Các lực lượng quân đội và cảnh sát Cuba trấn áp người biểu tình đã được đào tạo về “chống khủng bố” bởi cơ quan bán quân sự Trung Quốc, báo cáo từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ hiếm hoi đã nổ ra trên đảo quốc Cuba vào tháng 7 khi người dân xuống đường kêu gọi có quyền tự do hơn và điều kiện sống tốt hơn. Trong khi gần hai chục quốc gia trên thế giới lên tiếng ủng hộ những người biểu tình, chế độ cộng sản cầm quyền đã đáp trả bằng cách phát động một cuộc đàn áp bạo lực. Chế độ Bắc Kinh đã ủng hộ việc trấn áp này.
Các ghi chép từ một thập kỷ trước cho thấy chính quyền Cuba có thể đã học được một số chiến thuật từ “những người đồng chí” Trung Quốc, vốn cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ khác nhân danh “chống khủng bố.”
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, lực lượng bán quân sự của Trung Quốc, được gọi là Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP), đã bắt đầu cử nhân viên đến đào tạo cho lực lượng an ninh Cuba ngay từ năm 2008. Vào năm 2019, PAP đã biểu diễn các kỹ năng chiến đấu tại một sự kiện ở Trung Quốc và được các quan chức an ninh Cuba đến thăm khi đó khen ngợi.
Là lực lượng bán quân sự chuyên trách có nhiệm vụ dập tắt tình trạng bất ổn trong nước, PAP đã đóng một vai trò quan trọng trong việc dập tắt các cuộc biểu tình ở vùng Tân Cương trong những năm qua. Một phi đội đã tiêu diệt 91 “kẻ bạo loạn” trong khu vực và được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đặc biệt ngợi khen vào tháng Bảy. Ở Hồng Kông, PAP cũng đã cùng với cảnh sát địa phương ra thực địa để quan sát các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm ngoái, Reuters đưa tin, trích dẫn các nguồn giấu tên.
Không rõ khóa đào tạo của PAP ở Cuba lần đầu tiên bắt đầu từ khi nào. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, khóa đào tạo được ghi nhận sớm nhất đã diễn ra trong khoảng hai tháng, bắt đầu từ tháng 11 năm 2008. Trong số hơn 90 học viên tham gia, 2/3 trong số họ thuộc “lực lượng đặc biệt” của Bộ Nội vụ Cuba, theo phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc. Lực lượng đặc biệt này được gọi là “Mũ nồi đen”, là một nhóm tinh nhuệ của Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba. Các học viên còn lại là sĩ quan quân đội.
Bốn huấn luyện viên PAP của Trung Quốc đã dạy các sĩ quan Cuba các môn võ tổng hợp, giải cứu con tin và xử lý “bạo loạn quy mô lớn”, báo cáo cho biết. Vào cuối thời gian lưu trú, họ đã được Bộ Nội vụ trao tặng danh hiệu cao quý nhất vì “đóng góp đặc biệt”.
Vào tháng 4 năm 2016, đơn vị PAP ở Ninh Hạ, một khu vực ở Trung- Bắc Trung Quốc, đã cử sáu sĩ quan đến trường huấn luyện chiến đấu đặc biệt quốc gia của Bộ Nội vụ Cuba để giảng dạy một chương trình huấn luyện kéo dài một tháng. Các khóa học bao gồm hơn 160 kỹ năng thuộc sáu hạng mục, bao gồm bắn súng chiến thuật, võ thuật Trung Quốc, Thái Cực Quyền và chiến thuật áp chế bạo lực, theo một bài báo từ một trang web do quân đội Trung Quốc điều hành có tiêu đề “Cảnh sát vũ trang trở về với danh dự”.
Theo một bài báo khác từ trang này, phía Cuba, ấn tượng trước tiến độ của khóa huấn luyện, đã đưa nội dung này vào chương trình huấn luyện quân sự của đất nước họ.
Các bức ảnh từ khóa huấn luyện năm 2016 do truyền thông Trung Quốc công bố, bao gồm một số ít được truyền thông Cuba công bố gần đây, cho thấy các sĩ quan Cuba mặc đồng phục đen đặc trưng và đội mũ nồi đen đứng cùng các huấn luyện viên Trung Quốc của họ.
Từ ngày 11/7, hàng nghìn người dân Cuba đã xuống đường bày tỏ sự thất vọng với chế độ cộng sản 62 năm tuổi và với điều kiện sống của họ. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất mà đất nước từng chứng kiến kể từ những năm 1990. Để đối phó, chính quyền đã tiến hành các vụ bắt bớ hàng loạt, cắt đứt truy cập internet và triển khai lực lượng an ninh và cảnh sát, bao gồm cả lực lượng Mũ nồi đen để kiểm soát các thành phố và thị trấn.
Ngày 22 tháng 7, Hoa Kỳ đã trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Cuba và lực lượng Mũ nồi đen vì đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình. Có báo cáo về việc bắt giữ khoảng 500 người tham gia.
Vào ngày 30 tháng 7, chính quyền Biden tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lực lượng cảnh sát Cuba và hai trong số các nhà lãnh đạo của lực lượng này vì hành vi tấn công người biểu tình, bao gồm việc bắt giữ một linh mục Công giáo đang cố gắng bảo vệ những người biểu tình trẻ tuổi; đánh đập một số trẻ vị thành niên và sử dụng dùi cui để trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa.
“Người dân Cuba phải được tự hào về quê hương của họ và đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống mà hệ thống yếu kém của Đảng Cộng sản Cuba đã không thể cung cấp”, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố thông báo về các lệnh trừng phạt.
Các lực lượng bán quân sự của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong tham vọng của Bắc Kinh nhằm tăng cường sức mạnh và mở rộng ảnh hưởng quân sự của nước này ra ngoài biên giới Trung Quốc.
PAP đã thành lập “Trung tâm huấn luyện cảnh sát dân sự gìn giữ hòa bình Trung Quốc” gần Bắc Kinh để đào tạo cảnh sát nước ngoài vào năm 2000, và hai năm sau đó bắt đầu xây dựng một trung tâm khác, được cho là lớn nhất châu Á.
Tính đến năm 2009, PAP đã cử các đoàn của họ tới hơn 30 quốc gia “để trao đổi song phương hoặc đa phương về chống khủng bố”, theo truyền thông nhà nước China Daily.
Vào tháng 1 năm 2016, luật chống khủng bố của Trung Quốc có hiệu lực cho phép quân đội Trung Quốc và PAP cử người của họ ra nước ngoài để chống khủng bố.
PAP đã thực hiện một số hoạt động ở Trung Á, điều hành một tiền đồn ở Tajikistan trong khu vực giáp Trung Quốc và Afghanistan kể từ năm 2016. Một nhà quan sát của Tajik ước tính cơ sở này chứa hàng trăm nhân viên và khoảng 20 tháp canh, theo báo cáo năm 2020 của Mỹ.
Trong một diễn đàn chống khủng bố năm 2019 do PAP tổ chức ở Bắc Kinh, các sĩ quan đã thực hiện các chiến thuật bắn tỉa mới nhất và được cho là đã nhận được tràng pháo tay từ hơn 240 quan chức nước ngoài tham dự sự kiện, theo Tân Hoa xã. Một người tham dự, một chuyên gia của Bộ Nội vụ Cuba nói một tờ báo rằng anh cảm thấy được khích lệ cho các khóa đào tạo ở quê nhà và bày tỏ hy vọng sẽ tăng cường trao đổi như vậy.
PAP không phải là cơ quan duy nhất tham gia vào quá trình thúc đẩy thực thi pháp luật toàn cầu của Bắc Kinh. Một tài liệu nội bộ mà Epoch Times có được vào năm 2020 cho thấy một trường cao đẳng cảnh sát ở Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã tiến hành 115 khóa đào tạo với hơn 2.500 nhân viên thực thi pháp luật từ 62 quốc gia đang phát triển từ năm 2002 đến năm 2017. Trong suốt 16 năm, trường đã đào tạo hơn 300 sĩ quan từ Lào. Cũng chính trường này đã cam kết đào tạo ngắn hạn và trung hạn cho 2.000 quan chức Đông Nam Á từ năm 2016 đến năm 2020, theo Tân Hoa xã.
Mục tiêu của các chương trình đào tạo này là “xây dựng kết nối” và phục vụ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của chế độ, theo tài liệu. BRI, một dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la nhằm củng cố sức mạnh kinh tế và chính trị của Bắc Kinh trên toàn thế giới, đã bị chỉ trích về vai trò của nó trong việc xuất khẩu mô hình chủ nghĩa kỹ trị toàn trị của chế độ này và làm cho các nước đang phát triển phải gánh mức nợ cao.
Đông A dịch (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…