Chính quyền Algeria đã chính thức tuyên bố Tổng thống Abdulmadjid Tebboune là người chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày thứ Bảy (7/9). Tuy nhiên, đề cử viên đối thủ đã cáo buộc có những bất thường trong quá trình kiểm phiếu, trong khi chỉ có một nửa số cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu.
Tóm tắt:
|
Kết quả sơ bộ chính thức cho thấy ông Tebboune đã giành được 95% số phiếu, vượt qua ngưỡng cần thiết để tránh vòng bầu cử thứ hai. Trong khi đó, đề cử viên đối thủ, ông Abdelaali Hassani Cherif chỉ đạt được 3% và một đề cử viên khác ông Youcef Aouchiche chỉ được 2%. Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử chỉ đạt 48%.
Với sự hậu thuẫn của quân đội, ông Tebboune chỉ đối mặt với thách thức không đáng kể từ ông Hassani Cherif, một nhà Hồi giáo ôn hòa,và ông Aouchiche, một chính trị gia theo chủ nghĩa thế tục ôn hòa, cả hai tham gia tranh cử với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ tầng lớp quyền lực tại Algeria.
Chiến dịch tranh cử của ông Hassani Cherif cáo buộc các quan chức tại các điểm bỏ phiếu bị áp lực phải thổi phồng kết quả và không cung cấp hồ sơ kiểm phiếu đầy đủ cho đại diện của các đề cử viên, cũng như những trường hợp bỏ phiếu thay mặt theo nhóm.
“Đây là một trò hề“, phát ngôn viên của ông Hassani Cherif, ông Ahmed Sadok, tuyên bố, đồng thời bổ sung thêm rằng đề cử viên Cherif đã giành được nhiều phiếu hơn so với con số đã được công bố chính thức, dựa trên số liệu mà chiến dịch của họ thu thập được từ các khu vực.
Reuters cho biết hãng tin chưa thể xác minh ngay các số liệu đó hoặc liên lạc với chiến dịch của ông Tebboune hoặc ông Aouchiche để xin bình luận.
Tuy nhiên, chính trị gia đứng đầu ủy ban bầu cử ông Mohammed Charfi khẳng định chắc chắn rằng khi kết quả được công bố, cơ quan này đã làm việc cẩn thận để bảo đảm tính minh bạch và tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng cho tất cả các đề cử viên.
Tối Chủ Nhật (8/9), ba đề cử viên tổng thống, gồm cả ông Tebboune và ông Cherif, đã đồng thời đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ sự phản đối kết quả sơ bộ do ủy ban bầu cử công bố.
“Chúng tôi muốn thông báo đến công chúng về những điểm mơ hồ, mâu thuẫn, mập mờ và các con số xung đột được ghi nhận khi công bố kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống”, tuyên bố chung nêu rõ.
Ông Tebboune tái đắc cử đồng nghĩa Algeria tiếp tục các chính sách chi tiêu công hào phóng nhờ doanh thu dầu mỏ tăng cao khi ông lên nắm quyền vào năm 2019, thời điểm giá dầu tăng sau một thời gian giảm.
Ông đã cam kết sẽ tăng cường trợ cấp thất nghiệp, lương hưu và các chương trình nhà ở công cộng, những biện pháp mà ông đã thực hiện trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
“Miễn là [Tổng thống] Tebboune tiếp tục tăng lương và lương hưu cũng như duy trì trợ cấp, ông ấy sẽ [là đề cử viên duy nhất] trong mắt tôi“, ông Ali, một khách hàng tại một quán cà phê ở quận Ouled Fayet của Algiers, chia sẻ, đồng thời yêu cầu giữ bí mật họ của mình.
Tổng thống đương nhiệm Tebboune được bầu lần đầu tiên trong cuộc biểu tình quy mô lớn “hirak” (phong trào), buộc tổng thống tiền nhiệm lâu năm lúc bấy giờ, ông Abdulaziz Bouteflika, phải từ chức sau 20 năm cầm quyền. Ông Tebboune đã ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp cứng rắn của các lực lượng an ninh quốc gia, giam giữ trái phép các chính trị gia bất đồng chính kiến nổi bật thời bấy giờ.
Cuộc bầu cử của ông Tebboune vào năm 2019 phản ánh tinh thần phản đối giới quyền lực ở Algeria vào năm đó, với tỷ lệ cử tri tham gia đạt 40%, thấp hơn đáng kể so với các cuộc bầu cử trước đó.
Các cuộc biểu tình, với hàng trăm nghìn dân thường tuần hành trên đường mỗi tuần trong hơn một năm, yêu cầu chấm dứt vấn nạn tham nhũng và lật đổ tầng lớp cầm quyền, cuối cùng đã bị kìm hãm bởi đại dịch COVID.
“Tỷ lệ cử tri đi bầu rất thấp. Điều đó chứng tỏ đa số mọi người cũng giống như tôi“, một cư dân khác của Ouled Fayet, ông Slimane, 24 tuổi, chia sẻ. Ông cho biết thêm ông không đi bầu vì không tin tưởng vào bất kỳ chính trị gia nào.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào năm 2022 thúc đẩy nhu cầu của châu Âu đối với khí đốt của Algeria và đẩy giá năng lượng tăng cao. Nhờ những khách hàng châu Âu hào phóng, doanh thu quốc gia của nhà nước Algeria đã tăng lên nhanh chóng sau nhiều năm cạn kiệt dự trữ ngoại tệ và đồng thời mở đường cho các dự án khai thác năng lượng mới.
Mặc dù sử dụng phần lớn doanh thu cho các khoản trợ cấp xã hội, nhưng chính quyền tổng thống Tebboune cũng đã thúc đẩy các cải cách kinh tế nhằm củng cố khu vực tư nhân để tạo thêm nhiều việc làm.
Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm ở mức cao khoảng 14% trong đại dịch, tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức trên 12% vào năm ngoái trong khi lạm phát cũng vẫn đang ở mức cao.
Những khó khăn kinh tế mà người dân Algeria đang phải đối mặt là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu thấp vào thứ Bảy (7/9).
“Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 48% so với 40% vào năm 2019 chứng minh rõ ràng khoảng cách giữa tầng lớp cầm quyền và nhân dân vẫn còn cần phải được thu hẹp“, nhà phân tích chính trị ông Farid Ferrari phân tích.
Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, Tổng thống Tebboune vẫn gặp không ít thách thức.
Mặc dù Algeria đóng vai trò quan trọng với tư cách là nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng đối thủ chính trong khu vực là Morocco đã thành công trong việc giành được sự công nhận của hai cường quốc thực dân là Tây Ban Nha và Pháp đối với yêu sách chủ quyền của mình tại khu vực Tây Sahara, khu vực mà Algeria ủng hộ lực lượng ly khai Polisario. Morocco cũng đã thu hút được sự ủng hộ của một số quốc gia châu Phi và Ả Rập.
Bên cạnh đó, nỗ lực để Algeria trở thành một thành viên của khối BRICS khi khối này mở rộng vào tháng Giêng năm nay cũng bị từ chối bởi các nước thành viên. Trong lần mở rộng này, BRICS đã mời các quốc gia khác như Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gia nhập. Thay vào đó, Algeria đã gia nhập ngân hàng phát triển BRICS vào tháng trước.
Ngoài ra, nỗ lực của Algeria nhằm mang lại sự ổn định bền vững hơn cho khu vực Sahel của châu Phi cũng không đạt được nhiều tiến bộ, khi mà nỗ lực hòa giải các lực lượng đối lập ở Niger sau một cuộc đảo chính năm ngoái đã không có tiến triển rõ ràng.
Dù vậy, Algeria vẫn giữ vị thế là một cường quốc quân sự lớn trong khu vực và có vẻ như quốc gia này sẽ duy trì vững lập trường truyền thống của mình trong việc cân bằng quan hệ giữa các cường quốc phương Tây và Nga.
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…