đàm phán bí mật với Bình Nhưỡng, chính phủ Trump đã đạt được thỏa thuận về việc Bắc Hàn thả tự do cho Warmbier vào tháng 6/2017. Nhưng cuộc trở về quê nhà Cincinnati của sinh viên Otto Warmbier không trọn vẹn, với chấn thương não quá nặng không rõ nguyên nhân, Otto đã qua đời chỉ một tuần sau khi về nước.
Cả Tổng thống Trump và gia đình Warmbier đều cho rằng kết quả có thể đã khác đi nếu chính phủ Mỹ tiền nhiệm hành động nhanh hơn để cứu chàng sinh viên xấu số này.
Cặp vợ chồng người Mỹ gốc Canada Joshua Boyle và Caitlan Coleman đã bị bắt cóc vào năm 2012 trong chuyến du lịch bụi tại Afghanistan và bị mạng lưới phiến quân Haqqani giam giữ trong năm năm. Mạng lưới Haqqani, một nhánh của Taliban, đã yêu cầu trao đổi con tin để thả Joshua Boyle và Caitlan Coleman, nhưng đều nghị này không được chính phủ Mỹ chấp nhận. Đặc biệt, trong thời gian bị giam cầm, Coleman đã sinh ba người con.
Vào tháng 10/2017, chính phủ Trump đã gây áp lực ép Pakistan phải giải cứu gia đình Joshua Boyle và Caitlan Coleman khi phát hiện họ đang bị giam ở gần biên giới Afghanistan và Pakistan. Giới chức Pakistani đã giải cứu thành công toàn bộ gia đình ông Joshua Boyle và cả nhà 5 người được trở về Mỹ vào mùa thu năm ngoái.
Cho tới nay, giới chức Mỹ vẫn có nhiều nghi vấn liên quan tới những người bị phiến quân Haqqani bắt giữ này, đặc biệt là ông Joshua Boyle.
Trong chuyến du đấu của đội bóng rổ UCLA tới Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 11/2017, ba vận động viên LiAngelo Ball, Cody Riley và Jalen Hill đã bị giới chức địa phương bắt giữ và tống giam vì tội ăn cắp kính mắt tại một cửa hàng Louis Vuitton.
Với dạng tội này, ba vận động viên người Mỹ nêu trên được cho là phải đối mặt với án phạt 10 năm tù giam tại Trung Quốc, nhưng Tổng thống Trump đã can thiệp. Trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc của mình, Tổng thống Trump đã đưa vấn đề của ba vận động viên Mỹ vào các cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Tập đã hứa xem xét sự vụ này.
Lãnh đạo Trung Quốc đã đảm bảo với ông Trump về việc ba vận động viên người Mỹ sẽ “được xét xử công bằng và khẩn trương”, và sau đó không lâu, ba vận động viên người Mỹ đã được thả tự do.
“Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Trump và chính phủ Mỹ vì sự giúp đỡ của họ”, LiAngelo Ball nói trong một tuyên bố khi anh được trở về Mỹ. Vận động viên này nói thêm: “Tôi rất biết ơn được trở về nhà, và tôi sẽ không bao giờ phạm sai lầm như thế này nữa. Tôi vô cùng xin lỗi những người tôi đã làm họ thất vọng”.
Ông Kim Dong-chul, doanh nhân và nhà truyền đạo Công giáo, đã bị bắt tại Bắc Hàn năm 2015 với cáo buộc phạm tội gián điệp. Ông Kim đã bị kết án 10 năm lao động khổ sai.
Trong khi, ông Kim Sang-Duk và ông Kim Hak-Song là giáo sư, giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng. Sau đó họ lần lượt bị bắt giam vào tháng 4 và tháng 5/2017 vì những hành vi thù địch không xác định.
>>Bắc Hàn thả toàn bộ con tin Mỹ trước thượng đỉnh Trump-Kim
Chính phủ Trump đã đảm bảo việc thả tự do cho ba tù nhân này trong thời gian Ngoại trưởng Mike Pompeo có chuyến công du thứ hai tới Bắc Hàn vào đầu tháng Năm vừa qua.
Ba công dân Mỹ gốc Triều Tiên này đã được ông Trump chào đón như những người hùng khi họ trở về Mỹ.
Joshua Holt, 26 tuổi người gốc bang Utah và vợ của anh Thamy – người Venezuela, cùng con gái riêng của Thamy, đã quay trở về Mỹ vào tối thứ Bảy 26/5 (giờ Mỹ) trong một cuộc đoàn tụ đầy nước mắt hạnh phúc với cha và mẹ của Joshua Holt.
>>Công dân Mỹ được thả tự do sau hai năm bị Venezuela cầm tù
Joshua Holt bị giới chức Venezuela bắt giam và kết tội gián điệp khi anh này đi du lịch tới Venezuela vào tháng 6/2016 để cưới cô Thamy.
Tổng thống Trump đã thông báo về việc Holt được thả vào sáng thứ Bảy và ông cũng tiếp đón trọng thị cả gia đình Holt tại Nhà Trắng vào buổi tối cùng ngày.
Bài và ảnh Daily Caller
Thanh Long biên dịch
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.