Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi một chiến dịch gửi thư thỉnh nguyện để gây áp lực buộc chính phủ Trung Quốc trả tự do cho luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, người đã bị chính quyền bắt cóc trong gần hai năm qua.
Trong một bản thông báo hành động khẩn, Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi người dân trên toàn thế giới viết thư cho Bộ trưởng Bộ Công an, Triệu Khắc Chí, để gây áp lực yêu cầu trả tự do cho luật sư nhân quyền nổi tiếng Cao Trí Thịnh. Theo đó, lần gần đây nhất Cao bị bắt cóc tại nhà riêng ở Thiểm Tây là vào ngày 13/8/2017 và cho đến hiện tại vẫn không có tin tức chính xác về anh.
Sinh ra trong một cái hang trên cao nguyên Hoàng Thổ, Cao Trí Thịnh có thể đã chỉ là một người nông dân Trung Quốc bán rau nghèo khó. Song nhờ nỗ lực của bản thân, Cao Trí Thịnh đã trở thành một trong 10 vị luật sư hàng đầu của Trung Quốc vào những năm đầu thế kỷ 21. Anh còn là một trong những luật sư đầu tiên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí (pro-bono) cho người nghèo ở quốc gia này.
Cao Trí Thịnh cũng là một luật sư đầu tiên dám dũng cảm đứng ra bảo vệ pháp lý cho những người tập Pháp Luân Công vào năm 2004, ở vào thời điểm nhạy cảm nhất, trong cao trào đàn áp môn khí công này tại Trung Quốc. Theo đó, sau khi xuất hiện ước tính rằng số lượng người tập Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc lên tới hơn 100 triệu, vượt quá cả số lượng Đảng viên Trung Quốc, thì cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã được khởi động vào năm 1999.
Ngày 12/12/2005, sau khi tiếp xúc với các nạn nhân của cuộc đàn áp trên toàn Trung Quốc, tại thành phố Trường Xuân tỉnh Cát Lâm, Cao đã công bố một bức thư ngỏ gửi tới các lãnh đạo Trung Quốc:
“Ngài Hồ Cẩm Đào, ngài Ôn Gia Bảo, và tất cả người dân Trung Quốc: Đã đến lúc chúng ta nghiêm khắc nhìn lại chính mình! Trong lịch sử thế giới, chưa từng có một nhóm người nào lớn đến vậy lại phải chịu đựng một cuộc bức hại tàn bạo và kéo dài tới như thế trong thời bình chỉ bởi vì đức tin của họ. Thảm họa này đã lấy đi mạng sống của hàng ngàn người dân vô tội đáng quý và đã cướp đi tự do của hàng trăm ngàn người. Cuộc bức hại hoàn toàn vô nhân tính này đã gây đau đớn cho hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công cùng gia đình họ. Nó thật phi lý, dối trá, và vô đạo đức! Đó là một sự chà đạp người dân Trung Quốc, nền văn minh Trung Hoa, và đạo đức của toàn nhân loại!”
Đồng thời, trong suốt quá trình phơi bày cuộc đàn áp, Cao Trí Thịnh cũng phơi bày sự tra tấn, lạm dụng tình dục đối với những tù nhân Pháp Luân Công xảy ra trong các nhà tù ở Trung Quốc.
Kể từ ngày thư ngỏ được công bố, Cao Trí Thịnh đã trải qua một loạt các biến cố:
Vợ Cao Trí Thịnh, chị Cảnh Hòa trao đổi với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng cô vẫn không biết anh ở đâu:
“Kể từ khi Cao Trí Thịnh bị mất tích, chính quyền chưa bao giờ thông báo cho gia đình nơi anh đang bị giam giữ, họ cũng không cung cấp một thông báo chính thức nào cho việc anh ta bị giam giữ, hoặc bất cứ điều gì tương tự, hay để cho gia đình tiếp xúc với anh.
Công an địa phương chỉ tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm. Một phút trước họ nói Cao Trí Thịnh đang bị giam giữ tại Ngọc Lâm; lúc sau họ nói anh ấy bị giam giữ ở Giai Huyện, hoặc ở Bắc Kinh”.
Cô cũng cho biết thêm trong khi đó, các quan chức đã đối xử với người thân, họ hàng của cả hai vợ chồng như là “tội phạm đồng lõa”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nhấn mạnh rằng trong quá khứ Cao đã phải chịu đựng sự tra tấn và những hành vi đồi bại khác suốt thời gian bị giam cầm. Họ lo lắng anh sẽ gặp phải tình cảnh tương tự.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi:
“Trả tự do cho Cao Trí Thịnh ngay lập tức và vô điều kiện nếu anh bị giam giữ chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Sau khi được thả, ngay lập tức thông tin về vị trí của Cao, và đảm bảo rằng anh không bị tra tấn hay đối xử tệ bạc; và anh có quyền tiếp xúc thường xuyên, không hạn chế với gia đình, luật sư do mình lựa chọn, với chăm sóc y tế theo yêu cầu hoặc khi cần thiết.”
Trong suốt những năm qua, cộng đồng quốc tế đã nhìn nhận Cao Trí Thịnh là một trong những luật sư đi đầu trong phong trào bảo vệ công lý tại Trung Quốc, khiến ĐCSTQ e sợ:
Cao Trí Thịnh là người đã tạo nên liên minh của các nhà hoạt động, người thật sự có khả năng gắn kết những con người từ đủ mọi tầng lớp khác nhau, và khiến cộng đồng đó đoàn kết lại xung quanh mình. Đó chính xác là điều mà chính quyền ĐCSTQ nhận thấy và sợ hãi ở anh.
Để phản kháng lại sự khủng bố ngày càng tăng đối với các nhà hoạt động nhân quyền, Cao từng khởi phát một phong trào tuyệt thực đầu năm 2006. Mỗi ngày, một nhóm người sẽ nhịn ăn trong 24 giờ. Việc tuyệt thực sẽ thay đổi luân phiên giữa các nhóm. Người Trung Quốc trên toàn thế giới đã hưởng ứng. Người dân tại 25 tỉnh thành đã tham gia tuyệt thực vào cùng một ngày. Phong trào chính nghĩa ôn hòa của Cao Trí Thịnh đã nhận được sự ủng hộ của hàng chục nghìn người.
Sau sự kiện đó, cảnh sát càng quấy nhiễu Cao gắt gao hơn, khiến anh không thể có được cuộc sống bình thường. Cao rời khỏi nhà vào tháng 3 năm 2006, và đi khắp Trung Quốc trong 6 tháng. Bất cứ nơi nào Cao tới, mọi người đều sẽ đến bên anh để thể hiện sự ủng hộ và khâm phục, bất chấp việc bị trừng phạt bởi các đặc vụ, những kẻ vẫn ngày ngày bám đuôi anh.
Cao từng nói trong một video phỏng vấn:
“Nếu anh nói về việc bị giết hay bị bắt bớ một cách tùy tiện như một mối nguy hiểm thì thật ra chúng ta vẫn luôn ở trong nguy hiểm. Kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền, chẳng phải nó đã giết chết rất nhiều người hay sao? Hàng ngày, có rất nhiều người bị bắt. Sẽ chẳng có gì lạ nếu họ bắt thêm một người. Tại sao cứ phải là ai khác mà không phải là tôi?”
Sau khi Cao được thả khỏi tù lần đầu vào năm 2006, anh bị giám sát gắt gao và bị buộc phải từ bỏ công việc luật sư của mình. Tuy nhiên ảnh hưởng của Cao vẫn hiện hữu. Các luật sư khác đã dũng cảm tiếp bước Cao, và cố gắng bảo vệ nạn nhân của các cuộc đàn áp tín ngưỡng tại tòa, bất chấp sự cấm đoán của chính quyền.
Sau nhiều lần bị bắt cóc và tra tấn, Cao đã xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn ngủi vào tháng 3/2010. Khi đó, phóng viên Bill Schiller thuộc tờ Toronto Star đã tới thăm Cao tại Bắc Kinh. Trong bài báo của mình, Schiller viết:
Gầy hơn, nhưng không gục ngã, Cao nói rằng anh đã rút khỏi vị trí của một nhà hoạt động đi đầu. Nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ nguyên tắc sống của bản thân. Cao nói: “Tất nhiên, tôi đang rút khỏi vị trí đó. Nhưng rút khỏi nó không có nghĩa là vứt bỏ nguyên tắc sống của mình.”
Chỉ trong vài ngày, Cao lại biến mất. 9 tháng sau, vào tháng 1/2011, tờ Associated Press công bố một cuộc phỏng vấn độc quyền với Cao vào khoảng thời gian ngắn ngủi mà anh được thả. Cao đã mô tả chi tiết những tra tấn mà anh phải trải qua. Đó là sự tra tấn khủng khiếp nhất mà anh từng chịu đựng. Cao đã vượt qua giới hạn của chính quyền khi cho phép họ phỏng vấn anh. Nhưng Cao nói với phóng viên rằng, nếu anh lại biến mất, thì hãy đăng tải phóng sự đó.
Không lâu sau phóng sự của tờ Associated Press, một bài viết của Cao từ hai năm trước đó với tựa đề “Lời nói từ trái tim” đã được đăng tải. Trong bài viết, Cao một lần nữa lên tiếng phản đối việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tàn bạo bức hại người dân, và kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền. Cuối cùng, Cao viết:
Việc công bố bài viết này sẽ khiến tôi bị bắt cóc một lần nữa. Bắt cóc đã trở thành một phần trong cuộc sống bình thường của tôi. Nếu nó đến, thì cứ để cho nó đến!
Di sản lớn nhất mà Cao Trí Thịnh để lại chính là dũng khí đạo đức vượt qua sợ hãi.
Bất hạnh lớn nhất của chúng ta là sống tại Trung Quốc vào giai đoạn lịch sử này. Không ai trên thế giới đã từng trải qua hay chứng kiến những khổ đau mà chúng ta đang phải chịu đựng. Nhưng may mắn lớn nhất của chúng ta cũng lại là sống tại đây, trong giai đoạn lịch sử này. Vì chúng ta sẽ trải qua và chứng kiến những con người vĩ đại vượt trên khổ đau, một lần và mãi mãi! Cao Trí Thịnh |
Minh Nhật tổng hợp
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…