Các quan chức tới từ Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc hôm Chủ Nhật (12/11) đã tổ chức các cuộc đàm phán mở rộng để theo đuổi các lợi ích chung trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược, theo trang tin PTI (Ấn Độ).
Tổng thống Trump tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Washington D.C vào 26/6/2017.
Cuộc họp này là động thái chính đầu tiên trong việc hình thành cơ chế đối thoại an ninh bốn bên. Tại đây, các quan chức từ bốn nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc đã cân nhắc về viễn cảnh an ninh đang phát triển tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời tìm cách hợp tác đấu tranh có hiệu quả với các mối đe dọa khủng bố và các thách thức an ninh khác.
Trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) sau cuộc hội đàm “Bộ Tứ” cho thấy các cuộc tham vấn đưa ra các lợi ích chung trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương với việc tập trung vào hợp tác dựa trên tầm nhìn và giá trị hội tụ chung vì sự thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực.
Tuyên bố của MEA nói rằng: “Các quan chức từ các Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Mỹ đã gặp nhau tại Manila, Philippines vào ngày 12/11 để tham vấn về các vấn đề lợi ích chung trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Các cuộc thảo luận này tập trung vào hợp tác dựa trên tầm nhìn và giá trị hội tụ chung vì sự thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong một khu vực đa liên kết tăng lên, chia sẻ cùng nhau và với các đối tác khác. Họ đã đồng ý rằng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương thịnh vượng, tự do và cởi mở đem đến các lợi ích lâu dài cho tất cả các nước trong khu vực và cho toàn thế giới rộng lớn. Các quan chức cũng trao đổi quan điểm về giải quyết các thách thức chung như khủng bố và những mối liên kết gia tăng ảnh hưởng đến khu vực”.
Cuộc họp của các quan chức ngoại giao “Bộ Tứ” diễn ra trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á, nơi có sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.
Trước đó, vào tháng 10 Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã nói rằng Tokyo ủng hộ đối thoại bốn bên để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa bốn quốc gia.
Phản hồi về ý kiến của phía Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đã nói rằng nước này sẵn sàng làm việc với các nước có cùng quan điểm về các vấn đề liên quan trước nhất tới lợi ích của New Delhi.
Trong khi đó, cả Mỹ và Nhật Bản đều mong muốn thúc đẩy vai trò lớn hơn của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Mặc dù không đề cập trực tiếp tới thách thức Trung Quốc, nhưng đề xướng về việc thành lập cơ chế đối thoại an ninh “Bộ Tứ” tại Ấn Độ – Thái Bình Dương chính là đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Phía Trung Quốc cũng đã có những phản ứng thận trọng với việc hình thành nhóm “Bộ Tứ” do Mỹ và Nhật Bản khởi xướng.
Trong phát biểu gần đây với giới truyền thông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng: “Các đề xuất có liên quan nên cởi mở và toàn diện và nên hữu ích cho sự hợp tác cùng có lợi và không nên đi vào chính trị hoá hoặc loại trừ các bên có liên quan”.
Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng mối quan hệ này sẽ không nhắm trực tiếp [đối phó] với một bên thứ ba và tạo thuận lợi cho hòa bình và ổn định khu vực”.
Hùng Cường
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…