Thư của nhà văn New York: Cao Trí Thịnh – anh hùng trong những anh hùng
- HỒ BÌNH
- •
Quỹ văn hoá Tần Thị của Úc năm nay (năm thứ 9) sẽ trao giải Thúc đẩy Tiến bộ Trung Quốc cho luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh. Tôi rất muốn gửi lời chúc mừng chân thành, thể hiện sự kính trọng và ủng hộ đến ông, người vẫn đang bị quản thúc tại quê nhà ở Thiểm Bắc.
Trung Quốc sau phong trào Lục Tứ đã xuất sinh cùng lúc một nhóm lớn các anh hùng mới, đó chính là các luật sư nhân quyền. Trong số đó, Cao Trí Thịnh là một nhân vật tiên phong, là anh hùng trong những anh hùng của nhóm này.
Cao Trí Thịnh xuất thân nhà nông ở Thiểm Bắc, tự học thành tài và sau hành nghề luật sư. Trong suốt nhiều năm, ông đã vì những người yếu thế mà đề cao chính nghĩa. Ông biện hộ miễn phí cho những người dân cùng quẫn kiện tham quan, những người Thiên Chúa giáo bị bức hại, những tù nhân chính trị và lương tâm. Ông cũng tham gia vào phong trào nhân quyền Thái Thạch Thôn.
Từ năm 2004, luật sư Cao Trí Thịnh đã thâm nhập điều tra cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông liên tục gửi đi 3 lá thư phát biểu công khai, tiết lộ sự thực khủng khiếp về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tàn khốc của chính quyền Trung Quốc. Trong thư, ông cũng yêu cầu chính quyền phải dừng ngay sự bức hại tự do tín ngưỡng và các hành động tra tấn dã man. Cao Trí Thịnh biết rõ các nguy hiểm có thể xảy ra với mình, trong thư công khai gửi ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, ông viết rằng: “Trong lá thư này, tôi sẽ không né tránh bất cứ sự thật nào đang tồn tại mà tôi điều tra được, cho dù ngày công khai lá thư này là ngày tôi sẽ phải vào tù”. Đọc những dòng này, người ta không thể không cảm thấy chấn động.
Vì luật sư Cao Trí Thịnh tham gia không mệt mỏi các phong trào nhân quyền và trở thành biểu tượng tiên phong, nên các đòn khắc nghiệt cũng dồn dập ập đến với ông. Cao Trí Thịnh bị bắt cóc, mất tích, bị cầm tù và bị tra tấn hết lần này đến lần khác. Cho đến khi ông bị đưa đến nhà tù ở Tân Cương thì sự hành hạ về tinh thần và lạm dụng về thân thể nghe qua đã khiến người ta thấy sợ. Ba năm sau đó, một tổ chức nhân quyền quốc tế đau lòng công bố với mọi người rằng: “Cao Trí Thịnh đã hoàn toàn bị hủy hoại trong tù”.
Nhưng không lâu sau đó, chúng tôi lại được nghe thấy tiếng của luật sư Cao Trí Thịnh, ông vẫn kiên định với đức tin của mình và đầu óc vô cùng tỉnh táo. Thật là một ý chí kiên cường! Hôm nay, trước mặt chúng tôi là cuốn sách mới của ông. Cuốn sách 330.000 chữ “Năm 2017, Trung Quốc đứng lên” mà ông đã viết trong bí mật khi bị quản thúc tại quê nhà ở Thiểm Bắc. Không có máy tính, từng chữ, từng chữ viết ra đều bằng tay, sau đó bản thảo được gửi đi từng tờ, rồi bạn bè giúp đỡ gõ lại vào máy tính và gửi ra hải ngoại. Rất nhiều lần như thế rồi tập hợp lại thành sách. Chỉ riêng việc viết và xuất bản cuốn sách này đã là một truyền kỳ có đủ cả vui lẫn buồn.
Trong lịch sử, các loại nguyên tắc chuẩn xác, sự nghiệp chính nghĩa rất ít khi dựa vào sự thuyết phục mà tự động chiến thắng. Cần phải có nhân chứng khiến người khác ngưỡng mộ, người mà khi cần thiết thậm chí có thể tình nguyện hy sinh bản thân mình. Trong lúc gặp chuyện, chúng ta thường chỉ biết tự bảo vệ bản thân. Dưới áp lực đàn áp tàn bạo, nhiều người bỏ cuộc, nhiều người rút lui, thậm chí có người quy hàng. Với những việc đó, chúng ta đều có thể lý giải được, có thể thông cảm, có thể tha thứ. Nhưng chúng ta không thể không thừa nhận rằng việc hy sinh thân mình là vô cùng vĩ đại. Đối mặt với những áp lực khủng khiếp như thế vẫn bất khuất không phục khiến chúng ta đều phải tôn kính.
Ở đây, tôi cũng muốn thể hiện sự kính trọng đến vợ của luật sư Cao Trí Thịnh, bà Cảnh Hòa và các con. Suốt nhiều năm bà Cảnh Hòa đã kiên cường hỗ trợ ông Cao Trí Thịnh, đảm đương toàn bộ gánh nặng gia đình. Bất chấp nguy hiểm, bà đã dẫn các con trốn khỏi Đại Lục, trải qua thời gian vô cùng gian nan ở nơi đất khách quê người, một tay nuôi hai con nhỏ. Quả thực là một phụ nữ, một người vợ, một người mẹ tuyệt vời không gì so sánh được.
Con gái luật sư Cao Trí Thịnh là Cảnh Cách, năm nay 23 tuổi. Lần này cô sẽ thay cha đến nhận giải thưởng. Cảnh Cách từng nói, cô đã trải qua một “thời kỳ thanh xuân đen tối nhất”. Nguyên cô dùng trong tiếng Anh là từ “teenage” chỉ thời kỳ từ 13 đến 19 tuổi. Cũng chính là vì khi Cảnh Cách được 13 tuổi thì gia đình cô gặp cảnh bất hạnh khủng khiếp nhất: cha bị bắt, nhà bị cướp và bản thân cô bị bắt nạt tại trường học.
Các tại họa liên tiếp ập đến mà một cô gái mười mấy tuổi không thể lý giải được. Sau đó, Cảnh Cách cùng mẹ chạy trốn đến Hoa Kỳ sinh sống. Mặc dù được mẹ chăm sóc, được người thân giúp đỡ, nhưng có quá nhiều áp lực không có người chia sẻ mà phải một mình đối diện. Vì vậy, chúng tôi thật sự vui mừng khi thấy Cảnh Cách đã bước ra khỏi “thời kỳ thanh xuân đen tối nhất” để trưởng thành một cách mạnh mẽ. Bản thân ông Cao Trí Thịnh hẳn cũng vui vì điều này mặc dù vẫn con đang bị giam cầm. Tôi muốn gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến Cảnh Cách và em trai cô, Cao Thiên Dũ.
Luật sư Cao Trí Thịnh viết trong cuốn sách mới rằng suốt nhiều năm nay, ông vô cùng cảm tạ sự quan tâm từ bạn bè và truyền thông nước ngoài đến hoàn cảnh của ông. Ông nói: “Chính là thông qua mọi người mới có thể làm cảm động thế giới. Sự quan tâm của thế giới đến công lý đã giúp tôi có thể giữ vững tín niệm kiên định mà liên tiếp đứng dậy trong thời kỳ khó khăn nhất. Sự thăm hỏi, quan tâm của mọi người chính là nguồn lực tối hậu giữ cho an toàn sinh mệnh của tôi.”
Tôi biết có người nghi ngờ rằng sự quan tâm của chúng ta, những người ở hải ngoại có ý nghĩa gì không. Những lời này của luật sư Cao Trí Thịnh chính là phúc đáp cho những nghi ngờ đó, cũng là lời động viên cho chúng ta tiến những bước xa hơn nữa.
Hồ Bình
Hồ Bình sinh năm 1947, là nhà hoạt động trong Phong trào Bức tường Dân chủ Bắc Kinh năm 1979, cựu Chủ tịch Liên minh Trung Quốc vì Dân chủ. Đến Mỹ năm 1986, trở thành nhà văn ở New York từ năm 1995.
Xem thêm:
Từ khóa Cao Trí Thịnh Nhân quyền luật sư nhân quyền