Theo New York Times đưa tin hôm 20/4, 23 vận động viên bơi lội hàng đầu của Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính doping 7 tháng trước Olympic Tokyo 2021, nhưng các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã ngầm rửa sạch tội danh sử dụng dopping của họ.
Cùng với đó, cơ quan toàn cầu chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng ma túy trong thể thao đã chọn không can thiệp, cho phép họ thoát khỏi sự giám sát của công chúng và tiếp tục thi đấu.
Báo cáo cho biết, nhiều vận động viên có kết quả xét nghiệm dương tính – bao gồm gần một nửa đội bơi lội Trung Quốc cử đến Thế vận hội Tokyo – sau đó đã giành được huy chương, trong đó có 3 huy chương vàng. Nhiều người trong số họ vẫn đang thi đấu cho Trung Quốc, và một số vận động viên, trong đó có vận động viên từng 2 lần đoạt huy chương vàng Trương Vũ Phi (Zhang Yufei), dự kiến sẽ tranh huy chương một lần nữa tại Thế vận hội Mùa hè năm nay ở Paris.
Trung Quốc thừa nhận các kết quả xét nghiệm dương tính trong một báo cáo của cơ quan giám sát chống doping, nói rằng các vận động viên bơi lội đã nuốt phải một lượng nhỏ chất cấm trong tình huống không biết (vô tình nuốt phải), do đó không cần thiết phải áp dụng bất cứ hành động nào đối với họ.
Nhưng một cuộc điều tra của New York Times cho thấy, vụ việc chưa được báo cáo trước đó đã gây chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng chống doping, trong khi thành tích của các vận động viên Trung Quốc luôn là chủ đề nóng trong lĩnh vực chống doping này.
Quan chức Mỹ và các chuyên gia khác nói rằng trước khi tiến hành điều tra thêm, các vận động viên bơi lội đáng lẽ phải bị đình chỉ thi đấu hoặc công khai danh tính. Họ cho rằng các quan chức thể thao Trung Quốc, cơ quan quản lý quốc tế về bơi lội – Liên đoàn Bơi lội Thế giới (World Aquatics), và cơ quan toàn cầu giám sát các chương trình thử nghiệm ma túy của các quốc gia – Cơ quan chống doping, đã không làm được điều này.
Mặc dù các email trao đổi giữa một quan chức chống doping Trung Quốc và một trong những quan chức cấp cao nhất của bơi lội thế giới dường như chỉ ra rằng một hành vi vi phạm có thể đã xảy ra và ít nhất phải được thừa nhận một cách công khai, nhưng các cơ quan chủ quản vẫn quyết định không hành động.
Báo cáo cho biết ngay cả sau khi các quan chức chống doping các nước khác và quốc tế liên tục cung cấp thông tin cho Cơ quan chống doping thế giới (WADA), chỉ ra hành vi che đậy và sử dụng doping của các vận động viên bơi lội Trung Quốc, nhưng cơ quan này vẫn quyết định không quy trách nhiệm cho các vận động viên. Đồng thời còn tuyên bố rằng “thiếu bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào” để nghi ngờ về cách nói của Trung Quốc đối với sự kiện này. WADA bảo vệ quyết định không hành động của mình, nói rằng những lời chỉ trích là vô căn cứ.
Theo nguồn tin quen thuộc với vấn đề này và tài liệu mà New York Times đọc được, năm ngoái FBI đã biết về sự tồn tại của các kết quả xét nghiệm dương tính và lý do Trung Quốc rửa sạch tội danh cho các vận động viên, và cả việc Cơ quan chống doping quốc tế không hành động.
Các nhà điều tra liên bang đã thực hiện các bước trong những tuần gần đây để tìm hiểu thêm về vụ án. Một phát ngôn viên của FBI từ chối bình luận. Bất kỳ cuộc điều tra nào của chính quyền Mỹ sẽ được hỗ trợ bởi một công cụ pháp lý mới mạnh mẽ: Một đạo luật được thông qua vào năm 2020 trao cho Bộ Tư pháp Mỹ quyền truy tố hình sự các nỗ lực nhằm phá hoại các sự kiện thể thao quốc tế thông qua doping, bất kể chúng xảy ra ở đâu.
Trong tuyên bố trả lời câu hỏi của New York Times, Cơ quan chống doping Mỹ chỉ trích Cơ quan chống doping thế giới (WADA) – cơ quan đối ứng toàn cầu của họ – đã không hoàn thành sứ mệnh của mình.
Ông Travis T. Tygart, Giám đốc điều hành Cơ quan chống doping Mỹ, cho biết: “Đây dường như là một cú đâm sau lưng đối với các vận động viên trong sạch, là sự phản bội sâu sắc đối với tất cả các vận động viên thi đấu công bằng và tuân thủ các quy tắc”.
Ông Tygart thừa nhận rằng kể từ năm 2020, ông đã nhiều lần cung cấp cho WADA những cáo buộc về doping đối với giới bơi lội Trung Quốc. “Tất cả những thủ đoạn bẩn thỉu nhằm che đậy những kết quả dương tính này và bịt miệng những người tố giác dũng cảm, đều nên bị truy cứu trách nhiệm trong phạm vi các quy tắc và luật pháp lớn nhất.”
Bài báo cáo này của New York Times dựa trên việc xem xét các tài liệu và email bí mật, bao gồm các báo cáo do Cơ quan chống doping Trung Quốc biên soạn và nộp cho Cơ quan chống doping thế giới, cũng như các cuộc phỏng vấn với những người liên quan đến hoạt động nỗ lực chống doping trên toàn thế giới. Một số cuộc phỏng vấn được thực hiện mà không xác định được nguồn tin vì họ không được phép phát biểu công khai hoặc sợ bị trả thù.
Hãng tin AFP chỉ ra, họ chưa liên hệ được với Cơ quan chống doping Trung Quốc để bình luận về vấn đề này.
AFP đã liên hệ với Liên đoàn bơi lội Trung Quốc để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức.
AFP chỉ ra trong báo cáo của mình rằng đội tuyển bơi lội Trung Quốc có lịch sử sử dụng doping đáng hổ thẹn, đặc biệt là vào những năm 1990. Tại Đại hội thể thao châu Á Hiroshima năm 1994, bảy vận động viên bơi lội Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy. Khi Úc đăng cai Giải vô địch bơi lội thế giới năm 1998, vận động viên bơi lội người Trung Quốc Viên Viên (Yuan Yuan) bị phát hiện mang trái phép một lượng lớn hormone tăng trưởng trong hành lý khi nhập cảnh vào nước này.
Vận động viên bơi lội nổi tiếng của Trung Quốc Tôn Dương (Sun Yang), người từng 3 lần đoạt huy chương vàng Olympic, cũng bị đình chỉ vì xét nghiệm dương tính với ma túy. Anh cũng bị cấm tham gia Thế vận hội Tokyo sau khi đơn kháng cáo của anh bị bác bỏ.
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng, việc bổ sung 600 IU vitamin…
Lịch sử công viên Tao Đàn đã hàng trăm năm bắt đầu từ lúc người…
Ông Matt Gaetz đã trở thành người đầu tiên rút khỏi danh sách thành viên…
Dao cầm đập nát đau lòng phượng - Ðàn vắng Tử Kỳ, đàn với ai?
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu (22/11) đã xác nhận về quyết định…
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ thủ tướng…