2021: Các bác sĩ đầu ngành lên tiếng mạnh mẽ về tội ác thu hoạch tạng

“Bi kịch thu hoạch nội tạng đã xảy ra dưới bàn tay của Bắc Kinh. Tuy vậy nó đã được đồng lõa bởi sự suy đồi của cộng đồng y học phương Tây, bởi nhiều bác sĩ phương Tây, những người nghĩ rằng họ có thể cưỡi lên con rồng Trung Quốc rồi trở về nhà như thể không có chuyện gì từng xảy ra.”

Nhà báo được đề cử giải Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann đã nói như vậy trong một sự kiện nhân quyền ở Prague vào tháng 3/2019.

Cũng trong dịp ấy, Ethan Gutmann đã nêu lên một thực tế rằng trong khi “tất cả các tờ báo Anh ngữ uy tín của phương Tây đều đã báo cáo về những phát hiện kể trên”, và trong khi “Nghị viện châu Âu và Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua các nghị quyết dứt khoát lên án việc Trung Quốc thu hoạch nội tạng từ nhóm Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, và các thành viên Kitô giáo không đăng ký” thì có hai tổ chức có trách nhiệm của phương Tây lại chối bỏ thực tế này: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cộng đồng Cấy ghép tạng Quốc tế (Transplantation Society).

Ông Ethan Gutmann đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chính nghĩa tẩy chay giới y học Trung Quốc do nước này đã thực hiện tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm trên quy mô lớn.

Vào thời điểm đó, số lượng các bác sĩ đầu ngành có chung quan điểm với Ethan Gutmann và dám lên tiếng thực sự rất ít.

Ethan Gutmann diễn thuyết tại Prague. (Ảnh: ETAC)

Có lẽ bác sĩ đầu ngành đầu tiên lên tiếng về tội ác thu hoạch tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là giáo sư Jacob Lavee, Chủ tịch Ủy Ban cấy ghép tim phổi tại Trung tâm Cấy ghép tạng quốc gia Israel. Năm 2005, vì từng điều trị cho một bệnh nhân Israel cần ghép tim, ông Jacob Lavee đã phát hiện ra sự thực đáng kinh ngạc khi người này có thể lên lịch nhận tim trước 2 tuần tại Trung Quốc.

Thông qua quá trình tìm hiểu và nhận thức được tội ác thu hoạch tạng, ông Jacob Lavee đã trở thành nhân tố chính cho một chiến dịch truyền thông và cộng đồng, tạo nên sự cải tổ căn bản về luật pháp và quy trình đối với hệ thống cấy ghép tạng tại Israel vào năm 2008.

Ông Jacob Lavee. (Ảnh qua Linkedin)

Một gương mặt thứ hai xuất hiện vào thời điểm Ethan Gutmann đưa ra lời kêu gọi là giáo sư Wendy Rogers, người được bình chọn là người dẫn đầu trong lĩnh vực Đạo đức y khoa (Bioethics) của Úc năm 2019. Sau khi xem bộ phim tài liệu Hard to Believe, một bộ phim tài liệu được sản xuất năm 2016 điều tra về cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, bà Wendy Rogers đã bắt đầu tìm hiểu về tội ác thu hoạch tạng.

Bà Wendy Rogers là tác giả của nghiên cứu kêu gọi cộng đồng y học ghép tạng thế giới tẩy chay 400 bài báo khoa học tới từ Trung Quốc. Nghiên cứu này cùng các nỗ lực khác của giáo sư Wendy Rogers đã dẫn đến việc các tạp chí y học phương Tây hủy đăng nghiên cứu ghép tạng tới từ Trung Quốc. Bà trở thành chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC).

Nhờ những đóng góp này, giáo sư Wendy Rogers được trao tặng Giải thưởng Y đức của Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia (NHMRC), được tờ The Australian có lượng lưu hành lớn nhất nước Úc bình chọn là người dẫn đầu trong lĩnh vực Đạo đức y khoa (Bioethics) của Úc vào tháng 10/2019, được tạp chí Nature vinh danh là một trong 10 nhà khoa học có đóng góp quan trọng, và là một trong các gương mặt Y khoa của năm 2019 do tạp chí Medscape bình chọn.

Giáo sư Wendy Rogers thuộc đại học Macquarie, Sydney, Úc – Một trong những người khởi xướng việc tẩy chay nghiên cứu ghép tạng tại Trung Quốc. (Ảnh: Chris Stacey, Đại học Macquarie)

Tuy nhiên xét về chuyên ngành mà nói, cho đến trước 2020, Jacob Lavee có lẽ là giáo sư đầu ngành phẫu thuật hiếm hoi công khai lên tiếng về tội ác thu hoạch tạng.

Mở đầu năm 2021, vào ngày 15/2/2021, giáo sư Martin John Elliott, một chuyên gia đầu ngành phẫu thuật của Vương quốc Anh đã lên tiếng thông qua tạp chí y khoa Health Europa. Giáo sư Martin John Elliott là một chuyên gia phẫu thuật tim, đồng giám đốc y học bệnh viện Đường Great Ormond, giảng dạy phẫu thuật tim cho bệnh nhi tại Đại học London, giám đốc Dịch vụ Quốc gia cho Trẻ em bị Bệnh Khí quản Nặng, giảng sư Vật lý tại Cao đẳng Gresham. Ông là một trong những người hiếm hoi có khả năng tham gia vào việc phẫu thuật tạo hình khí quản kiểu trượt trên thế giới. Giáo sư Elliott có hơn 260 nghiên cứu khoa học đã được bình duyệt, được thỉnh giảng tại hơn 300 khóa học trên toàn thế giới.

Ông Elliott đã kể về việc bản thân được mời làm thành viên trong ban bồi thẩm của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc vào năm 2018. Cùng với 6 chuyên gia cao cấp ở các lĩnh vực khác, giáo sư Elliott đã tuyên bố “chắc chắn đồng thuận không chút hoài nghi” rằng “tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn… bởi các tổ chức và cá nhân do nhà nước tổ chức và cho phép”. Họ cũng tuyên bố chế độ ĐCSTQ đã phạm tội ác chống lại loài người. Nạn nhân chủ yếu là các tù nhân lương tâm, những người bị giam giữ chỉ vì đức tin của họ, bao gồm người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các tín đồ Kitô giáo.

Giáo sư Martin John Elliott thuyết giảng tại Cao đẳng Gresham. (Ảnh: James Franklin Gresham/Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Ngày 26/9/2021, “Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phòng chống và Ngăn chặn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng” đã công bố “Tuyên ngôn Thế giới về Phòng chống và Ngăn chặn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng”, kêu gọi thế giới cùng chung tay ủng hộ việc ngăn chặn tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, cũng như không cho phép một tội ác tương tự được phép xảy ra.

Được biết đây là lần đầu tiên một sự kiện thảo luận về nạn thu hoạch tạng trên phương diện đạo đức y tế và quyền con người được tổ chức trên phạm vi và quy mô như vậy. Hội nghị đã thu hút 60.000 người theo dõi trong phiên khai mạc, và tổng cộng 400.000 người theo dõi trong tất cả các phiên làm việc.

Hội nghị được đồng tổ chức bởi 5 tổ chức phi chính phủ tới từ các quốc gia khác nhau trên thế giới: Tổ chức Bác sĩ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Tạng DAFOH từ Hoa Kỳ; Tổ chức Điều phối các Hiệp hội và Cá nhân vì Tự do Lương tâm CAPFC từ Pháp; Hiệp hội Chăm sóc Quốc tế cho Cấy ghép Tạng TAICOT từ Đài Loan; Hiệp hội Đạo đức Cấy ghép Tạng từ Hàn Quốc; và Hiệp hội Nghiên cứu Du lịch Ghép tạng TTRA từ Nhật Bản.

Đến ngày 24/10/2021, giáo sư Russell Strong, một chuyên gia phẫu thuật gan hàng đầu thế giới, cũng lên tiếng cảnh báo các bệnh viện và trường đại học trên thế giới ngừng đào tạo các bác sĩ phẫu thuật ghép tạng Trung Quốc nói riêng và các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc nói chung, vì họ có thể tham gia vào hoặc tìm cách che giấu tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn.

Giáo sư Russell Strong là một bác sĩ nổi tiếng thế giới chuyên về phẫu thuật gan, cũng là bác sĩ thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên tại Úc vào năm 1985. Ông từng được Nữ hoàng Elizabeth trao Huân chương vinh dự của Anh quốc vào năm 1987, và nhận được Huân chương vinh dự cao quý nhất của Úc vào năm 2001.

Ông Strong đã kêu gọi: “Các bệnh viện và trường đại học nên ngừng tiếp nhận và đào tạo bất kỳ bác sĩ phẫu thuật nào tới từ Trung Quốc, không chỉ là bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tạng mà là bất kỳ bác sĩ phẫu thuật nào, vì họ biết điều gì đang xảy ra và họ đang che đậy chúng.”

Giáo sư Russell Strong. (Ảnh: Research Gate)

Ông Strong cũng bày tỏ thất vọng về cách giới hữu trách phương Tây nói chung đối xử với Trung Quốc trước tội ác thu hoạch tạng: “Tất cả đều liên quan đến tiền. Đó là tiền thay vì nhân quyền. Việc vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc là một điều kỳ lạ.” “Đã đến lúc chúng ta, những người Úc, phải thức tỉnh và ngừng quỳ lạy Trung Quốc.”

Đến tháng 11, tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật Wayne Shih-wei Huang, giám đốc viện nghiên cứu IRCAD Đài Loan – trung tâm huấn luyện phẫu thuật uy tín bậc nhất châu Á, cũng đã lên tiếng về vấn đề thu hoạch tạng trong bối cảnh một số tỉnh và thành phố tại Trung Quốc đã công bố chỉ dẫn giá cơ quan nội tạng dùng cho cấy ghép như gan, thận và tim, thuận theo một thông tri từ chính quyền Trung ương về quản lý tài chính và chi phí đối với việc cấy ghép nội tạng.

Mặc dù chính quyền địa phương khẳng định chi phí công khai đối với các nội tạng hiến tặng này không phải là giá mà là sự phản ánh chi phí mà các nhà cung cấp dịch vụ y tế phải chịu, bao gồm đánh giá nội tạng, duy trì chức năng, thu thập và kiểm tra, bảo quản và vận chuyển. Tuy nhiên bác sĩ Huang cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng “tẩy trắng” việc lạm dụng cấy ghép tạng bằng cách định giá nội tạng con người.

Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật Wayne Shih-wei Huang, giám đốc viện nghiên cứu IRCAD Đài Loan. (Ảnh: IRCAD América Latina)

Nguyên nhân được ông Huang đưa ra nằm trong chính bảng phí do chính quyền các tỉnh công bố. Theo đó trong bảng phí, một quả tim lại rẻ hơn một quả thận, mặc dù thực tế thì chi phí y tế để phẫu thuật lấy, bảo quản và vận chuyển tim sẽ cao hơn. Hoặc phí nội tạng trẻ con lại rẻ hơn người lớn, mặc dù thực tế thì việc phẫu thuật lấy, bảo quản và vận chuyển nội tạng trẻ con là khó và đắt đỏ hơn so với nội tạng người lớn.

Do đó cùng với tiến sĩ Alex Chih-Yu Chen, giám đốc y tế của hãng dược Novartis, Nhật Bản, bác sĩ Huang cho rằng chi phí đưa ra thực chất phản ánh giá thị trường và nhu cầu đối với các cơ quan nội tạng. Nói cách khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang muốn công khai buôn bán nội tạng người.

Việc các bác sĩ đầu ngành phẫu thuật thế giới đồng loạt lên tiếng về tội ác thu hoạch tạng có thể nói là một bước tiến đáng kể trong việc đưa tội ác này phơi bày toàn bộ ra ánh sáng. Theo ước tính của các nhà hoạt động nhân quyền và các báo cáo điều tra độc lập, ngành công nghiệp cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc thu về khoảng 1 tỷ đô la mỗi năm, với số nạn nhân là 60.000 đến 100.000 người mỗi năm, tờ Daily Mail cho biết.

“Đã đến lúc các chính phủ cần chấp nhận phán quyết và hành động – và cách tốt nhất là cùng nhau hành động để gây áp lực lên Trung Quốc”. “Việc các chính phủ hay cộng đồng y tế bỏ qua điều này là không thể nào chấp nhận được trên trường quốc tế.” Trong phần phỏng vấn đăng tải trên Health Europa, giáo sư Elliott đã nêu lên “trách nhiệm đạo đức” như vậy đối với các chính phủ và cộng đồng y tế thế giới.

Thu hoạch nội tạng là hành vi mổ lấy nội tạng của một người còn sống hoặc đã chết mà không có sự đồng ý từ trước của họ. Tội ác này hiện đang diễn ra trên quy mô lớn tại Trung Quốc, trong hệ thống nhà tù và trại tập trung, nơi chế độ sử dụng tù nhân lương tâm còn sống làm nguồn thu hoạch nội tạng. Tù nhân lương tâm là các tù nhân không vi phạm pháp luật, bị bắt giữ chỉ vì quan điểm chính trị, sắc tộc hoặc tín ngưỡng của bản thân.

Vào tháng 6/2021, hơn 10 đặc phái viên của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đã lên tiếng về việc chế độ Trung Quốc “nhắm mục tiêu vào các nhóm dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo thiểu số bị giam giữ” để cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết họ “vô cùng lo lắng trước các báo cáo về cáo buộc thu hoạch nội tạng nhắm vào các nhóm thiểu số, bao gồm người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô hữu đang bị giam giữ ở Trung Quốc”.

Minh Nhật biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

Minh Nhật

Published by
Minh Nhật

Recent Posts

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

9 phút ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

34 phút ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

1 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

2 giờ ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

2 giờ ago