Một nhân viên thiện nguyện Hoa Kỳ làm việc ở nước ngoài bị chính phủ Ai Cập giam cầm 3 năm đã trở về Mỹ tối muộn hôm thứ Năm (20/4) nhờ sự can thiệp âm thầm của chính phủ Donald Trump.
Cô Aya Hijazi, người Mỹ gốc Ai Cập đã trở thành gương mặt tiêu biểu trong cuộc đàn áp đẫm máu phong trào xã hội dân sự tại Ai Cập năm 2014. Cô cùng chồng và 4 nhân viên thiện nguyện khác bị nhà cầm quyền Cairo bắt và tống giam trong 3 năm qua với bản án mơ hồ và mạng đậm động cơ chính trị. Các nỗ lực của chính quyền cựu Tổng thống Obama nhằm giải cứu công dân Mỹ này đều thất bại.
Hôm thứ Sáu (21/4), tiếp Hijazi tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói:
“Chúng tôi rất vui khi đưa được cô Aya về nhà và được tiếp cô ấy trong phòng bầu dục quả là một vinh dự”.
Theo truyền thông Mỹ, ông Trump đã cử một máy bay chính phủ tới Ai Cập để đưa cô Aya cùng chồng Mohamed Hassanein về Mỹ sau khi đàm phán thành công.
Anh trai Basel Hijazi của Aya nói với phóng viên: “Chúng tôi rất biết ơn vì Tổng thống Trump đã đích thân sắp xếp chuyện này… Chúng tôi rất biết ơn vì ông đã giúp gia đình chúng tôi đoàn tụ”.
Theo Washington Post, Tổng thống Trump cùng cộng sự đã trải qua nhiều tuần đàm phán cùng Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sissi để đảm bảo sự tự do cho cô Aya cùng chồng và 4 nhân viên thiện nguyện khác làm việc cùng họ.
Hai vợ chồng Aya cùng các đồng nghiệp bị tống giam vào 1/5/2014 với cáo buộc lạm dụng và buôn lậu trẻ em. Tuy nhiên chính phủ Mỹ và các tổ chức quốc tế phủ nhận cáo buộc này và lên án chính quyền Sissi có động cơ chính trị. Tổng thống Obama nhiều lần gây sức ép đòi Ai Cập thả người nhưng không thành công.
Ông Trump lên cầm quyền đã khởi động các nỗ lực tái thiết quan hệ với Ai Cập. Ông đã mời Tổng thống Ai Cập tới thăm Nhà Trắng đầu tháng 4, trong đó ông khen ngợi chính phủ Ai Cập đã làm được nhiều việc trong khi chiến đấu chống khủng bố Hồi giáo cực đoan. Chủ nhật tuần trước, tòa án Ai Cập hủy bỏ cáo trạng đối với Aya và các đồng sự.
Chủ tịch Tổ chức Nhân quyền mang tên cố Tổng thống Mỹ Robert F. Kennedy, cũng là con gái thứ ba của cố Tổng thống, bà Kerry Kennendy nói: “Hijazi đã mang những gì tốt nhất của nền giáo dục mà cô được nhận và các giá trị Mỹ quốc tới Ai Cập trong cố gắng đóng góp cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn”.
“Cô ấy phải đối mặt với đàn áp chính trị tương đương với rất nhiều nhà bảo vệ nhân quyền khác. Cô là nhân chứng sống cho thấy ngay cả một nỗ lực nhỏ để cải thiện thế giới cũng có thể tạo làn sóng gây chấn động những chính quyền độc tài mạnh cố thủ nhất”.
Aya Hijzazi, 30 tuổi, lớn lên tại thành phố Falls Church bang Virginia. Sau khi tốt nghiệp đại học George Mason, cô sang Ai Cập để tiếp tục học cao học. Tại đó, cô cùng chồng lập lên Tổ chức từ thiện Belady Foundation với tuyên bố mục đích là cung cấp chỗ ăn ở và giúp tái hòa nhập trẻ em đường phố Ai Cập.
Trong một cuộc đàn áp lên các phong trào hoạt động dân sự vào tháng 5/2014, chính phủ Cairo bố ráp trụ sở của Belady Foundation, bắt giam Hijazi cùng chồng và nhiều nhân viên khác mà không nêu lý do. Phải bốn tháng sau Aya mới biết mình bị bắt vì cáo buộc lạm dụng và buôn bán trẻ em. Cáo trạng này bị giới chức Hoa Kỳ và giới hoạt động nhân quyền khắp thế giới phủ nhận là sai trái. Gần như không có bằng chứng nào được tòa Ai Cập đưa ra chống lại họ trong suốt 3 năm qua, và các phiên xét xử đều bị hoãn hoặc hủy bỏ một cách mờ ám.
Theo trang tin Breitbart, nỗ lực giải cứu Aya của chính quyền Obama trong suốt 3 năm thất bại một phần vì cựu Tổng thống đã nhấn chìm quan hệ với Ai Cập bằng những lời chỉ trích và hành động cắt viện trợ, trong khi ông Trump cố gắng tái thiết quan hệ hai chính phủ và mời ông Sisi tới thăm Nhà Trắng.
AP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker nói ông Trump đã xử lý vấn đề này “theo cách mà nó nên được xử lý”.
Trong suốt chuyến thăm Washington DC của Tổng thống Ai Cập Sissi hồi đầu tháng này, ông Trump không hề đưa ra một tuyên bố nào về trường hợp của Hijazi Aya, ông cũng không tỏ ra thúc ép hay lên gân với lãnh đạo Ai Cập đòi thả người. Thay vào đó, ông đề nghị hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố IS.
Tuy nhiên, theo Washington Post, các quan chức Nhà Trắng tiết lộ rằng ông Trump đã luôn dõi theo trường hợp của Hijazi.
“Tôi muốn cô ấy về nhà“, ông Trump nói với một quan chức cấp cao được tờ Washington Post dẫn lại. Tờ báo Mỹ này cũng cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại Sứ quán Mỹ tại Cairo đã đảm bảo việc đưa Hijazi trở về Mỹ nhanh chóng trong khi các luật sư và lãnh đạo của tổ chức Robert F. Kennedy Human Rights cũng tham gia việc giải cứu cô.
Kerry Kennedy viết trong một thông báo chính thức của tổ chức rằng bà và các đồng sự đã làm việc cùng chính quyền Trump để giải thoát cho Hijazi khỏi nhà tù Ai Cập và họ “vô cùng cảm ơn Tổng thống Trump vì đã đích thân tham gia giải quyết vụ của cô Aya“.
Trọng Đức
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…