Tuyên ngôn kêu gọi ngăn chặn tội ác mổ cướp nội tạng liên quan đến ĐCSTQ
- Lý Nguyên
- •
“Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phòng chống và Ngăn chặn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng” đã bế mạc vào ngày 26/9. Ngày cuối của Hội nghị, Ban tổ chức đã công bố “Tuyên ngôn Thế giới về Phòng chống và Ngăn chặn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng”, còn được gọi là “Tuyên ngôn Thế giới về Chống Mổ cướp Nội tạng Sống” (Universal Declaration on Combating and Preventing Force Organ Harvesting). Tuyên ngôn kêu gọi thế giới cùng ký tên ủng hộ việc ngăn chặn tội ác liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) này.
Tại Đại hội Liên Hiệp Quốc trực tuyến vào tháng 9/2021 đã có 5 tổ chức phi chính phủ từ châu Âu, Mỹ và châu Á phối hợp tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phòng chống và Ngăn chặn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng”. Theo đó, từ ngày 17 – 26/9 có 6 cuộc họp trong khuôn khổ hội nghị đã được tổ chức với sự tham dự của 38 chuyên gia từ 19 quốc gia. Thống kê từ ban tổ chức cho thấy có hàng trăm ngàn lượt người theo dõi.
Năm tổ chức phi chính phủ thuộc châu Âu, Mỹ và châu Á, bao gồm Tổ chức Bác sĩ chống nạn thu hoạch nội tạng (DAFOH), Tổ chức Tự do tín ngưỡng CAP (CAP Freedom of Conscience) tại châu Âu, Hội Theo dõi Du lịch cấy ghép nội tạng (TTRA) của Nhật Bản, Hội Đạo đức Cấy ghép Nội tạng (KAEOT) của Hàn Quốc, và Hội Vấn đề nội tạng quốc tế Đài Loan (TAICOT) đã cùng ra “Tuyên ngôn thế giới về Chống mổ cướp nội tạng sống” (sau đây gọi tắt là Tuyên ngôn).
Tổ chức khởi xướng nói rằng Tuyên ngôn này là một trong những văn kiện nghiêm chỉnh nhất của thế kỷ 21, thể hiện quyết tâm ngăn chặn hành vi tàn bạo mổ cướp nội tạng sống độc ác nhất liên quan đến ĐCSTQ. Tuyên ngôn được xây dựng căn cứ vào quyền bất khả xâm phạm, cho thấy nguyên tắc cốt lõi của giá trị phổ quát mà nhân loại dựa vào để tồn tại: bao gồm quyền bất khả xâm phạm về nhân phẩm, quyền sống, thân thể và tự do. Tuyên ngôn cũng đưa ra biện pháp cụ thể ngăn chặn hoạt động mổ cướp nội tạng sống tàn bạo liên quan đến ĐCSTQ, hành vi vi phạm nghiêm trọng sự tồn vong của loài người.
Tổ chức khởi xướng kêu gọi toàn nhân loại đứng lên và ủng hộ Tuyên ngôn với nội dung như sau:
(1) Chiến tranh thế giới thứ hai đã gây ra những tổn thương và mất mát không thể bù đắp được cho nhân loại, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nhiều quy phạm hình sự quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền quốc tế hiện đại, nhằm xử phạt những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo và vô nhân đạo chẳng hạn như tội diệt chủng, tội tra tấn cực hình, và tội chống lại loài người.
Nhưng đến ngày nay, những tội ác nghiêm trọng nhất được ghi trong luật hình sự quốc tế này vẫn đang tiếp diễn. Chúng đã bị che giấu và phớt lờ dưới tác động của quyền lực chính trị và kinh tế của chế độ độc tài, khiến số lượng nạn nhân vẫn tiếp tục gia tăng, mà hoạt động mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ là một trong những tội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trong thế kỷ này.
(2) Trong nhiều năm qua, các báo cáo điều tra và phân tích chuyên gia của các tổ chức quốc tế, các nhóm nhân quyền và nhiều chính phủ khác nhau đã khẳng định “mổ sống và trộm cướp nội tạng người là những hành động tàn bạo liên quan đến chế độ độc tài ĐCSTQ”, “nhóm nạn nhân lớn nhất của tội ác mổ cướp nội tạng sống là thành viên của các nhóm Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục, họ đã trở thành nguồn cung cấp nội tạng chính dưới chính sách đàn áp của ĐCSTQ”.
Năm 2019, “Tòa án Trung Quốc” (China Tribunal) độc lập được thành lập ở London (Anh) cũng đưa ra kết luận tương tự: ở Trung Quốc, hành vi giết hại tù nhân phục vụ cấy ghép nội tạng vẫn tiếp diễn, nạn nhân chính bao gồm các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công; liên quan tội ác chống lại loài người nhắm vào nhóm Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ.
(3) Trong khoảng thời gian 70 năm sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, các công ước quốc tế quan trọng về quyền con người lần lượt ra đời. Trong thế kỷ 20 khi quyền con người, quyền tự do và công lý bị xâm phạm bởi sự tàn khốc của chiến tranh, cộng đồng quốc tế đã có những tuyên ngôn và công ước nhằm củng cố sự đồng thuận của nhân loại nhằm bảo vệ quyền sống và mưu cầu hạnh phúc, đưa vào thực tiễn hoạt động quốc tế.
“Tuyên ngôn thế giới về Chống mổ cướp nội tạng sống” dựa vào tiêu chuẩn cốt lõi của các công ước nhân quyền quốc tế quan trọng nhất về quyền con người trong 70 năm qua, xem đó là nguyên tắc cao nhất để chống lại hành vi tàn ác này. Các công ước này bao gồm: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights, 1948), Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights, 1966), Công ước Chống tra tấn và Các hình thức trừng phạt hay Đối xử tàn ác, Vô nhân đạo hoặc Hạ thấp nhân phẩm (Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment, 1984).
Trong số các công ước này cũng bao gồm Công ước về Bảo vệ Nhân quyền và Phẩm giá Con người liên quan đến Ứng dụng Sinh học và Y học (Convention for the Protection of Human Rights and Dignity of the Human Being with Regard to the Application of Biology and Medicine: Convention on Human Rights and Biomedicine, 1997), và Công ước của Hội đồng châu Âu về Chống buôn bán các bộ phận cơ thể người (Council of Europe Convention against Trafficking in Human Organs, 2015).
(4) Hành động tàn ác mổ cướp nội tạng sống liên quan ĐCSTQ được sử dụng như một phương tiện để xóa bỏ thành viên của các nhóm như Pháp Luân Công và các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ. Đồng thời liên quan đến những lợi ích kinh tế to lớn có được từ hoạt động buôn bán cấy ghép nội tạng, bao gồm buôn bán nội tạng xuyên quốc gia, du lịch cấy ghép tạng và môi giới cấy ghép nội tạng. Vì vậy, để ngăn chặn và phòng chống hành vi tàn ác của hoạt động mổ cướp nội tạng sống, chúng ta phải đồng thời thực hiện ở cấp độ quốc tế và quốc gia.
(5) Ở cấp quốc gia Tuyên ngôn nêu rõ, các quốc gia cần hoàn thiện luật hình sự để trừng trị nghiêm khắc tội ác mổ cướp nội tạng sống, hệ thống tư pháp cần tích cực điều tra và truy tố những hành vi tàn bạo này; hệ thống hành chính không chỉ phải cấm nhập cảnh đối với người tham gia mổ cướp nội tạng sống, còn cần thúc đẩy các biện pháp khác như không đào tạo nhân viên y tế về phương diện hoạt động cấy ghép nội tạng cho phía Trung Quốc và không xuất bản các bài báo học thuật liên quan đến cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.
Đồng thời các quốc gia cũng nên tăng cường nhận thức của cộng đồng về tính bất hợp pháp của hoạt động mổ cướp nội tạng sống. Tuyên ngôn nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế trong việc thu thập, phân tích và trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động mổ cướp nội tạng bất hợp pháp và hợp tác điều tra các hành vi tàn bạo liên quan đến mổ cướp nội tạng sống.
“Tuyên ngôn thế giới về Chống mổ cướp nội tạng sống” hiện có các phiên bản tiếng Anh, Trung Quốc, Đức, Pháp, Nhật, Hàn và Tây Ban Nha (có thể tải xuống từ trang web: https://ud-cp-foh.info).
Cuối cùng, tổ chức khởi xướng kêu gọi tất cả các tổ chức và cá nhân trên thế giới dựa trên lương tâm và phẩm giá của mình cùng ký vào Tuyên ngôn này để ngăn chặn tội ác tàn bạo của ĐCSTQ.
Theo Lý Nguyên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Thu hoạch nội tạng Dòng sự kiện Cưỡng đoạt thu hoạch nội tạng Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng