Bộ Quốc phòng Ba Lan mới đây đã gửi tới Quốc hội và chính phủ Mỹ đề xuất quân đội Mỹ hiện diện lâu dài tại Ba Lan và quốc gia Đông Âu này sẵn sàng chi tới 2 tỷ USD để đạt được điều này, theo tờ Politico.
Đề nghị nêu trên của Ba Lan phản ánh mong muốn từ lâu của Vác-sa-va về việc xây dựng mối quan hệ an ninh gần gũi hơn với Mỹ và thúc đẩy sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ tại đất nước luôn phải chịu sức ép từ người hàng xóm Nga mạnh mẽ.
Mong muốn nêu trên của Ba Lan bắt đầu ngay từ khi nước này gia nhập Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1999, và được đẩy tới mức khẩn cấp kể từ sau khi Nga sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine cách đây 4 năm – gây quan ngại cho cả Ba Lan và khối NATO.
Văn bản đề xuất của Bộ Quốc phòng Ba Lan có đoạn viết: “Đề xuất này vạch ra nhu cầu rõ ràng và hiện hữu cho một đơn vị bọc thép của Mỹ triển khai lâu dài tại Ba Lan. Ba Lan cam kết cung cấp hỗ trợ đáng kể, có thể chi 1,5 đến 2 tỷ USD để xây dựng các cơ sở quân sự chung và cung cấp sự di chuyển linh hoạt cho lực lượng Mỹ”.
Đề xuất của Bộ Quốc phòng Ba Lan nói thêm rằng Vác-sa-va cam kết “chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng, đưa ra quyết định có hiệu quả hơn về chi phí cho chính phủ Mỹ và làm dịu đi mọi lo ngại của Quốc hội Mỹ trong thời điểm hiện nay [quyết sách] chi tiêu ngân sách [Mỹ] vẫn chưa chắc chắn”.
Văn phòng báo chí của Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận rằng bản đề xuất nêu trên có tên chính thức là “Đề xuất cho sự Hiện diện Lâu dài của Mỹ tại Ba Lan”, được ghi thời điểm hoàn thành năm 2018 và không phải tài liệu mật.
Tài liệu này cũng bao gồm các thông tin về các địa điểm đề xuất xây dựng căn cứ quân sự, bệnh viện, và các trường học, thậm chí cả các phòng tập thể thao cho gia đình quân nhân. Theo Politico, đề xuất này của Ba Lan đã được gửi tới chính phủ và Quốc hội Mỹ.
Đề xuất quan trọng này của Ba Lan đến vào thời điểm chỉ còn 1 tháng tới hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Brussels, tập hợp đầy đủ nguyên thủ của các quốc gia thành viên.
Động thái của Ba Lan rõ ràng là bước đi để Vác-sa-va chứng tỏ với các đồng minh Châu Âu về nỗ lực chống lại sự kiềm tỏa từ Nga ở phía đông, nhưng cũng đồng thời có thể góp phần gia tăng thêm căng thẳng Đông – Tây.
Đề xuất của Ba Lan chắc chắn sẽ khiến Nga giận dữ và chưa chắc đã nhận được sự hưởng ứng của một số nước Tây Âu – những quốc gia đang muốn cải thiện quan hệ với Moscow như Ý hay thậm chí cả Pháp và Đức.
Tuy nhiên, theo nhà báo Khorri Atkinson của hãng tin Axios (Mỹ), đề xuất của Ba Lan rất đáng lưu ý khi năm ngoái Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có bài phát biểu được đánh giá rất cao tại Vác-sa-va, trong đó ông Trump nói rằng ông sẽ lấy Ba Lan “là tấm gương cho những nước khác muốn tìm kiếm tự do, cho những nước muốn tập hợp lòng cam đảm và ý chí bảo vệ nền văn minh của chúng ta”.
Ba Lan hiện đang là nơi lưu trú của lực lượng vũ trang Mỹ và các đơn vị NATO. Lực lượng này đồn trú trên cơ sở luân phiên di chuyển giữa Ba Lan và ba nước Baltic ở phía bắc gồm Estonia, Latvia, Lithuania.
Hùng Cường
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…