Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty Images)
Trong bối cảnh cục diện địa chính trị toàn cầu biến động, cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã âm thầm leo thang thành một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”. Theo bài viết ngày 7/7 của tờ Wall Street Journal (WSJ), lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình lấy sự tan rã của Liên Xô làm bài học cảnh giác, đã dày công lên kế hoạch cho một cuộc chiến trường kỳ. Ông ta mưu đồ dựa vào 4 trụ cột: kinh tế, ngoại giao, quân sự và ổn định nội bộ để làm suy yếu bá quyền Hoa Kỳ, giành thêm thời gian cho sự trỗi dậy của Trung Quốc (dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ).
Nhà bình luận thời sự Chương Thiên Lượng đã phân tích sâu sắc về bố cục chiến lược của ông Tập, làm sáng tỏ dụng ý phía sau và thảo luận về cách Hoa Kỳ nên đối phó với cuộc cạnh tranh toàn cầu âm thầm nhưng ảnh hưởng sâu rộng này.
Bài viết trên Wall Street Journal cho rằng ông Tập Cận Bình đã rút ra bài học sâu sắc từ sự tan rã của Liên Xô, điều này định hình chiến lược đối đầu với Hoa Kỳ của ông ta. Bài viết chỉ ra rằng Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh quá tập trung vào công nghiệp nặng và chạy đua vũ trang, dẫn đến mất cân bằng kinh tế và đời sống nhân dân khốn khổ, từ đó gây nên sự bất mãn xã hội và sự sụp đổ của chính quyền.
Ông Chương Thiên Lượng trong chương trình tự sản xuất Thiên Lượng luận chính đã kể lại rằng một thương nhân mà ông quen biết từng mô tả tình cảnh trước khi Liên Xô tan rã: người dân phải xếp hàng dài chỉ để nhận một miếng bánh mì đen, cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, chính sự sụp đổ kinh tế đã trực tiếp dẫn đến sự tan rã của Liên Xô.
Tập Cận Bình từ đó kết luận: sụp đổ kinh tế là nguyên nhân căn bản khiến chính quyền tan rã. Do đó, ông ta tránh đi lại con đường cũ của Liên Xô, không dồn tài nguyên kinh tế vào công nghiệp nặng hoặc sản xuất vũ khí, mà chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài.
Bài viết cho biết, mục tiêu của ông Tập là thông qua mô hình “lưu thông kép” – tức sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu nội địa, đồng thời xuất khẩu ra thị trường toàn cầu – để đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia hay thị trường đơn lẻ nào.
Ông Chương Thiên Lượng còn chỉ ra rằng Tập Cận Bình cũng rút ra bài học về ngoại giao của Liên Xô. Liên Xô trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh bị phương Tây cô lập, thiếu vắng đồng minh quốc tế hiệu quả. Do đó, ông quyết tâm tránh bị cô lập tương tự, thông qua ngoại giao đa phương và chiến lược địa chính trị để phá thế bao vây của Hoa Kỳ. Chính sự kiên nhẫn chiến lược và linh hoạt chiến thuật này được xem là chìa khóa để đạt trạng thái “giằng co chiến lược”.
Ông Chương Thiên Lượng trong phần bình luận đã tổng kết 4 trụ cột trong chiến lược đối đầu Hoa Kỳ của ông Tập, điều này hoàn toàn trùng khớp với phân tích của Wall Street Journal. Những trụ cột này tạo thành khung cốt lõi trong cạnh tranh dài hạn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ:
Theo WSJ, kinh tế là nền tảng trong chiến lược của Tập. Bài viết cho biết Tập hiểu rõ lợi thế kinh tế bền vững của Hoa Kỳ, vì vậy ông quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng tự chủ nhằm đối phó với các hạn chế thương mại và công nghệ từ Hoa Kỳ. Ông Chương Thiên Lượng nhấn mạnh rằng thất bại của Liên Xô bắt nguồn từ việc quá phụ thuộc vào công nghiệp nặng, còn ông Tập thì tìm cách phát triển nền kinh tế đa dạng, để Trung Quốc có thể sản xuất đầy đủ mọi loại sản phẩm, từ hàng tiêu dùng cơ bản đến công nghệ cao.
Năm 2020, ông Tập đưa ra chiến lược “lưu thông kép”, nhằm thông qua sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu nội địa, đồng thời duy trì xuất khẩu ra thị trường toàn cầu. Mô hình này không chỉ nâng cao khả năng chống chịu của kinh tế Trung Quốc, mà còn khiến các quốc gia khác khó có thể hoàn toàn tách rời khỏi Trung Quốc.
Ví dụ, cuộc chiến thương mại dưới thời chính quyền Trump và chính sách cứng rắn của chính quyền Biden đều không thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế Mỹ – Trung. Ông Chương Thiên Lượng bổ sung: Mô hình “anh trong tôi, tôi trong anh” như vậy khiến việc tách rời hoàn toàn trở nên vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng mang lại thách thức. Chính sách “tự chủ kiểm soát” (làm chủ hoàn toàn về công nghệ, sản xuất, hệ thống… và không bị phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là không để nước ngoài “bóp cổ” hay thao túng trong các lĩnh vực trọng yếu) và “quốc sản thay thế” (thay thế hàng nhập khẩu bằng sản phẩm nội địa) của ông Tập đã dẫn đến chu kỳ giảm phát, các hoạt động của khu vực tư nhân bị hạn chế. Những khó khăn kinh tế này có thể trở thành rủi ro tiềm tàng trong chiến lược của Tập.
Bài viết cho biết, về mặt ngoại giao, mục tiêu của ông Tập là tránh bị cô lập như Liên Xô. Trung Quốc thông qua chiến lược “liên minh đa phương” để thiết lập liên lạc trực tiếp với EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của hệ thống đồng minh do Hoa Kỳ đứng đầu.
Ông Chương Thiên Lượng bổ sung rằng ĐCSTQ tích cực lôi kéo các quốc gia và khu vực vốn nghiêng về phía Hoa Kỳ, đặc biệt là sau khi chính quyền Trump giải tán Cơ quan Viện trợ Đối ngoại Hoa Kỳ (USAID), Trung Quốc nhân cơ hội lấp đầy khoảng trống địa chính trị.
ĐCSTQ cải cách mô hình cho vay trong sáng kiến “Vành đai – Con đường”, cố gắng xóa bỏ hình ảnh “cho vay bóc lột”, giúp các nước vay vốn thấy khả năng chi trả bền vững hơn. Ông Chương Thiên Lượng chỉ ra rằng nỗ lực ngoại giao này nhằm đưa Trung Quốc hội nhập vào kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kết nối với các quốc gia thu nhập thấp, tránh bị cô lập.
Quân sự là trụ cột thứ ba trong chiến lược của Tập. Bài viết cho biết, 3 năm qua, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng ổn định khoảng 7,2% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP khoảng 5%, nhưng vẫn kiểm soát trong mức 1,5% GDP, tránh gánh nặng kinh tế do chạy đua vũ trang như Liên Xô.
Ông Chương Thiên Lượng nhấn mạnh rằng chiến lược quân sự của ông Tập không nhằm đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, mà là thông qua hiện đại hóa quốc phòng để nâng cao sức mạnh cứng. Ví dụ, đầu tư mạnh vào hàng không mẫu hạm, máy bay chiến đấu, v.v., nhưng tránh các cuộc chạy đua toàn diện và tốn kém. Chiến lược này nhằm giữ thế chủ động chiến lược trong các xung đột tương lai có thể xảy ra.
Trụ cột thứ tư là ổn định nội bộ. ông Tập cho rằng sự tan rã của Liên Xô bắt nguồn từ thất bại trong đấu tranh tư tưởng và mất kiểm soát xã hội, nên ông ta nhấn mạnh Đảng Cộng sản phải tăng cường kiểm soát toàn diện mọi mặt của xã hội.
Ông Chương Thiên Lượng chỉ ra rằng ông Tập thông qua các biện pháp ổn định nghiêm ngặt để đảm bảo xã hội trong nước không rối loạn. Kiểm soát này không chỉ bao gồm kiểm duyệt ngôn luận và truyền thông, mà còn dùng công nghệ để giám sát xã hội. Ví dụ, sau khi Iran hạn chế tự do Internet vào tháng 6/2023, nhu cầu VPN tăng vọt; Trung Quốc cũng thông qua các biện pháp kiểm soát mạng tương tự, đảm bảo luồng thông tin phù hợp với tuyên truyền chính thức.
Bài viết trên Wall Street Journal cho biết, chiến lược của ông Tập Cận Bình một phần lấy cảm hứng từ tư tưởng chiến tranh du kích của Mao Trạch Đông. Bài viết trích lời của ông Henry Kissinger: “Quân đội chính quy không thắng tức là thua, còn du kích chỉ cần không thua tức là thắng.”
Ông Chương Thiên Lượng trong phần bình luận cũng giải thích thêm rằng chiến lược của ông Tập đối với Hoa Kỳ tương tự như chiến tranh du kích — thông qua chiến thuật trì hoãn để tiêu hao sức mạnh của Hoa Kỳ, đồng thời tranh thủ thời gian phát triển cho Trung Quốc.
Ví dụ, trong các cuộc đàm phán thương mại, Tập thể hiện sự linh hoạt. Khi đối mặt với chính sách áp thuế cao của Tổng thống Trump, ban đầu ông phản ứng cứng rắn, sau đó lại thể hiện sự nhượng bộ, cuối cùng đạt được thỏa thuận với nhóm của ông Trump. Ông Chương Thiên Lượng cho rằng chiến lược “lùi để tiến” này là một phần của kế hoạch trì hoãn được thiết kế cẩn thận, nhằm tránh đối đầu trực diện và giành lấy không gian phát triển cho Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Chương Thiên Lượng còn đề cập đến việc Trung Quốc tận dụng “quyền lực mềm” để mở rộng ảnh hưởng quốc tế. ĐCSTQ đã mời YouTuber nổi tiếng người Mỹ “IShowSpeed” đến thăm Trung Quốc, thông qua nền tảng mạng xã hội với 120 triệu người theo dõi của anh ta để giới thiệu về tàu cao tốc và xe điện Trung Quốc, tạo dựng hình ảnh tích cực. Chiến lược tuyên truyền đối ngoại kiểu này hiệu quả hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông chính thức như Tân Hoa Xã hay Nhân Dân Nhật Báo.
Bài viết của Wall Street Journal chỉ ra rằng dù bố cục chiến lược của ông Tập rất chặt chẽ, nhưng việc thành công hay không vẫn còn nhiều bất định. Các chính sách kinh tế hiện tại có thể làm trầm trọng thêm khó khăn nội bộ, như chu kỳ giảm phát, sự suy yếu của doanh nghiệp tư nhân. Hơn nữa, việc quá phụ thuộc vào kiểm soát của nhà nước có thể kìm hãm đổi mới sáng tạo, hạn chế khả năng cạnh tranh lâu dài trong lĩnh vực công nghệ.
Về mặt địa chính trị, tuy Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu trong ngoại giao đa phương, nhưng sự cảnh giác của Hoa Kỳ và các đồng minh cũng ngày càng gia tăng. Ví dụ, chính quyền Trump đã hạn chế cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc, đồng thời cắt giảm ngân sách cho các cơ quan như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), thúc đẩy Trung Quốc tăng cường đầu tư vào quyền lực mềm, nhưng điều này chưa chắc đã xóa bỏ được sự dè chừng từ phương Tây.
Ông Chương Thiên Lượng trong phần bình luận cũng chỉ ra rằng dù Trung Quốc tránh được cuộc chạy đua vũ trang toàn diện, nhưng quá trình hiện đại hóa quân đội nhanh chóng có thể khiến các nước láng giềng phản ứng mạnh, thậm chí làm gia tăng căng thẳng khu vực. Thêm nữa, tình hữu nghị “không giới hạn” giữa Trung Quốc và Nga tuy mang lại một số hỗ trợ chiến lược, nhưng tình thế khó khăn của Nga trong chiến tranh Ukraine cũng có thể làm tổn hại đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.
Bài viết cho biết, ông Tập Cận Bình tin rằng cán cân quyền lực toàn cầu sẽ dần nghiêng về phía Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Chương Thiên Lượng cảnh báo rằng Hoa Kỳ không nên vì thấy ĐCSTQ có vẻ thỏa hiệp mà mất cảnh giác. Chiến thuật trì hoãn của ông Tập có thể che giấu những mục tiêu chiến lược lâu dài hơn – đó là vượt mặt Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự và địa chính trị.
Hoa Kỳ cần duy trì sự cảnh giác chiến lược, không bị mê hoặc bởi những thỏa thuận thương mại ngắn hạn hay các dấu hiệu ngoại giao “hạ nhiệt”. Bài viết của Wall Street Journal trích lời Minxin Pei của Trường Đại học Claremont McKenna: “Sự kiên nhẫn chiến lược, duy trì sức mạnh, và linh hoạt trong chiến thuật là then chốt để đạt được trạng thái giằng co này.”
Ông Chương Thiên Lượng còn đề nghị, Hoa Kỳ nên tiếp tục củng cố liên minh, siết chặt phong tỏa công nghệ, đồng thời chủ động trong cạnh tranh địa chính trị. Ví dụ, cần tăng cường phối hợp với các đồng minh như EU, Nhật Bản, hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ then chốt, đồng thời dùng viện trợ kinh tế và quyền lực mềm để đối đầu với sự mở rộng của Trung Quốc tại các nước thu nhập thấp.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng cần cảnh giác trước làn sóng tuyên truyền đối ngoại mới của Trung Quốc thông qua các “influencer” (người có ảnh hưởng) và nền tảng mạng xã hội, và phải đẩy mạnh truyền bá các giá trị cốt lõi của chính mình để hóa giải ảnh hưởng của Trung Quốc trong dư luận toàn cầu. Chỉ khi có một chiến lược toàn diện, Hoa Kỳ mới có thể giành ưu thế trong cuộc chiến trường kỳ này.
Theo bài viết của Wall Street Journal, chiến lược “Chiến tranh Lạnh mới” của ông Tập Cận Bình là một cuộc chiến trường kỳ được thiết kế kỹ lưỡng, dựa vào 4 trụ cột: kinh tế, ngoại giao, quân sự và ổn định nội bộ, nhằm kéo dài thời gian cạnh tranh với Hoa Kỳ và làm suy yếu vị thế bá quyền của nước này. Ông Chương Thiên Lượng cho rằng chiến lược này lấy sự tan rã của Liên Xô làm bài học cảnh tỉnh, nhấn mạnh sự kiên nhẫn chiến lược và tính linh hoạt chiến thuật, cố gắng đạt được sự vượt trội mà không cần đối đầu trực diện.
Tuy nhiên, thành công của chiến lược này sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh có thể vượt qua được các khó khăn kinh tế trong nước, áp lực quốc tế và thách thức trong đổi mới công nghệ hay không. Trong khi đó, Hoa Kỳ cần duy trì thế chủ động chiến lược, cảnh giác với chiến thuật trì hoãn của Bắc Kinh, để đối phó với cuộc cạnh tranh kéo dài này.
Cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không chỉ là một cuộc so tài về kinh tế và quân sự, mà còn là cuộc chiến về hệ tư tưởng và sự kiên nhẫn. Kết cục ra sao, chúng ta hãy cùng chờ xem.
Mạnh Hạo/ Vision Times
Bộ Quốc phòng ban hành quy định mới, không gọi nhập ngũ công dân mắc…
“Chúng tôi sẽ gửi thêm một số vũ khí cho Ukraine. Họ cần có năng…
Có rất nhiều phương pháp tự nhiên để kiểm soát sên và ốc sên, tuy…
Tổng thống Trump chỉ trích tỷ phú Musk vì đã thành lập một đảng chính…
Các chuyên gia cho biết những thay đổi đơn giản trong cách suy nghĩ và…
Ấn Độ sẽ tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương với…